2.887 dự án bất động sản trị giá 235 tỷ USD đang cần được khơi thông

Thông tin cả nước hiện có tới 2.887 dự án đầu tư đang vướng mắc, với tổng vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích 347.000 ha đất được đưa ra tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 là một con số khiến nhiều người ngạc nhiên.​

Con số này, nếu đối chiếu với thống kê chỉ 160 dự án tồn đọng trị giá 59.000 tỷ đồng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng công bố vào tháng 10/2024, thì sự ngạc nhiên có thể biến thành... thảng thốt.

Và rất có thể, đây chưa phải là con số cuối cùng. Càng rà soát, số lượng dự án “đắp chiếu” có thể sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Nguồn lực bị chôn

Tổng mức đầu tư 235 tỷ đô la bị “đắp chiếu” tương đương khoảng một nửa GDP của cả nước, một con số khổng lồ. Đây không chỉ là tiền, mà còn là hàng loạt cơ hội việc làm, tăng trưởng, phát triển hạ tầng, đô thị hóa và cải thiện sinh kế bị gác lại vô thời hạn.

Từ các khu công nghiệp, đường xá, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, đô thị hóa ven biển... tất cả đều là những lĩnh vực then chốt, kích hoạt nền kinh tế.


trung-tam-quan-1-74-94791.jpg

Nhiều bộ luật đang được sửa đổi, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua cuối năm nay. Ảnh: Hoàng Hà


Một lãnh đạo địa phương từng than rằng, hàng chục dự án bất động sản ven biển ở tỉnh ông đã được cấp phép, đã xây dựng, thậm chí bán cho người dân. Thế nhưng, rồi tất cả bị "trói chân" vì vi phạm... Luật Khoáng sản. Lý do: các dự án đó nằm trên vùng có mỏ cát, và theo quy định thì không được xây dựng trên mỏ khoáng sản.

Như vậy, cả một hệ thống từ chính quyền, chủ đầu tư dự án, ngân hàng, các doanh nghiệp vệ tinh và người mua đều treo trên đống nợ ngày càng phình to.

Sai ở đâu: Luật, cơ quan phê duyệt hay chủ đầu tư?

Vấn đề nằm ở chỗ: phần lớn các dự án treo hiện nay đều sai luật – hoặc về đất đai, đầu tư, quy hoạch, môi trường, hoặc về trình tự, thủ tục.

Nhưng thay vì truy trách nhiệm các cơ quan đã từng phê duyệt dự án trái luật, một số địa phương và bộ ngành lại... đổ lỗi cho luật sai và yêu cầu sửa luật.

Điều này đặt ra một câu hỏi không thể tránh né: Ai đã ký duyệt những dự án không thể triển khai theo pháp luật hiện hành?

Chúng ta cần đối diện với hai khả năng:

Thứ nhất, cơ quan phê duyệt không hiểu luật, nên cứ duyệt “cho xong”, đến khi vướng thì đẩy trách nhiệm cho luật, cho thể chế.

Thứ hai, hoặc tệ hơn, họ biết rõ là sai nhưng vẫn cố tình duyệt – và bây giờ muốn hợp thức hóa bằng cách xin… sửa luật.

Đây không chỉ là rủi ro pháp lý, mà còn là một rủi ro về thể chế và quản trị quốc gia. Bởi nếu chấp nhận nguyên tắc “cứ sai rồi sửa luật cho đúng”, thì Quốc hội sẽ phải chạy theo hợp thức hóa những sai phạm vô tận của bộ máy.

Luật vướng nhau

Không thể phủ nhận, có những vướng mắc nằm ngay trong hệ thống pháp luật.

Chẳng hạn, Luật Đầu tư quy định: nếu sau 12 tháng không triển khai dự án thì phải chấm dứt. Trong khi Luật Đất đai lại cho phép gia hạn thêm 24 tháng nếu nộp tiền bổ sung.

Hệ quả là, cùng một dự án, theo luật này thì chấm dứt, nhưng theo luật kia thì... tiếp tục được gia hạn. Chính quyền địa phương lúng túng, không dám ra quyết định vì sợ làm sai luật này hoặc phạm luật kia.

Không chỉ vậy, một dự án bất động sản có thể cùng lúc chịu sự điều chỉnh của hơn 15 luật khác nhau: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị...

Các luật này có những điểm chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí phủ nhận nhau – khiến nhà đầu tư không biết bắt đầu từ đâu, kết thúc thế nào, và liệu có thể triển khai dự án đến cùng hay không.

Cần một "quyết định đặc biệt" từ Quốc hội

Chính phủ đang thể hiện quyết tâm lớn trong việc rà soát, tháo gỡ khó khăn. Nhiều bộ luật đang được sửa đổi, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua cuối năm nay.

Tuy nhiên, một thực tế là nhiều rào cản pháp lý vượt ra ngoài thẩm quyền của Chính phủ. Việc giải quyết 2.887 dự án đắp chiếu nếu chờ sửa từng đạo luật và theo đủ các thủ tục thì cũng chưa biết bao giờ mới xong.

Có lẽ, nên hướng đến việc Quốc hội ban hành một Nghị quyết đặc biệt – một nghị quyết xử lý tổng thể các vướng mắc đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản.

Bên cạnh đó, cần phân loại rõ các nhóm như dự án bị treo do lỗi nhà đầu tư (thiếu năng lực, chiếm đất, chậm triển khai...); dự án bị treo do lỗi quản lý nhà nước (phê duyệt sai, quy hoạch bất cập...); dự án vướng do pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo.

Với từng nhóm, cần giải pháp khác nhau: xóa bỏ, cưỡng chế thu hồi, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép lại, hoặc hợp thức hóa có điều kiện.

Mỗi khu đất trong 2.887 dự án ấy đều có một chủ đầu tư cụ thể, đã được giao đất hoặc thuê đất, có quyền sử dụng rõ ràng, vì thế Chính quyền dù muốn “thu hồi” cũng không dễ dàng.

Giải pháp thực tế và khả thi nhất vẫn là: gỡ bỏ các thủ tục rối rắm, sửa đổi các quy định mâu thuẫn, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất để nhà đầu tư có thể triển khai tiếp. Trong trường hợp không triển khai, cố tình chây ì, lúc đó Nhà nước thu hồi cũng không muộn.

Nếu khơi thông được nguôn vốn bằng ½ GDP này, thì mục tiêu tăng trưởng 2 con số không phải là quá khó khăn.

Vote bán Nụi chó cho khựa 2350 tỷ
 

Có thể bạn quan tâm

Top