BBC có mặt tại Los Angeles, nơi diễn ra các cuộc biểu tình bạo động

A resident of Paramount stands in front of iron gates with National Guard members in the background

Nguồn hình ảnh,Leire Ventas / BBC News Mundo
Chụp lại hình ảnh,Một trong những cư dân của thành phố Paramount đứng trước lực lượng Vệ binh Quốc gia vào Chủ nhật (8/6) để bày tỏ sự phản đối
  • Tác giả,Leire Ventas
  • Vai trò,Phóng viên BBC News Mundo tại Los Angeles
  • 11 tháng 6 2025
"Các anh sắp ra chiến trường à, với số vũ khí này ư?" một người đàn ông hỏi các binh sĩ Vệ binh Quốc gia tay lăm lăm súng đang đứng lặng lẽ quan sát anh ta từ phía bên kia hàng rào.
Chúng tôi đang ở Paramount, một vùng ngoại ô phía nam Los Angeles, nơi các cuộc đụng độ đã nổ ra vào thứ Bảy giữa các đặc vụ của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) và một nhóm người biểu tình kéo đến sau khi có tin các cuộc truy quét trục xuất đang diễn ra tại khu vực này.
Tình hình bất ổn này đã khiến Tổng thống Donald Trump can thiệp, sau hai ngày xảy ra các cuộc biểu tình rải rác phản đối các chiến dịch di trú.
Ông Trump đã ra lệnh triển khai 2.000 binh sĩ để giúp "khôi phục luật pháp và trật tự" tại thành phố lớn nhất bang California.
"Đây là một động thái chỉ khiến căng thẳng leo thang," Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom – một đảng viên Dân chủ – cảnh báo. Ông đã dự đoán được những gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau tại trung tâm thành phố Los Angeles, nơi hàng trăm người biểu tình chặn lối vào, cảnh sát tìm cách giải tán họ bằng hơi cay và lựu đạn choáng, và xe cộ bị đốt cháy.

"Các anh đang làm nhiệm vụ, nhưng chúng tôi không phải là kẻ thù," người đàn ông đứng bên hàng rào trước mặt các binh sĩ hô lớn.
Giọng của ông sang sảng giữa khoảng hơn chục người tập trung hôm Chủ nhật để bày tỏ với lực lượng Vệ binh Quốc gia thấy rằng sự hiện diện của họ không được hoan nghênh.
A resident holds a Mexican flag in Paramount, Los Angeles

Nguồn hình ảnh,Leire Ventas / BBC News Mundo
Chụp lại hình ảnh,Hơn 80% cư dân của Paramount có nguồn gốc Latinh
Nhưng cảm xúc của ông cũng được nhiều người khác tại thị trấn có khoảng 51.000 cư dân này chia sẻ. Theo dữ liệu điều tra dân số, khoảng 8 trong số 10 người ở đây là người gốc Latinh và 36% sinh ra ở nước ngoài.
"Ở đây chỉ toàn là người lao động chăm chỉ, vì khu phố này được người nhập cư xây dựng nên," ông khẳng định, trong khi một người hàng xóm khác vẫy cờ Mexico, hai thanh niên giơ cao các tấm biển lên án ICE, và nhiều chiếc xe bấm còi inh ỏi khi chạy ngang qua.

'Mọi người đang sống trong tâm lý lo sợ'​

Giống như mọi cuối tuần, ba người nhập cư – lực lượng đã góp phần tạo nên cộng đồng Paramount ngày nay – lại tụ họp bên kia đường để trò chuyện về gia đình và những gì đang xảy ra.
Ngồi trong xe, cuộc trò chuyện hôm Chủ nhật giữa Juan, Rogelio và Héctor xoay quanh việc căng thẳng đã bùng lên tại chính bãi đậu xe Home Depot hôm trước giữa người biểu tình và lực lượng liên bang.
"Nghe nói là có thông tin họ đang tiến hành các cuộc truy quét ngay tại đây," Juan, một người Mexico 63 tuổi đến Mỹ từ bang Jalisco khi mới 17 tuổi, giải thích.
"Và điều đó đã thu hút nhiều người đến, rồi trong lúc hỗn loạn, mọi chuyện đã biến thành bạo động," ông nói thêm.
Một số người biểu tình đã ném bom xăng tự chế và đá. Các cửa sổ bị đập vỡ, một chiếc xe bị đốt cháy. Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su. Sự hoang mang và sợ hãi bao trùm khu phố.
Protests in Paramount

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,There were chaotic scenes in Paramount on Sunday
Trong một thông điệp gửi BBC, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) phủ nhận việc Cơ quan Thi thi Di trú và Hải quan (ICE) đã tiến hành các chiến dịch ở khu vực này vào ngày thứ Bảy.
Tuy nhiên, DHS cho biết tuần trước đã có 118 người nhập cư không có giấy tờ bị bắt giữ trong các chiến dịch truy quét ở Los Angeles - đây là các biện pháp thực thi nhập cư nghiêm ngặt nhất đối với thành phố "nơi trú ẩn của người nhập cư" này kể từ khi ông Trump lên nắm quyền với lời hứa thực hiện "cuộc trục xuất lớn nhất trong lịch sử đất nước".
Dù vậy, ba người bạn cho biết họ cảm thấy thoải mái - "chúng tôi không gặp vấn đề gì, giấy tờ đều đầy đủ" - mặc dù họ cũng thừa nhận nhiều cư dân không có giấy tờ hiện đang sống trong sự lo sợ.
"Đó là lý do tại sao hôm nay bạn không thấy ai ở đây," Juan, người không muốn nêu họ tên đầy đủ, nói.
"Thường thì - nhất là các ngày trong tuần - bạn có thể thấy 20 hoặc 30 chiếc xe tải của những người lao động ngày đang đậu ở đây chờ khách thuê," ông giải thích.
A tear gas canister in the back of a truck

Nguồn hình ảnh,Leire Ventas / BBC News Mundo
Chụp lại hình ảnh,Pedro (không phải tên thật) là một trong số ít lao động thời vụ xuất hiện để tìm việc vào Chủ nhật tại Paramount. Trong xe tải của ông có một quả đạn hơi cay mà các nhân viên thực thi pháp luật đã bắn ra vào ngày thứ Bảy
Một trong số ít người vẫn đến tìm việc vào Chủ nhật này là Pedro, người yêu cầu được dùng tên giả.
"Lợp mái, sửa chữa, sơn nhà," tấm biển dán trên kính chắn gió chiếc xe bán tải màu xanh cũ kỹ của ông, đậu kín đáo ở một góc đường, viết như vậy.
"Cuộc sống ở đây rất đắt đỏ và tiền trợ cấp hưu trí thôi thì không đủ," Pedro, đến từ El Salvador nhưng đã sống ở Mỹ gần 50 năm, nay đã hơn 70 tuổi, gần đến tuổi nghỉ hưu, chia sẻ.
"Đó là lý do tôi phải đến đây mỗi ngày để kiếm sống," ông nói.
Ông làm vậy với sự an tâm vì đã hoàn tất thủ tục hợp pháp hóa tình trạng nhập cư từ năm 2000, nhưng vẫn cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy hàng xóm mình gặp rắc rối.
Đây không phải là những cuộc biểu tình đầu tiên được tổ chức tại Los Angeles. Thành phố này là một trong những nơi đầu tiên trên cả nước xuống đường phản đối khi ông Trump trở lại Nhà Trắng với chương trình chống nhập cư.
Tuy nhiên, ông Pedro mô tả các cuộc biểu tình những ngày gần đây như một "bước ngoặt".
"Giận dữ hơn, phẫn nộ hơn. Nhiều người xuống đường biểu tình vì cha mẹ hoặc các thế hệ trước đã lặng lẽ, âm thầm chịu đựng quá nhiều," ông nói.
"Nhưng chuyện này sẽ không kết thúc ở đây. Các đợt truy quét sẽ tiếp tục. Sống dưới thời tổng thống này ngày càng trở nên không thể chịu nổi," ông tiếp tục, đồng thời cho biết đang cân nhắc việc trở về El Salvador.
"Đã đến lúc phải đứng lên," bà María Gutiérrez, người đã tham gia cuộc biểu tình ở Paramount hôm thứ Bảy, nói. "Đây là những người của tôi."
Sinh ra ở Mexico, sống ở Mỹ từ khi còn nhỏ, bà nói với BBC trong lúc quan sát lực lượng Vệ binh Quốc gia cùng các xe Humvee của họ.
"Đây là Los Angeles," bà nói. "Chuyện này ảnh hưởng đến tất cả chúng tôi.
Mọi người đều có người thân hoặc biết ai đó không có giấy tờ."

'Một cộng đồng đầy sức sống'​

Một số cư dân địa phương tìm sự an ủi và hỗ trợ tại nhà thờ mà họ thường đến mỗi Chủ Nhật. Nhà thờ Chapel of Change nằm cách Home Depot – nơi xảy ra các cuộc đụng độ – chỉ vài mét.
Khoảng 200 người, phần lớn là các gia đình gốc Tây Ban Nha, chăm chú lắng nghe bài giảng kêu gọi họ vững đức tin.
"Irene Ramírez, một trong các mục sư của nhà thờ, nói với BBC Mundo: 'Ở đây, chúng tôi tìm kiếm sự đoàn kết và cầu nguyện cho mọi người.'
Bà mô tả cộng đồng này là 'sống động, đoàn kết và hướng về gia đình'."
Pastor Irene Ramírez and Dora Sánchez, in front of the Chapel of Change church in Paramount

Nguồn hình ảnh,Leire Ventas / BBC News Mundo
Chụp lại hình ảnh,Mục sư Irene Ramírez và Dora Sánchez trước nhà thờ Chapel of Change ở Paramount
Mục sư chính của nhà thờ, ông Bryan Worth, cũng đồng tình.
"Qua nhiều năm, Paramount đã trở thành một đô thị thực sự sôi động," ông nói với BBC.
"Vào những năm 1980, Paramount nổi tiếng là một trong những thành phố nhỏ tồi tệ nhất nước, nhưng giới lãnh đạo dân sự, những người trong ngành giáo dục, và cả những người như chúng tôi – lãnh đạo các nhà thờ – đã cùng nhau hợp lực để thay đổi cộng đồng, làm cho nơi đây đoàn kết hơn và nhìn chung yên bình hơn," ông nhấn mạnh.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ chứng kiến những cảnh tượng như họ chiếu trên TV xảy ra ở đây," bà Dora Sánchez – người hỗ trợ công việc tại nhà thờ – chia sẻ đầy tiếc nuối.
"Mọi thứ thật sự rất sốc," bà nói thêm.
Immigration and Customs Enforcement and Department of Homeland Security agents clash with protesters in LA

Nguồn hình ảnh,Anadolu via Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Căng thẳng cũng gia tăng giữa những người biểu tình và lực lượng thực thi pháp luật tại trung tâm Los Angeles vào chiều Chủ nhật
Vài giờ sau cuộc trò chuyện đó, căng thẳng đã leo thang trên các đường phố trung tâm Los Angeles, cách Paramount khoảng 20km về phía bắc.
Và mâu thuẫn giữa chính phủ liên bang và chính quyền bang ngày càng sâu sắc hơn.
Những sự kiện này cũng đã gây phản ứng từ Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum.
Vào Chủ nhật, bà nói rằng bà không "đồng tình" với các cuộc truy quét của Mỹ và kêu gọi nước láng giềng phía bắc tiến hành cải cách nhập cư.
"Vấn đề nhập cư không nên được giải quyết bằng các cuộc truy quét hay bạo lực; mà cần phải ngồi lại để bàn về một cải cách nhập cư toàn diện, xem xét tới tất cả người Mexico bên kia biên giới. Đó là quan điểm của chúng tôi," bà khẳng định.
Trong khi đó, trước lời kêu gọi của Thống đốc California về việc rút Lực lượng Vệ binh Quốc gia khỏi Los Angeles và những chỉ trích gay gắt từ các lãnh đạo Đảng Dân chủ khác, coi đó là "sự lạm quyền đáng báo động", ông Trump vẫn kiên định.
"Giờ đây, những đám đông bạo lực và nổi loạn đang tràn vào tấn công các Đại diện Liên bang của chúng tôi để cố gắng ngăn chặn các chiến dịch trục xuất - Nhưng những cuộc bạo loạn vô pháp này chỉ làm tăng quyết tâm của chúng tôi," ông viết trên nền tảng Truth Social của mình.
"Trật tự sẽ được thiết lập lại, những người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị trục xuất, và Los Angeles sẽ được giải phóng."
 

Có thể bạn quan tâm

Top