Bạn gái chia tay ngay sau lần đầu về ra mắt vì một câu nói của bố tôi

Tôi và bạn gái đã bên nhau gần hai năm. Tình cảm sâu đậm, tính chuyện tương lai. Em từng nói, gia cảnh không quan trọng nếu hai người thật lòng yêu nhau. Nhưng tất cả tan vỡ chỉ sau một buổi về thăm nhà tôi khi bố tôi, trong men rượu, buông ra một câu nói tưởng như vô hại, nhưng lại khiến em quyết định rời đi.​


Tôi 27 tuổi, bạn gái tôi tên Chi, kém tôi một tuổi. Cô ấy sinh ra trong một gia đình công chức nền nếp, sống trong sự bảo bọc, đủ đầy. Còn tôi lớn lên trong một mái nhà đầy tiếng cãi vã, mùi rượu và nỗi xấu hổ.

Từ nhỏ, tôi theo mẹ ra chợ bán hàng. Cha tôi làm thợ mộc, hay uống rượu. Mỗi lần say, ông không kiểm soát được lời nói, khiến người ngoài thì cười cợt, người trong nhà thì chỉ mong được độn thổ.

Tôi chưa bao giờ che giấu hoàn cảnh của mình với Chi. Ngược lại, tôi kể hết với cô ấy, từ tuổi thơ nghèo khổ đến hành trình nỗ lực vươn lên của tôi, học hành chăm chỉ, cố gắng không ngừng để có được công việc ổn định hiện tại.

Chi từng nói: "Em yêu anh vì ý chí và bản lĩnh. Gia cảnh không quan trọng, chỉ cần chúng ta yêu nhau là đủ".

Tôi đã tin vào điều đó.

Vài lần tôi đến nhà Chi chơi, bố mẹ cô ấy tiếp đón nhã nhặn nhưng lạnh nhạt. Tôi hiểu, họ có những kỳ vọng cao hơn về con rể tương lai, nhưng họ vẫn giữ thái độ tôn trọng con gái. Điều ấy khiến tôi thầm cảm kích.

Tuần trước, Chi hỏi tôi: "Cuối tuần anh về quê, em về cùng được không?". Tôi bối rối. Nhà cửa tôi tạm bợ, mẹ bận buôn bán, bố thì... chỉ cần có rượu là không biết trời đất gì.

Tôi từng định nghỉ phép vài hôm để sửa sang lại nhà cửa trước khi tính chuyện trăm năm. Nhưng Chi đã chủ động, tôi không nỡ từ chối.

Tôi gọi điện về dặn mẹ nghỉ chợ một hôm để đón "con dâu tương lai". Tôi cũng dặn mẹ nhắc bố đừng uống rượu. Dù chỉ một ngày thôi, xin hãy giữ thể diện cho con.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhưng đời không như mơ.

Khi chúng tôi vừa đến cổng, bố tôi đã đứng chờ sẵn, trong dáng vẻ lảo đảo và ánh mắt vẩn đục vì men rượu. Chi vừa cất lời chào, ông đã đi một vòng quanh cô ấy, nhìn soi mói từ đầu đến chân rồi buông ra một câu khiến tôi chết lặng: “Được đấy, thằng này giỏi chọn. Đàn bà thắt đáy lưng ong thế này là mắn đẻ lắm đấy!”

Chi sững người. Tôi thì chỉ muốn biến mất ngay lập tức.

Suốt bữa cơm, bố tôi thao thao bất tuyệt. Ông kể từ chuyện mẹ tôi cãi chồng, đến việc tôi hồi nhỏ nhát như cáy. Rồi ông quay sang dạy Chi làm vợ, làm dâu: “Bác nói thật, nhà là phải có nóc. Con dâu mà hỗn, không biết nghe lời chồng như mẹ Khang là không được.”

Tôi không nuốt nổi cơm. Chỉ mong có thể rót cho bố thêm rượu để ông ngất đi, đừng nói gì nữa.

Trên đường trở về thành phố, Chi lặng im. Tôi cố giải thích rằng bố tôi khi say mới vậy, còn khi tỉnh táo thì cũng... dễ chịu hơn. Chi chỉ khẽ gật đầu rồi im lặng.

Khuya đó, em nhắn tin: “Em không chê anh nghèo, không chê bố mẹ anh làm lao động tay chân. Nhưng sau hôm nay, em nhận ra hai gia đình mình quá khác biệt. Em từng nghĩ chỉ cần yêu nhau là đủ, nhưng thực tế... không đơn giản vậy.”

Chi nói không muốn khiến bố mẹ mình buồn, lo lắng hay thất vọng vì lựa chọn của con gái. Dù không bị ép buộc, em vẫn không đủ can đảm để đi ngược mong muốn âm thầm của cha mẹ.

Tôi không trách Chi. Tôi hiểu em, và càng thương em hơn vì đã cố gắng vượt qua rào cản ấy.

Nhưng đến cuối cùng, tôi vẫn bất lực.

Người ta bảo, chỉ cần nhìn vào cách ứng xử của bố mẹ là biết được con cái thế nào. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng tôi cũng muốn hỏi: Những người như tôi, không được chọn nơi sinh ra, không thể thay cha đổi mẹ thì liệu có cơ hội nào để được yêu và được chấp nhận trọn vẹn không?

Tôi không thù hận, không oán trách. Chỉ thấy một nỗi buồn sâu thẳm vì tất cả những gì tôi cố gắng bao năm qua, đến cuối cùng, vẫn không đủ để giữ lấy một người con gái mà tôi yêu bằng cả trái tim.
 

Có thể bạn quan tâm

Top