Có Hình Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Quang cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Geneve về Đông Dương, ngày 8/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam​


Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài viết: “Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam."
TTXVN xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:
Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Hiệp định Geneve​

Cuối năm 1953, trước những chuyển biến mạnh mẽ trên cục diện chiến trường ở Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.
ttxvn_hiep dinh geneva 4.jpg
Ngày 4/5/1954, Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, đến Geneve (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Geneve về Đông Dương, sau những diễn biến tích cực cho chiến thắng của quân đội Việt Nam tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 8/5/1954, tin về kết quả Chiến dịch Điện Biên Phủ được truyền đến Geneve. Sáng sớm 8/5/1954, vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn đàm phán. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trả lời phỏng vấn của một nhà báo Thụy Điển ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó" và “cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, trang 340).
Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," Hội nghị Geneve bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hiệp định Geneve đã được ký vào ngày 21/7/1954.
Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước...
ttxvn_hiep dinh geneva 3.jpg
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tại phiên khai mạc Hội nghị Geneve về Đông Dương, ngày 8/5/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneve thành công” ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Hội nghị Geneve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, trang 1). Quả thực, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thì với Hiệp định Geneve, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Geneve thừa nhận. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng để Nhân dân ta đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước sau này.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneve đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Hiệp định đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Thắng lợi tại Hội nghị Geneve bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước cùng bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hiệp định Geneve là kết tinh thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 đến Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.
ttxvn_hiep dinh geneva 2.jpg
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Geneve về Đông Dương, ngày 8/5/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneve 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Hội nghị Geneve đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác.
Nhìn lại 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve, chúng ta biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối cũng như sự hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chúng ta luôn ghi nhớ tình đoàn kết trong sáng và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp, dành cho Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân và đề quốc. Do đó, Hiệp định Geneve không chỉ là thắng lợi của Việt Nam, mà còn là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương và cũng là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Từ năm 1954-1964, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành độc lập; riêng năm 1960 có tới 17 nước ở Châu Phi tuyên bố độc lập.

Những bài học trường tồn với nền ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"​

Đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia-dân tộc. Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Geneve cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của nguyên tắc độc lập, tự chủ trong các vấn đề quốc tế. Bởi các quốc gia đều vì lợi ích của mình, nên chỉ có kiên định độc lập, tự chủ mới giúp chúng ta giữ vững thế chủ động và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.
ttxvn_hiep dinh geneva 7.jpg
Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneve về Đông Dương (1954) chụp ảnh chung tại Trụ sở phái đoàn ở Villa Cadre. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tạo nên “một sức mạnh vô địch." Bên cạnh phát huy tối đa sức mạnh ngọn cờ chính nghĩa và khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta đã có chủ trương đúng đắn về không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết với Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến."
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.
Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, sách lược của ta thì linh hoạt” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, trang 555), trong đàm phán và thực thi Hiệp định Geneve, cái gốc “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến Hiệp định Paris 1973 sau này.
Còn “vạn biến” là trong lúc chưa thể thực hiện được trọn vẹn mục tiêu cuối cùng, có thể linh hoạt và biến hóa trong sách lược để rồi từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến. Đó là một phương pháp và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta; đồng thời, thể hiện bản sắc “cây tre Việt Nam” của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, “gốc vững," “thân chắc," “cành uyển chuyển."
ttxvn_hiep dinh geneva 5.jpg
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneve về Đông Dương (Thụy Sĩ, 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Thứ tư, bài học về coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình," “biết người," “biết thời," “biết thế” để từ đó “biết tiến," “biết thoái," “biết cương," “biết nhu." Đây là bài học sâu sắc, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang trải qua những biến động lớn, phức tạp và khó lường, càng phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo tình hình thế giới, nhất là chuyển động của các xu hướng lớn, điều chỉnh chiến lược, chính sách của các đối tác, trên cơ sở đó chủ động có đối sách phù hợp với từng đối tác, từng vấn đề.
Thứ năm, bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, Đảng ta đã chủ trương dùng biện pháp đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh, từ đó đã mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.
ttxvn_2504_70 nam Geneva (2).jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Dù có thể có góc nhìn khác nhau, song không thể phủ nhận Hội nghị Geneve đã để lại một bài học mang tính thời đại về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang diễn ra nhiều xung đột phức tạp.
Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự để tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cao nhất lợi ích dân tộc.
Những bài học nổi bật nói trên cùng nhiều bài học quý báu khác từ Hiệp định Geneve đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay.
Trong gần 40 năm tiến hành Đổi mới, chúng ta luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
ttxvn-bo-truong-bui-thanh-son-3690.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: TTXVN)
Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn này, đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn như Liên hợp quốc, ASEAN, WTO, APEC, ASEM...; đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do, tạo nên một mạng lưới liên kết kinh tế rộng mở với khoảng 60 nền kinh tế trên thế giới.
Phát huy các bài học của Hiệp định Geneve và truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
ttxvn-hiep-dinh-geneva-6-1085.jpg.webp

 
Hôm nay là ngày mà 60 năm trước HĐ Geneva chia đôi nước VN được ký kết, mà không thấy có báo cách mạng nào ở trung ương và HN đăng bài tưởng (kỷ) niệm. Hay vì đây là vết nhơ cần tẩy não? Hay tin này không câu view bằng tin cướp giết hiếp? Báo trong Nam và hải ngoại thì đăng bài nhiều.
Vĩ tuyến 17 là do Chu Ân Lai và Molotov quyết định cho nhanh, Vn phải theo 2 đại ca, VN trước đó mặc cả là vĩ tuyến 13 rồi 16, Pháp đòi vĩ tuyến 18. Hầu hết người Việt trong nước không hề biết nội dung bản hiệp định này ngang dọc ra sao, chỉ biết đại ý là lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời, 2 năm sau tổng tuyển cử, CS ở miền Nam thì tập kết ra Bắc, dân Bắc thích thì di cư vào Nam. Hết!
Vì không biết nội dung hiệp định cụ thể ra sao nên chả biết bên nào là bên phá hiệp định, chỉ nghe thông tin 1 chiều. Câu hỏi đặt ra là tại sao có khoảng 1 triệu người di cư vào Nam trong khi đó chỉ có khoảng 150 nghìn người tập kết, di cư ra Bắc? Phải chăng VNDCCH, có bề dày lịch sử và thành tích đánh Pháp hơn, lại tuyên truyền kém hơn Quốc gia VN, là chính quyền non trẻ, chả đánh Pháp ngày nào?
-----------------------------------
Theo GS Lê Xuân Khoa trong cuốn Việt Nam 1945-1995 – Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử, chương 6: Di tản và Định cư Tị nạn 1954
Di cư vào Nam
Theo thống kê của Phủ Tổng ủy Di cư Tị nạn (QGVN), tổng số dân rời bỏ miền Bắc vào Nam là 875,478 người trong số đó 871,533 đi trước ngày 19 tháng Năm và 3,945 người đi trong thời gian gia hạn. Nếu tính thêm số người vượt tuyến sau khi hết hạn, khoảng 76,000 người đi bằng thuyền hay đường bộ (xuyên rừng qua Lào), tổng số tị nạn lên tới gần 950,000 người.
Di cư và Tập Kết ra Bắc
Theo hiệp định đình chiến tại Genève, khoảng 140,000 bộ đội ********, cán bộ và gia đình được chính phủ VNDCCH đưa ra tập kết ở miền Bắc bằng phương tiện riêng trong thời hạn 300 ngày. Ngoài ra, số người xin di cư hay hồi cư từ Nam ra Bắc tổng cộng chỉ có 4,358 người, trong đó 1,018 người (599 người lớn, 419 trẻ em) được phi cơ nhà binh của Pháp chuyên chở giúp. Chuyến bay đầu tiên khởi hành ngày 8.4.1955 và chuyến cuối cùng vào ngày 9 tháng Năm. Sau ngày này, số 3,340 người còn lại (1,913 người lớn, 1,427 trẻ em) được Pháp chở bằng tàu thủy, chuyến cuối cùng là ngày 14.7.1955, gần hai tháng sau thời hạn ấn định.

Dương Quốc Chính
 
Top