

Nguồn hình ảnh,Qianfang Studio
Chụp lại hình ảnh,Trò chơi đã được thay tên sau nhiều ý kiến phản đối
- Tác giả,Kelly Ng
- Vai trò,BBC News
- Singapore
- Tác giả,Abel U
- Vai trò,BBC News Tiếng Trung
- Hong Kong
- 2 giờ trước
Trong trò chơi hành động thực tế “Revenge on Gold Diggers” (Tạm dịch: Trả thù kẻ đào mỏ), người chơi vào vai các nhân vật nam chính bị những người phụ nữ mưu mô dụ dỗ vào các mối quan hệ để moi tiền – cách người đàn ông phản ứng sẽ quyết định diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Trò chơi đã nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng doanh số trên nền tảng trò chơi Steam chỉ trong vài giờ sau khi phát hành vào tháng Sáu, nhưng tranh cãi cũng lập tức nổ ra.
Một số người chỉ trích trò chơi củng cố những định kiến xúc phạm giới tính, trong khi những người ủng hộ cho rằng trò chơi chỉ nhằm cảnh báo mọi người về các trò lừa đảo tình cảm.
Sự chỉ trích dữ dội đến mức nhóm lập trình trò chơi đã âm thầm đổi tên nó thành Emotional Anti-Fraud Simulator (Trình giả lập chống lừa đảo tình cảm) vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, việc đó không đủ để xóa bỏ những hậu quả mà nó đã gây ra. Tài khoản của đạo diễn chính của trò chơi, nhà làm phim Hong Kong Mark Hu, hiện đã bị cấm trên một số nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc.
Các nhà lập trình trò chơi khẳng định họ không hề có ý "nhắm đến phụ nữ" – mà chỉ muốn thúc đẩy một cuộc "đối thoại cởi mở về ranh giới cảm xúc và những vùng xám trong chuyện hẹn hò hiện đại".
Nghệ sĩ Xu Yikun đã chơi thử trò chơi và thấy nó vô cùng xúc phạm. Cô bác bỏ lập luận của các nhà lập trình.
Cô cáo buộc họ đang áp dụng "một mô hình kinh doanh cổ điển dựa vào việc tạo ra nội dung gây tranh cãi và chia rẽ".
Những người chỉ trích như cô cho rằng ngay cả thuật ngữ "kẻ đào mỏ" cũng nồng nặc mùi phân biệt giới tính.
"Đó là một nhãn mác thường xuyên được gán cho phụ nữ," cô Xu nói.
"Những trò đùa phân biệt giới và các thuật ngữ miệt thị như vậy đã len lỏi vào ngôn ngữ thường ngày của chúng ta."
"Nếu bạn có bạn trai giàu có, bạn sẽ bị gọi là kẻ đào mỏ. Nếu bạn cố gắng làm mình xinh đẹp, bạn cũng bị gọi là kẻ đào mỏ… Đôi khi, chỉ cần bạn nhận một ly nước từ ai đó, bạn cũng đã bị gán mác như vậy," cô nói thêm.

Nguồn hình ảnh,Qianfang Studio
Chụp lại hình ảnh,"Muốn biết một người đàn ông có yêu bạn không? Hãy xem anh ta chi bao nhiêu tiền," một nhân vật nữ trong trò chơi nói
Tuy nhiên, một số người chơi lại cho rằng những lời chỉ trích là phóng đại.
"Trò chơi không hề cố gắng nói rằng tất cả phụ nữ đều là kẻ đào mỏ… Tôi không thấy nó nhắm vào giới tính nào cả," Zhuang Mengsheng, 31 tuổi, người đã dùng tên giả để trò chuyện với BBC, nói.
"Cả phụ nữ và đàn ông đều có thể là kẻ đào mỏ."
Thế nhưng, trong trò chơi này, tất cả những "kẻ đào mỏ" đều là phụ nữ. Từ một influencer (người nổi tiếng trên mạng xã hội) trẻ trung trên mạng đến một nữ doanh nhân năng động, tất cả đều được khắc họa là đang mưu tính khiến đàn ông chi tiền và tặng quà cho mình.
"Muốn biết một người đàn ông có yêu bạn không? Hãy xem anh ta chi tiền," một nhân vật nữ trong trò chơi nói.
Ngay cả giới truyền thông trong nước cũng có những ý kiến đối lập về trò chơi này. Một tờ báo ở tỉnh Hồ Bắc ở miền trung cho rằng trò chơi "đang gán nhãn toàn bộ phụ nữ là kẻ lừa đảo."
Tuy nhiên, tờ Beijing Youth Daily (Thanh niên Bắc Kinh) lại khen ngợi trò chơi vì sự "sáng tạo", dẫn chứng tác động tài chính của các vụ lừa đảo tình cảm: khoảng 2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7.290 tỷ đồng) trong năm 2023, theo dữ liệu từ Trung tâm Chống Lừa đảo Quốc gia.
"Chúng ta cần chấm dứt các hành vi lừa đảo tình cảm ngay lập tức," bài xã luận của tờ báo viết.
Bất chấp tranh cãi, doanh số của trò chơi vẫn tiếp tục tăng vọt. Nó hiện nằm trong top 10 trò chơi trên máy tính (game PC) hàng đầu tại Trung Quốc, thậm chí vượt qua cả Black Myth: Wukong, vốn được cho là trò chơi Trung Quốc thành công nhất mọi thời đại.
"Tôi không hiểu tại sao mọi người lại tức giận về trò này. Nếu bạn không phải là kẻ đào mỏ, thì tại sao lại cảm thấy bị xúc phạm?" một người đàn ông 28 tuổi đặt câu hỏi.
"Tôi thực sự nghĩ rằng nhà lập trình trò chơi rất táo bạo. Những vấn đề như lừa đảo tình cảm vẫn chưa được bàn luận rộng rãi ở Trung Quốc."

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Nhiều ý kiến phê phán rằng tiền đề của trò chơi này là phân biệt giới vì tất cả những “kẻ đào mỏ” là phụ nữ
Một số người trên mạng cho rằng trò chơi này lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một người đàn ông Trung Quốc, được biết đến với cái tên Fat Cat (Mèo Béo) trên mạng, đã nhảy lầu tự tử vào năm ngoái sau khi chia tay người yêu.
Cái chết của anh đã gây ra một cuộc thảo luận gay gắt trên mạng, trong đó thuật ngữ "kẻ đào mỏ" được sử dụng rộng rãi, một số người cáo buộc bạn gái cũ của anh đã lợi dụng anh, khiến anh tự tử.
Cảnh sát đã bác bỏ những cáo buộc này.
Những người phụ nữ nói chuyện với BBC lo ngại rằng trò chơi này sẽ duy trì các chuẩn mực giới tính có vấn đề ở Trung Quốc, nơi xã hội tin rằng phụ nữ nên ở nhà, trong khi coi đàn ông là trụ cột gia đình.
Vì vậy, đối với phụ nữ, việc kết hôn tốt theo truyền thống được coi là quan trọng hơn thành công trong sự nghiệp.
Những thông điệp chính thức từ Đảng ******** Trung Quốc do nam giới thống trị ủng hộ điều này - Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi phụ nữ đảm nhận vai trò của họ là "những người vợ và người mẹ tốt".
Chính phủ cũng đã đàn áp một nhóm các nhà hoạt động đòi hỏi bình đẳng giới ngày càng đông đảo.
"Tôi cảm thấy một trò chơi như vậy chỉ đơn thuần là làm gia tăng sự gay gắt giữa nam và nữ," một người phụ nữ, không muốn nêu tên vì sợ bị công kích trên mạng, chia sẻ.
"Nó một lần nữa coi phụ nữ là phái yếu, phải tìm cách làm hài lòng đàn ông để kiếm sống."