Ngẫm về thuật nhìn người của cổ nhân

Khi tiếp xúc với người lạ, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đánh giá họ qua vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, vì ngoại hình và khí chất của một người có mối liên hệ mật thiết với tính khí và tính cách của người đó nên đôi khi chúng ta có thể biết liệu một người có đáng tin cậy và đáng kết giao hay không. Người xưa rất chú trọng đến tướng mạo của một người, đặc biệt là trong việc lựa chọn và dùng người. Tất nhiên điều này cũng không hoàn toàn đúng.

Người xưa có cách nói: “Lưỡng tai vô nhục bất khả giao, mãn kiểm hoành nhục vi hung tướng”, ý nói không nên kết giao với người có hai má gầy mỏng không có thịt, còn người có khuôn mặt đầy nếp cơ thịt nằm ngang thì sẽ là người hung bạo. Đây không chỉ là sự phán xét đơn thuần về tướng mặt của một người mà nó thể hiện hiểu biết sâu sắc về tính cách và vận mệnh của một người.

Tướng mạo “lưỡng tai vô nhục” tức là người có miệng nhọn và đôi má xương, ví như má khỉ. Theo quan điểm của cổ nhân thì tướng mạo loại này là vô cùng không tốt. “Bạc tai nan giao hữu”, người má gầy, mỏng thì khó làm bạn.

Nhiều tác phẩm văn học thời xưa dựa vào điều này mà khắc họa hình tượng nhân vật. Ví như trong “Phong Thần diễn nghĩa”, hình tượng của Thân Công Báo được khắc họa một cách sống động: hai gò má vừa gầy vừa mỏng, trong mắt lộ ra vẻ giảo hoạt thâm hiểm, hình tượng và hành vi khiến người ta theo bản năng sinh ra một loại cảnh giác.

Trái ngược lại hoàn toàn tướng mạo “lưỡng tai vô nhục” là “diện giáp viên nhuận”, tức là người có đôi má tròn trịa đầy đặn và mịn màng, thần sắc dễ chịu, đây chính là tướng mặt đầy đặn phúc hậu. Hình tượng của những người này khiến người khác cảm thấy thoải mái và thân thiện. Trong xã hội cổ đại, tướng mạo như vậy được coi là “phúc tướng”.

Còn như loại tướng “mãn kiểm hoành nhục“ thì có thể lấy nhân vật Lý Quỳ trong “Thủy Hử” làm ví dụ. Lý Quỳ được mệnh danh là “hắc toàn phong” (gió lốc đen), khuôn mặt có nhiều nếp cơ thịt vằn ngang rất dày khiến người ta có một loại cảm giác hung mãnh và uy hiếp.

Trương Phi trong “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng là một đại diện văn học cho cách xem tướng này. Trương Phi nổi tiếng là một người dũng mãnh bộc trực, nên mặt thường được khắc họa với cơ thịt vằn ngang, trông tự nhiên có loại khí thế uy nghiêm và bất khả xâm phạm. Ở trên chiến trường, sự dũng mãnh của Trương Phi khiến cho quân địch nghe tiếng đã sợ.

Mặc dù vậy, người xưa cũng cho rằng tướng mạo không phải lúc nào cũng chuẩn xác. Ngay trong “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng có nói về điều này. Bàng Thống được miêu tả là “người mày rậm, mũi gồ, mặt đen, râu ngắn, hình dung xấu xí”. Bởi tướng mạo xấu xí, nên dù có danh tiếng hiển hách, Lưu Bị cũng chỉ cho Bàng Thống làm huyện lệnh. Sau đó khi Bàng Thống triển hiện tài năng, Lưu Bị hối hận vì bạc đãi hiền sĩ, đã đích thân tới huyện tạ lỗi và mời Bàng Thống về Kinh Châu, phong làm Phó Quân sư Trung lang tướng.

Câu chuyện này cho chúng ta một góc nhìn khác, đó là ngoại hình không quyết định, điều chúng ta nên chú ý đến là phẩm chất và năng lực bên trong của một người. Khi đối mặt với những người có ngoại hình không phù hợp, đừng vội đưa ra kết luận mà hãy hiểu và chấp nhận họ bằng một cái tâm bình đẳng và rộng mở.

Trí tuệ và nhân cách thực sự của một người có nhiều khi là được ẩn giấu dưới vẻ bề ngoài bình thường, thậm chí là không có gì thu hút cả. Trong quá trình gặp gỡ kết giao với người khác, ngoài ấn tượng ban đầu về tướng mạo ra, thì một người vẫn cần dụng tâm cảm nhận sự độc đáo của đối phương, như thế có thể sẽ phát hiện ra những tài năng và đức tính ẩn giấu bên trong họ.
 
Mà tui thấy mấy cái xem tướng nhìn mặt này kia áp dụng châu Á mình thì ổn. Chứ áp cho Tây hay Mỹ La Tinh này kia không ổn. Thấy gương mặt họ khó đoán hơn mình
 
Top