Ở Bình Nhưỡng chỉ có duy nhất một cửa hàng bách hoá bán hàng cho người nước ngoài. Tất cả chúng tôi đều phải mua hàng ở đó và đều phải dùng một đồng tiền riêng, khác với đồng tiền mà người Triều Tiên dùng. Nhưng thực phẩm trong cửa hàng thường xuyên hết, mà có cầm tiền đi ra mấy khu chợ tự phát của người Triều Tiên thì cũng không ai bán cho. Hàng tháng, nhân viên sứ quán chúng tôi phải thay nhau sang Bắc Kinh để mua đồ ăn về dự trữ cho cả sứ quán. Đôi khi chúng tôi phải sang cả Moscow mua những nhu yếu phẩm cần thiết như đường, sữa...
Không chỉ khó khăn về lương thực, thực phẩm, với những người làm ngoại giao như chúng tôi, còn một khó khăn khác. Vì thực tế là làm ngoại giao ở Bình Nhưỡng trong giai đoạn đó rất nhàm chán, không có cơ hội để phát huy năng lực của mình, vì ví dụ như Việt Nam với Triền Tiên những năm sau này, quan hệ giao thương, hợp tác kinh tế coi như bằng 0. Bởi bản thân Triều Tiên dù rất muốn mua hàng của các nước khác, nhưng lại không có đủ khả năng trả nợ. Nên dần dần những trao đổi thương mại ít dần rồi mất hẳn. Việt Nam cũng từng bán cho Triều Tiên một khối lượng gạo rất lớn đầu những năm 1990. Nhưng đến giờ Triều Tiên không có khả năng trả món nợ đó.