

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Võ Thị Sáu được chính quyền Việt Nam coi là anh hùng dân tộc, được đặt tên cho nhiều đường phố, trường học...
- Tác giả,Royce Novak
- Vai trò,Gửi cho BBC từ Ohio, Hoa Kỳ
- Tác giả,Alex-Thái Đình Võ
- Vai trò,Dịch
- 21 tháng 7 2025
Mỗi đốm là đầu que nhang, mỗi que đánh dấu một phần mộ. Từ xa, tiếng nhạc hành khúc cách mạng vang vọng theo gió về phương bắc, phủ lên những lời trò chuyện khẽ khàng của dòng người đang xếp hàng dọc lối chính. Tất cả đều tìm đến Nghĩa trang Hàng Dương để tưởng niệm những tù nhân đã chết trên hòn đảo vừa nên thơ vừa u uất này – Côn Đảo.
Trong số đó, phần lớn du khách dừng chân trước mộ Võ Thị Sáu – cô gái trẻ bị xử bắn tại đây vào năm 1952 khi mới 19 tuổi vì tham gia kháng chiến chống thực dân. Tin rằng cô rất linh thiêng, nhiều người đến dâng lễ để cầu may mắn trong công việc, học hành hay sự nghiệp.
Võ Thị Sáu vừa là linh hồn linh thiêng thu hút du khách đến Côn Đảo, vừa là anh hùng dân tộc đã được bất tử hóa qua văn chương, âm nhạc, nghệ thuật và điện ảnh. Tên của cô xuất hiện ở nhiều con đường, trường học trên khắp cả nước.
Tuy vậy, những câu chuyện kể về cuộc đời Võ Thị Sáu lại không thống nhất – thậm chí nhiều khi mâu thuẫn. Bài viết ngắn này tìm cách sàng lọc những mâu thuẫn trong các tường thuật về cô, để tìm hiểu xem liệu có sự thật lịch sử nào, nếu có, ẩn sau lớp lớp truyền thuyết và huyền thoại hay không.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Sau khi qua đời, tương truyền Võ Thị Sáu rất thiêng, mộ phần của bà trở thành một địa chỉ tâm linh đối với người dân và các quan chức
Một câu chuyện đầy mâu thuẫn
Huyền thoại về Võ Thị Sáu – vốn được phản ánh trong "tường thuật chính thức" về cuộc đời cô – là điều quen thuộc với phần lớn người Việt Nam, nhưng vẫn đáng được nhắc lại ngắn gọn ở đây. Cô sinh vào đầu những năm 1930 tại làng Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Gia đình cô có sáu anh chị em, trong đó có một người anh trai đã rời nhà để gia nhập lực lượng Việt Minh. Được truyền cảm hứng từ anh trai khi còn ở tuổi thiếu niên, Võ Thị Sáu tham gia đơn vị Công an xung phong, làm nhiệm vụ trinh sát. Khi vẫn còn là một thiếu nữ chưa trưởng thành, cô đã thực hiện nhiều hành động táo bạo, nổi bật nhất là vụ ném lựu đạn vào lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp (Bastille Day) ở Đất Đỏ, khiến một sĩ quan Pháp thiệt mạng và nhiều binh lính bị thương.Tuy nhiên, cô đã bị bắt năm 1950 trong một vụ ném lựu đạn thất bại nhằm vào một chánh tổng thân Pháp tên là Tòng. Sau khi bị tra tấn tại đồn mật thám Bà Rịa, cô bị chuyển đến nhà lao Chí Hòa ở Sài Gòn. Tại đây, các nữ tù nhân lớn tuổi đã dìu dắt cô theo con đường cách mạng, đồng thời dạy cô đọc và viết trong thời gian chờ bị đưa ra xét xử trước tòa án quân sự. Sau khi bị tuyên án tử hình, cô bị chuyển ra Côn Đảo vào năm 1952 để hành quyết.
Sau cái chết của Võ Thị Sáu, một số nhân viên Pháp và các tù nhân thân Pháp nhiều lần tìm cách phá hoại bia mộ của cô – nhưng rồi từng người trong số họ đều lần lượt qua đời trong vòng vài tháng sau đó. Chính những cái chết bí ẩn này đã củng cố danh tiếng linh thiêng và đáng sợ của Võ Thị Sáu, và dần dần hình thành nên một tín ngưỡng thờ cúng cô trên đảo.
Từ năm 1954, những câu chuyện về Võ Thị Sáu bắt đầu được kể lại cho công chúng miền Bắc – chủ yếu qua lời của các văn nghệ sĩ và ký giả, những người tiếp cận thông tin qua các đồng bào tập kết từ miền Nam. Trong khi tại Côn Đảo, các nữ tù nhân tưởng niệm Võ Thị Sáu theo những hình thức thờ cúng gắn với tín ngưỡng nữ thần phổ biến ở Nam Bộ, thì ở miền Bắc, các nhà văn – nghệ sĩ đã kể lại và thêm thắt câu chuyện theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, hai cách hiểu khác nhau này về Võ Thị Sáu bắt đầu va chạm. Khi ấy, người ta dần nhận ra rằng cách tưởng nhớ và diễn giải về cuộc đời cô khác nhau rõ rệt giữa miền Bắc, các cựu tù nhân Côn Đảo và cả người dân quê nhà cô ở Đất Đỏ. Những mâu thuẫn trong các tường thuật này ban đầu không được thảo luận công khai, nhưng một số điểm bất nhất quá rõ ràng để có thể bỏ qua. Dễ nhận thấy nhất là năm sinh của Võ Thị Sáu: theo tường thuật chính thức, cô sinh năm 1935 (nghĩa là bị xử bắn khi mới 17 tuổi), nhưng các tài liệu sau này cho thấy cô sinh năm 1933 (tức là bị xử bắn ở tuổi 19). Một số sách thiếu nhi in trong thập niên 1970 cũng thể hiện dấu hiệu tranh luận này, với ghi chú rằng: "trong hồ sơ xử án, bọn Pháp ghi Võ Thị Sáu sinh năm 1933 cho 'đủ' tuổi."(1)
Cũng cần nói thêm rằng, vào năm 1952 – thời điểm Võ Thị Sáu bị hành quyết – luật pháp Pháp chưa cấm thi hành án tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi. Mãi đến năm 1979, Pháp và nhiều quốc gia khác mới chính thức bãi bỏ hình phạt tử hình với người vị thành niên.
Với những cải cách xã hội thời kỳ Đổi mới, không gian thảo luận công khai về quá khứ trở nên rộng mở hơn. Nếu như năm 1979, việc đặt câu hỏi hay hiệu chỉnh về năm sinh của Võ Thị Sáu vẫn bị xem là điều không thể chấp nhận, thì đến thập niên 1990, vấn đề này được tranh luận công khai, và dẫn đến việc sửa lại năm sinh của cô thành 1933 – đúng như hồ sơ từng ghi. Một bài viết trên tạp chí Lịch sử Đảng tháng 5 năm 2012 đã xác nhận thông tin này. Hơn nữa, đến thời điểm đó, việc thi hành án tử hình đối với người phạm tội khi còn là trẻ vị thành niên đã bị luật pháp quốc tế bác bỏ đến mức, việc Võ Thị Sáu có bị hành quyết trước sinh nhật thứ 18 hay không cũng không còn là điều đáng tranh cãi – bởi lẽ chỉ riêng việc cô bị tử hình vì hành vi phạm tội khi còn là trẻ vị thành niên đã là điều khiến nhiều người phẫn nộ.
Dù sự điều chỉnh năm sinh chỉ là một chi tiết nhỏ, quá trình công nhận lại sự thật này đã mất hàng chục năm. Và đây cũng không phải là mâu thuẫn duy nhất – vẫn còn nhiều điểm bất nhất khác trong các tường thuật, thậm chí có phần hệ trọng hơn.
Vào một ngày tháng Ba nóng nực năm 2017, trong không gian mát lạnh của một quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh, một nhóm văn nghệ sĩ tụ họp trò chuyện. Cuộc trao đổi đã được một người trong nhóm ghi hình và đăng tải lên mạng xã hội.
Một nhà thơ trong nhóm bất ngờ đứng dậy và nói thẳng điều mà ai cũng biết: phần lớn những gì họ từng viết về Võ Thị Sáu đều không đúng sự thật. Họ đều từng gặp gỡ các bậc cao niên ở Đất Đỏ – những người từng biết Võ Thị Sáu ngoài đời, từng chứng kiến những việc cô làm. Sau đó, một học giả nói thêm rằng Võ Thị Sáu có khiếm khuyết về mặt trí tuệ (dù ông dùng những từ ngữ khác để diễn tả).
Một số người ngồi trong bàn đồng ý với ông và bổ sung thêm những chi tiết mới. Họ cũng đều từng nghe rằng, vụ ném lựu đạn của cô không giết sĩ quan Pháp mà khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Khi ấy là tháng Hai năm 1950, gần Tết, và khu chợ rất đông người dân đi sắm sửa. Cô được giao nhiệm vụ ám sát một kẻ cộng tác với Pháp – nhưng người này hôm ấy không xuất hiện. Võ Thị Sáu vẫn tiến hành vụ tấn công, và theo lời nhà thơ, đã khiến 12–13 thường dân thiệt mạng. Chính sự kiện này mới là nguyên nhân dẫn đến việc cô bị bắt.
Nhưng đó chỉ là một cuộc trò chuyện, liệu lời truyền miệng như thế đáng tin đến đâu?

Nguồn hình ảnh,Khu di tích Nhà tù Côn Đảo
Chụp lại hình ảnh,Bức tranh Anh hùng Võ Thị Sáu bị dẫn ra pháp trường Côn Đảo được trưng bày tại Khu di tích Nhà tù Côn Đảo