

Nguồn hình ảnh,Xiqing Wang/ BBC
Chụp lại hình ảnh,BBC thăm tu viện Kirti ở Aba nhân dịp Đạt Lai Lạt Ma bước sang tuổi 90
- Tác giả,Laura Bicker
- Vai trò,Phóng viên Các Vấn đề Trung Quốc
- Aba, Sichuan province
- 9 giờ trước
Đó là một quyết định mạo hiểm.
Chúng tôi bị 8 người đàn ông lạ mặt bám theo. Thậm chí chỉ cần nói vài lời với chúng tôi ở nơi công cộng cũng có thể khiến vị sư này gặp rắc rối.
Nhưng dường như ông vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro. "Mọi thứ ở đây không tốt cho chúng tôi," ông nói khẽ.
Tu viện này, nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, đã là trung tâm của phong trào phản kháng của người Tây Tạng suốt nhiều thập kỷ - thế giới biết đến tu viện này vào cuối những năm 2000, khi người Tây Tạng tự thiêu tại đây để phản đối sự cai trị của Trung Quốc. Gần hai thập kỷ sau, tu viện Kirti vẫn khiến Bắc Kinh lo ngại.
Một đồn cảnh sát đã được xây ngay tại lối vào chính, nằm cạnh một căn phòng nhỏ tối tăm, đầy những bánh xe cầu nguyện kêu ken két khi quay.
Các camera giám sát gắn trên những cột thép bao quanh khuôn viên, quét mọi ngóc ngách.
"Họ không có thiện tâm; ai cũng thấy điều đó," nhà sư nói thêm. Rồi ông cảnh báo: "Hãy cẩn thận, có người đang theo dõi các bạn."
Khi những người bám theo chúng tôi bắt đầu chạy đến, nhà sư lặng lẽ bỏ đi.

Nguồn hình ảnh,Xiqing Wang/ BBC
Chụp lại hình ảnh,Trên các bánh xe cầu nguyện sơn các bức bích họa phong phú về cuộc đời của Đức Phật bên trong tu viện.
'Họ' ở đây là Đảng ******** Trung Quốc, lực lượng đã cai trị hơn sáu triệu người Tây Tạng trong gần 75 năm, kể từ khi khu vực này được sáp nhập vào năm 1950.
Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào khu vực này, xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt mới nhằm thúc đẩy du lịch và hội nhập Tây Tạng với phần còn lại của đất nước.
Tuy nhiên, những người Tây Tạng trốn thoát cho biết, phát triển kinh tế cũng kéo theo nhiều binh lính và quan chức hơn, dần dần bào mòn đức tin và quyền tự do của họ.
Bắc Kinh coi Tây Tạng là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.
Trung Quốc coi Đạt Lai Lạt Ma – lãnh tụ tinh thần sống lưu vong của Tây Tạng – là một phần tử ly khai, và những ai treo hình ảnh của ông hoặc công khai ủng hộ ông có thể sẽ bị bỏ tù.
Dù vậy, một số người ở Aba (còn gọi là Ngaba theo tiếng Tây Tạng), nơi tu viện Kirti tọa lạc, đã có những hành động cực đoan để thách thức các hạn chế đó.
Thị trấn này nằm ngoài khu vực mà Trung Quốc gọi là Khu tự trị Tây Tạng (TAR), được thành lập vào năm 1965 và bao phủ khoảng một nửa cao nguyên Tây Tạng. Tuy nhiên, hàng triệu người Tây Tạng sống bên ngoài khu vực TAR – và họ vẫn coi toàn bộ cao nguyên này là quê hương của mình.
Aba từ lâu đóng vai trò then chốt. Các cuộc biểu tình đã bùng phát tại đây trong cuộc nổi dậy toàn Tây Tạng năm 2008, sau khi – theo một số nguồn tin – một nhà sư giơ ảnh Đạt Lai Lạt Ma bên trong tu viện Kirti.
Biểu tình leo thang thành bạo loạn và quân đội Trung Quốc đã nổ súng.
Ít nhất 18 người Tây Tạng bị giết ở thị trấn nhỏ này.
Khi Tây Tạng vùng lên phản kháng, các cuộc biểu tình thường biến thành đụng độ bạo lực với lực lượng bán quân sự Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố có 22 người thiệt mạng, trong khi các tổ chức Tây Tạng lưu vong cho rằng con số thực tế lên tới khoảng 200 người.
Trong những năm tiếp theo, đã có hơn 150 vụ tự thiêu để kêu gọi sự trở về của Đạt Lai Lạt Ma – phần lớn trong số đó xảy ra tại hoặc quanh khu vực Aba. Con đường chính tại đây còn được đặt cho một biệt danh u ám: "Phố liệt sĩ".
Kể từ đó, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát hơn nữa, khiến việc xác định điều gì đang diễn ra tại Tây Tạng hoặc ở các khu vực của người Tây Tạng là gần như không thể.
Những thông tin được biết chủ yếu đến từ những người đã trốn ra nước ngoài, hoặc từ chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ.

Nguồn hình ảnh,Xiqing Wang/ BBC
Chụp lại hình ảnh,Các tu viện Tây Tạng bị giám sát chặt chẽ vì vẫn có tầm ảnh hưởng
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi quay lại tu viện vào sáng sớm hôm sau trước bình minh.
Chúng tôi tìm cách qua mặt người giám sát rồi trèo đèo lội suối quay trở lại Aba để dự buổi cầu nguyện buổi sáng.
Các nhà sư tập hợp lại, cùng đội những chiếc mũ vàng, biểu tượng của phái Gelug trong Phật giáo.
Tiếng tụng kinh trầm bổng vang vọng khắp đại sảnh trong khi làn khói hương nghi lễ còn lơ lửng trong bầu không khí ẩm ướt và tĩnh lặng.
Chừng 30 người dân địa phương, cả nam lẫn nữ, phần lớn mặc áo choàng truyền thống dài tay của Tây Tạng, ngồi xếp bằng cho đến khi tiếng chuông nhỏ vang lên kết thúc buổi cầu nguyện.
"Chính phủ Trung Quốc đã làm ô nhiễm bầu không khí ở Tây Tạng. Đó không phải là một chính phủ tốt," một nhà sư nói với chúng tôi.
"Chúng tôi, người Tây Tạng, bị từ chối những quyền con người cơ bản. Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đàn áp và bức hại chúng tôi. Đó không phải là một chính phủ vì dân."
Ông không nói chi tiết, và các cuộc trò chuyện của chúng tôi đều rất ngắn để tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, việc nghe được những tiếng nói như thế này là điều rất hiếm hoi.
Câu hỏi về tương lai của Tây Tạng đang trở nên cấp bách khi Đức Đạt Lai Lạt Ma bước sang tuổi 90 trong tuần này. Hàng trăm tín đồ đã tập trung tại thị trấn Dharamshala, Ấn Độ để tôn vinh ông.
Vào thứ Tư (2/7), ông đã công bố kế hoạch kế vị được mong đợi từ lâu, và khẳng định lại điều ông từng nói trước đây: vị Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo sẽ được chọn sau khi ông qua đời.
Người Tây Tạng ở khắp nơi đã có những phản ứng - nhẹ nhõm, hoài nghi hoặc lo lắng - nhưng không phải ở quê hương của Đạt Lai Lạt Ma, nơi mà thậm chí chỉ nhắc đến tên ông thôi cũng bị cấm đoán.
Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng: vị Đạt Lai Lạt Ma tái sinh tiếp theo sẽ sinh ra tại Trung Quốc và phải được Đảng ******** Trung Quốc phê chuẩn.
Tây Tạng, tuy nhiên, lại im lặng.
"Đó là thực tế," nhà sư nói với chúng tôi. "Đơn giản là như vậy thôi."
Hai thế giới dưới một bầu trời
Con đường đến Aba uốn lượn chậm rãi gần 500km (300 dặm) từ thủ phủ Tứ Xuyên, thành phố Thành Đô.Con đường chạy qua những đỉnh núi phủ đầy tuyết của núi Siguniang trước khi đến các đồng cỏ trải dài ở rìa cao nguyên Himalaya.

Nguồn hình ảnh,Xiqing Wang/ BBC
Chụp lại hình ảnh,Trên đường đến Aba, ở rìa cao nguyên Tây Tạng...

Nguồn hình ảnh,Xiqing Wang/ BBC