“Chết có đem theo được đâu”! Một câu nói sáo rỗng, đầy tiếc nuối
(Bài viết bởi nhà thiết kế nội thất Quách Thái Công)
Có một câu mà còn nhiều người hay buông ra mỗi khi thấy ai đó sống đẹp, sống giàu, sống có gu, như thể họ vừa phát hiện ra một chân lý sâu sắc lắm: “Chết có đem theo được đâu.”
Câu đó thường xuất hiện khi họ nhìn thấy người khác mua một chiếc xe đắt tiền, xây một ngôi nhà sang trọng, dùng một chiếc ly pha lê Saint-Louis, đeo một chiếc đồng hồ Patek Philippe hay ăn một bữa tối trong không gian đẹp. Với họ, bất cứ ai đang tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn đều đáng bị nhắc nhở về cái chết. Như thể việc sống đẹp là một tội lỗi xa hoa cần phải được cảnh tỉnh.
Nghe qua thì tưởng như lời nhắn gửi về sự vô thường. Nhưng thật ra, nó không mang tinh thần giác ngộ, mà thường xuất phát từ một tâm thế thiển cận, ganh tị, và đầy tiếc nuối. Một người sống thanh thản, có đủ nhận thức, sẽ không dùng cái chết để biện hộ cho nỗi sợ sống.
Ai cũng biết, chết thì không thể mang theo gì. Nhưng câu hỏi không phải là “mang theo được không”, mà là: “sống để làm gì?”
Người hiểu sống sẽ không đợi đến lúc lìa đời để mới nghĩ tới giá trị. Họ sống với thẩm mỹ, với kỷ luật, với lòng biết ơn từng khoảnh khắc. Họ chọn ở một không gian đẹp, ăn bằng bộ dĩa bạc, thắp một cây nến thơm vào buổi tối, không phải vì muốn “mang theo” gì cả, mà vì họ tôn trọng đời sống này. Sống trọn là một dạng đạo đức.
Ngược lại, những người hay buông câu “chết có đem theo được đâu” thường là những người chưa từng biết hưởng thụ một cách văn minh. Họ tiếc từng đồng, ngại từng trải nghiệm, sống dè chừng, phán xét, và khi nhìn thấy người khác sống đẹp, họ đau. Và họ nói.
Nhưng sự thật là, người biết sống không cần mang theo gì khi chết, vì họ đã để lại rất nhiều: một căn nhà đẹp, một ký ức khó quên, một buổi tiệc tử tế, một tinh thần sống truyền cảm hứng, một nhân cách khiến người khác phải nhớ đến, dù chỉ trong im lặng.
Và đúng như ông bà ta đã dạy: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.” Không ai mang theo được vật chất, nhưng giá trị sống thì ở lại rất lâu. Da con cọp có thể quý, nhưng tiếng của một con người mới là thứ để lại hoặc bị khinh thường sau khi họ rời khỏi cuộc đời này.
Câu nói “chết có đem theo được đâu” không phải là một triết lý, mà là tiếng thở dài của những người đã sống quá hẹp, quá tiếc, quá sợ, và bây giờ đang tự ru mình, mỗi khi đứng trước một điều gì đó đẹp đẽ mà họ không dám với tới. Họ không còn tin mình xứng đáng, nên họ gán cho người khác là khoe mẽ, phù phiếm. Thấy người phụ nữ ăn mặc đẹp đi vào nhà hàng sang trọng, là họ nghĩ ngay đến hóa đơn. Thấy một người đàn ông lái xe sang, là họ nghĩ đến “khoe của”. Trong đầu họ, cái đẹp không còn là để thưởng thức, mà là để phán xét.
Điều đáng buồn nhất, không phải là cái chết. Mà là khi còn sống, họ không ký ức đẹp, không xúc cảm thật, không khoảnh khắc tự do. Chỉ có sợ hãi, ganh tị, và những câu nói dùng để bào chữa cho một cuộc đời đã bỏ lỡ quá nhiều.
Đừng sợ cái chết. Đừng sợ việc không thể mang theo điều gì khi chết. Hãy sợ một cuộc đời trống rỗng, nhạt nhòa, và không để lại gì cả. Đừng dùng cái chết để biện hộ cho một cuộc đời chưa từng dám sống. Mà nên sợ một tâm hồn chưa từng mở ra và chỉ biết nhìn người khác sống rồi buông ra một câu nói: “Chết có đem theo được đâu.”