

Chụp lại hình ảnh,Bà Kamate gặp ông Yuriy trong một buổi đi chơi tối và bị vẻ điềm đạm của ông thu hút
- Tác giả,Ian Wafula
- Vai trò,BBC News
- 51 phút trước
"Nó không muốn bị những đứa trẻ khác trêu chọc vì mái tóc xoăn và làn da sáng màu của mình", mẹ cậu bé, bà Kamate Bibiche, nói với BBC trước khi Goma rơi vào tay phiến quân M23 vào tháng 1/2025.
"Dimitri là người Nga, nhưng có lẽ con tôi sẽ không bao giờ sống đúng với dòng máu của mình", bà nói.
Dimitri là lời nhắc nhở về di sản đau lòng của Phái bộ Ổn định Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo (MONUSCO).
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào cuối năm 1999, phái bộ này đã đối mặt với nhiều cáo buộc về bóc lột và lạm dụng tình dục liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Kamate do dự trước khi rút ra một chiếc hộp phủi bụi, được giấu sâu dưới gầm giường.
Bên trong là những kỷ vật duy nhất của bà về Yuriy, người đàn ông mà bà nói là cha của Dimitri. Trong đó có một chiếc mũ lính cũ và một bức ảnh chụp chung của hai người.
Bà Kamate gặp ông Yuriy trong một lần đi chơi tối và bị vẻ điềm đạm của ông thu hút. Hai người đã có mối quan hệ trong ba tháng.
"Anh ấy không giống những người đàn ông khác. Anh ấy yêu thương và đối xử với tôi rất tốt. Đó là ba tháng tuyệt vời nhất trong đời tôi", bà Kamate nhớ lại.
Ông Yuriy, giống như nhiều người lính gìn giữ hòa bình khác tiếp xúc với cộng đồng địa phương, tiết lộ rất ít về thân thế hoặc thông tin thật của mình.
"Anh ta là lính gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc", bà Kamate nói.
"Anh ta biết tôi có thai và hứa sẽ chăm sóc mẹ con tôi. Nhưng rồi anh ta biến mất không một lời, như thể chúng tôi chẳng là gì với anh ta vậy," bà Kamate nói.
Bà cho biết mình không có cách nào liên lạc được với bạn trai người Nga, vì số điện thoại ông ta dùng không còn gọi được nữa.
Lạm dụng quyền lực
Mặc dù bà Kamate tự nguyện bước vào mối quan hệ này, theo một nghị quyết của Liên Hợp Quốc được Đại hội đồng thông qua năm 2005, mối quan hệ đó vẫn bị coi là hành vi bóc lột.Chính sách này thừa nhận sự mất cân bằng quyền lực cố hữu giữa nhân viên Liên Hợp Quốc và những người dân địa phương dễ bị tổn hại. Điều này có thể khiến bất kỳ mối quan hệ tình dục nào cũng trở thành hành vi bóc lột, ngay cả khi có vẻ như là đồng thuận.
Nghị quyết này kêu gọi các quốc gia thành viên thực thi công lý cho các nạn nhân bằng cách buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm sau khi họ đã trở về quê hương.
Khi BBC News Tiếng Nga hỏi về tung tích người bạn trai của bà Kamate, người phát ngôn của MONUSCO, bà Ndeye Lo, nói rằng phái bộ không có lực lượng quân đội nào tham gia, chỉ có "một vài cảnh sát và sĩ quan nhân viên làm việc tại trụ sở chính".
Bà cũng nói rằng phái bộ không thể cung cấp quyền truy cập vào hồ sơ của các sĩ quan người Nga đã từng phục vụ tại Congo vào năm 2012 "vì lý do pháp lý".
BBC đã cố gắng tìm kiếm ông Yuriy, kể cả trên các mạng xã hội tiếng Nga, nhưng không thể tìm thấy người này.
Những cáo buộc nghiêm trọng

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Một báo cáo năm 2024 cho thấy số lượng cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan đến các phái bộ của MONUSCO gia tăng
Miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo đã trải qua nhiều thập niên xung đột khi lực lượng của chính phủ chiến đấu với các nhóm phiến quân muốn kiểm soát khu vực giàu khoáng sản này.
Vào tháng 1/2025, thành phố Goma đã rơi vào tay phiến quân M23 do Rwanda hậu thuẫn. Theo thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Congo, khoảng 7.000 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh khi phiến quân chiếm thành phố.
Liên Hợp Quốc ước tính hiện có hơn tám triệu người phải di tản, khiến đây trở thành một trong những cuộc khủng hoảng di tản nội địa lớn nhất thế giới.
Nhiều người phải vật lộn với tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu thốn các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nước uống và nhà ở, khiến phụ nữ và trẻ em gái đặc biệt dễ bị bóc lột.
Khi BBC nói chuyện với cô Maria Masika (không phải tên thật), cô vừa đến Goma từ thị trấn Sake đang bị chiến sự tàn phá ở phía bắc thành phố.
Tại đó, quân đội chính phủ đã giao tranh với phiến quân nhưng cuối cùng đã bị áp đảo. Cô Maria rõ ràng vẫn còn sốc - vẫn còn bàng hoàng vì những tiếng súng dữ dội mà cô chứng kiến.
'Anh ta biết tôi là trẻ vị thành niên'
Cô Maria đã đến Goma để thăm cô con gái 8 tuổi của mình, Queen, đang sống với bà ngoại trong thành phố để được an toàn.Năm 17 tuổi, cô Maria đã có quan hệ với một nhân viên gìn giữ hòa bình Nam Phi đóng quân gần căn cứ Minugugi.
"Anh ta biết tôi là trẻ vị thành niên," cô nói.
"Anh ta thuê một căn nhà gần căn cứ và đến thăm tôi bất cứ khi nào không làm nhiệm vụ."
Sau khi Queen chào đời, người lính gìn giữ hòa bình đã biệt tăm, bỏ mặc cô Maria tự xoay xở một mình.
Vì quá tuyệt vọng trong việc nuôi con, cô nói rằng hiện tại cô đang liều mạng mưu sinh bằng nghề mại dâm ở Sake.
Khi được hỏi về các mối quan hệ giữa nhân viên gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và người dân địa phương, Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Nam Phi cho biết họ rất nghiêm túc với những cáo buộc này.
"Các phiên tòa quân sự tại chỗ được tổ chức tại khu vực phái bộ nếu có bằng chứng đáng tin cậy về việc bóc lột và lạm dụng tình dục, bao gồm cả các vi phạm kỷ luật khác," người phát ngôn của lực lượng này, ông Siphiwe Dlamini, cho biết.

Chụp lại hình ảnh,Những cáo buộc bóc lột và lạm dụng tình dục liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái
Tại Trung tâm Gia đình Congo vì Niềm vui (Congolese Family for Joy), một ngôi nhà an toàn cho trẻ em bị bỏ rơi và mồ côi, có ít nhất năm trẻ em được báo cáo là con của các quân nhân MONUSCO, sau đó bị chính mẹ mình bỏ rơi.
"Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi hỗ trợ khoảng 200 phụ nữ và trẻ em gái bị nhân viên MONUSCO bóc lột tình dục", giám đốc trung tâm, bà Nelly Kyeya, cho biết.
"Nhiều người trong số họ bị cộng đồng kỳ thị nặng nề vì phải kiếm sống bằng nghề mại dâm. Sự cô lập này thường khiến họ bỏ rơi con cái", bà nói.
Bà Sandrine Lusamaba, điều phối viên quốc gia của Sofepadi, một tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nói với BBC rằng việc Liên Hợp Quốc không có thẩm quyền trực tiếp để truy tố những kẻ bóc lột tình dục, đồng nghĩa với việc nhiều người vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Bà cho biết nhiều quốc gia thành viên không hợp tác để truy tố binh lính của họ.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố vào tháng 3/2024 cho thấy số lượng cáo buộc về lạm dụng và bóc lột tình dục liên quan đến các phái bộ gìn giữ hòa bình và nhiệm vụ chính trị đặc biệt đang gia tăng.
Năm 2023, có 100 cáo buộc được ghi nhận trong các phái bộ gìn giữ hòa bình và nhiệm vụ chính trị đặc biệt, tăng so với 79 trường hợp vào năm 2022.
Những vụ việc này liên quan đến 143 nạn nhân, trong đó có 115 người lớn và 28 trẻ em, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.
Đáng chú ý, MONUSCO - bao gồm cả Phái bộ của Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo (MONUC) trước đây - chiếm 66 trong số 100 cáo buộc, dấy lên lo ngại về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong phái bộ này.
Chính sách không khoan nhượng
"Khi nhận được thông tin về các cáo buộc có thể liên quan đến bóc lột và lạm dụng tình dục, chúng tôi sẽ đánh giá và có hành động cụ thể", người phát ngôn của MONUSCO, bà Ndeye Lo, cho biết."Bất kỳ nhân viên nào bị xác minh là có hành vi vi phạm sẽ bị gắn "cờ đỏ" (cảnh báo) trong hệ thống của chúng tôi và bị cấm làm việc (đối với nhân viên dân sự) hoặc cấm được triển khai (đối với nhân viên quân đội)."
Phái bộ cho biết họ hỗ trợ cho các nạn nhân và con cái của họ thông qua Quỹ Ủy thác Hỗ trợ Nạn nhân, bằng cách cung cấp đào tạo kỹ năng và giáo dục.
Nhưng nhiều phụ nữ và trẻ em gái như bà Kamate và cô Maria cho biết họ không biết đến các hỗ trợ sẵn có, trong khi những người khác vẫn quá tổn thương để tìm đến công lý.