Cách Trump dùng tòa án để đạt được mục đích và thay đổi quyền lực tổng thống

Đó là một buổi chiều ấm áp vào cuối tháng 5/2024 ở khu Hạ Manhattan. Bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xét xử Donald Trump – liên quan đến khoản tiền bịt miệng do luật sư cũ của ông trả cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels – đang bước sang ngày nghị án thứ hai.
Nghĩ rằng sẽ còn phải chờ lâu, tôi tranh thủ cùng với nhóm phóng viên BBC đi đến nhà hàng nổi tiếng thế giới Katz's Deli để mua một chiếc bánh mì Reuben cho bữa trưa.
Rồi mọi chuyện bất ngờ ập đến. Bồi thẩm đoàn quay lại.
Theo một tin đồn, họ chỉ được cho về để tạm nghỉ trong ngày; một tin đồn khác thì cho rằng đã có phán quyết.
Chỉ vài giây trước khi bản tin BBC News at Ten lên sóng, tôi hổn hển chạy đến điểm truyền hình trực tiếp bên ngoài tòa án, vội đến nỗi đã làm rơi chiếc điện thoại trên vỉa hè khiến màn hình bị vỡ.

Từng bản án được đọc lên: có tội... có tội... có tội... cứ thế tiếp diễn.
Donald Trump sits at the defendant's table inside the courthouse as the jury is scheduled to continue deliberations for his hush money trial at Manhattan Criminal Court on 30 May 2024 in New York City.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Gary O'Donoghue, Donald Trump đã gọi các thẩm phán đã đình chỉ các sắc lệnh hành pháp của tổng thống là "những kẻ điên cánh tả cấp tiến"
Tất cả 34 cáo buộc đều dẫn đến phán quyết có tội, và tôi đã dành bản tin chính buổi tối hôm đó để giải thích mức độ nghiêm trọng của việc một cựu tổng thống nay trở thành một tội phạm bị kết án – điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Với vai trò là phóng viên cao cấp của BBC phụ trách khu vực Bắc Mỹ, tôi đã dành nhiều tháng để đưa tin về hàng loạt rắc rối pháp lý của ông Trump tại các tòa án dọc theo bờ Đông nước Mỹ.
Bốn vụ án hình sự riêng biệt, cùng với một số vụ kiện dân sự; các vấn đề dồn dập từ mọi phía, đe dọa không chỉ đến quyền tự do cá nhân của ông mà còn đến toàn bộ sự nghiệp chính trị và hoạt động kinh doanh.
Một năm sau, tình thế hoàn toàn đảo ngược.
Ba phán quyết quan trọng của Tòa án Tối cao – một phán quyết trao quyền miễn trừ truy tố bao quát cho các tổng thống đương nhiệm và tiền nhiệm; một phán quyết thứ hai bác bỏ phán quyết cho rằng những nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 khiến ông Trump không đủ điều kiện tái tranh cử; và phán quyết thứ ba, chỉ mới tháng trước, hạn chế khả năng của các thẩm phán ở các quận trong việc cản trở chương trình nghị sự của tổng thống – tất cả đã tiếp thêm sức mạnh cho vị tổng thống này - người đã tái định hình Tòa án Tối cao với đa số thẩm phán bảo thủ.
Giờ đây ông đang hướng sự chú ý đến các tòa án cấp dưới.
Nine US Supreme Court justices pose for an organised group portrait wearing black official dress

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Các thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tại Tòa án Tối cao năm 2022
Các thẩm phán liên bang cấp sơ thẩm ở các quận – từng nhiều lần ra phán quyết về chính sách nhập cư với hiệu lực toàn quốc – giờ đây đang phải đối mặt với một cuộc tấn công toàn diện từ chính quyền, vốn đã đặt nghi vấn về tính hợp pháp của họ, và theo một số người, thậm chí còn phớt lờ thẩm quyền của họ.
Câu hỏi đặt ra là: liệu họ có nên phản kháng để khẳng định lại quyền lực của mình – và nếu có, thì bằng cách nào? Và liệu tất cả những điều này có làm thay đổi vĩnh viễn sự cân bằng quyền lực ở nước Mỹ, ngay cả sau khi nhiệm kỳ của Donald Trump kết thúc?

'Cuộc tấn công nghiêm trọng nhất vào nền dân chủ'​

Một số thẩm phán – cả đương nhiệm lẫn đã nghỉ hưu – đã nói với tôi rằng quy mô của "cuộc tấn công" lần này là chưa từng có tiền lệ.
John E Jones III, một cựu thẩm phán ở bang Pennsylvania, được một tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa bổ nhiệm, và hiện là hiệu trưởng Trường Đại học Dickinson, nói:
"Tôi nghĩ công bằng mà nói, đặc biệt là các tòa án liên bang Hoa Kỳ cấp sơ thẩm… [đang] bị chính quyền tấn công theo một cách chưa từng xảy ra trước đây."
Ngoài những phát ngôn gay gắt trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây với tôi, Tổng thống Mỹ còn từng gọi các thẩm phán là "tham nhũng", "quái vật", "mất trí", "điên rồ", "ghét nước Mỹ", và "cánh tả cực đoan".
Phó Chánh văn phòng phụ trách chính sách, Stephen Miller, đã nói rằng nước Mỹ đang sống dưới một nền chuyên chế tư pháp

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Phó Chánh văn phòng phụ trách chính sách, Stephen Miller, đã nói rằng nước Mỹ đang sống dưới một "nền chuyên chế tư pháp"
Ông Trump cũng kêu gọi luận tội những người mà ông không đồng tình. Thậm chí đã có những lời đe dọa sẽ kiện các thẩm phán.
Phó Chánh văn phòng phụ trách chính sách của ông Trump, Stephen Miller, còn thẳng thắn hơn nữa khi tuyên bố rằng đất nước đang sống dưới một "nền chuyên chế tư pháp."
"Ngày qua ngày, họ thay đổi chính sách đối ngoại, kinh tế, nhân sự và an ninh quốc gia của chính quyền," ông viết trên mạng xã hội X vào tháng Ba. "Đây là sự điên rồ. Là điều phi lý. Là sự vô pháp vô thiên.
Đây là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào nền dân chủ. Điều đó cần phải chấm dứt – và chắc chắn sẽ chấm dứt."

Từ những lời đe dọa giết người đến việc công khai thông tin cá nhân​

Các thẩm phán ngày càng phải đối mặt với sự thù địch gia tăng, và trong một số trường hợp còn bị đe dọa bạo lực từ công chúng.
"[Họ] đang phải đối mặt với những lời đe dọa mà trước đây chưa từng gặp phải," bà Nancy Gertner, một cựu thẩm phán liên bang hiện đang giảng dạy tại Trường Luật Harvard, cho biết. Bà từng được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm và đã làm việc 17 năm ở tòa liên bang tại Massachusetts.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, sự khinh miệt chính quyền này đổ lên các thẩm phán không cùng quan điểm là chưa từng có trong bất kỳ thời kỳ nào trước đây."
Thẩm phán Gertner nói rằng bà biết có những thẩm phán đang tại nhiệm đã nhận được lời đe dọa giết người trong năm nay, được cho là xuất phát từ việc họ chặn hoặc trì hoãn một số sắc lệnh hành pháp của tổng thống.
Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump biết về những lời đe dọa này.
BBC

Số liệu do Cơ quan Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ hệ thống tư pháp, tổng hợp cho thấy, tính đến giữa tháng Sáu, đã có hơn 400 lời đe dọa nhắm vào gần 300 thẩm phán - vượt tổng số lời đe dọa trong toàn bộ năm 2022.
Một số lời đe dọa liên quan đến việc doxxing tức công bố thông tin cá nhân của thẩm phán hoặc gia đình họ, khiến họ có thể dễ bị tấn công.
Các hình thức đe dọa khác trong năm nay còn nhẫn tâm hơn.
Theo Esther Salas, một thẩm phán đang công tác tại khu vực New Jersey, đã có hơn 100 thẩm phán bị nhận các đơn đặt hàng giao bánh pizza giả mạo.
Bạn có thể nghĩ điều này không quan trọng, nhưng các đơn đặt hàng thường đi kèm với các lời đe dọa, và trong khoảng 20 trường hợp, đơn hàng được đặt bởi người sử dụng tên Daniel Anderl, con trai quá cố của thẩm phán Salas.
Daniel đã bị một luật sư bất mãn sát hại cách đây 5 năm trong một vụ án do mẹ anh xử lý. Kẻ tấn công, người cũng đã bắn chồng bà, đã giả danh người giao bánh pizza.
A view of the home of U.S. District Judge Esther Salas - a yellow house with police tape outside

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Nhà của Esther Salas sau vụ tấn công vào tháng 7 năm 2020 khiến con trai bà thiệt mạng
Thẩm phán Salas đã kể với tôi về phản ứng của bà khi nghe về những chuyện xảy ra: "Nói rằng tôi tức giận thì chưa đủ để diễn tả. Và rồi tất nhiên, khi về nhà tôi đã kể cho chồng tôi nghe, người hôm đó suýt nữa đã [chết]."
Sự gia tăng các lời đe dọa đã bắt đầu từ thời trước chính quyền hiện tại, nhưng Thẩm phán Salas nói rằng giờ đây chúng ta đang bước vào một lãnh địa hoàn toàn mới.
"Chúng ta đang tạo điều kiện để những cá nhân gây hại cho chúng ta khi các phát ngôn kích động được sử dụng," bà khẳng định.
"Điều đó như là bật đèn xanh cho bất kỳ ai nghĩ rằng họ cần phải tự tay xử lý vấn đề. Và các nhà lãnh đạo của chúng ta đều biết điều đó."
Nhiều người ủng hộ chính quyền hiện tại, gồm cả Jeff Anderson, một trong những kiến trúc sư của chương trình Project 2025 (mà nhiều người coi là bản kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ hai của Trump), lại bác bỏ ý tưởng rằng các lời lẽ của tổng thống là nguyên nhân làm tăng nhiệt độ căng thẳng.
Ông Anderson lập luận rằng phe cánh tả mới là bên chịu trách nhiệm nhiều hơn về sự thù địch đối với các thẩm phán:
"Mối đe dọa lớn nhất nhất đối với bất kỳ ai trong các tòa án liên bang là khi có người cố ám sát Thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh [thuộc phe bảo thủ].
"Người ta thường có xu hướng cho rằng chính chính quyền Trump đã tạo điều kiện cho điều này xảy ra. Nhưng tôi nghĩ rằng nhiều ý tưởng mang tính cấp tiến và cách mạng hơn - như việc cho rằng chúng ta cần tự thi hành luật pháp hay mục tiêu biện minh cho phương tiện - thực ra lại thường đến từ phe cánh tả ở Mỹ."

 

Một cơn bão các sắc lệnh hành pháp​

Trong khi các tổng thống khác cũng từng đối đầu với tòa án, thì những cuộc đối đầu của Trump rõ ràng là độc nhất về quy mô và mức độ, và có thể nói là điều không thể tránh khỏi, dựa trên thực tế là ông Trump bước vào Nhà Trắng với một "cơn bão" các sắc lệnh hành pháp nhằm nhanh chóng đạt được những gì mình muốn.
Chỉ riêng ngày đầu tiên đã có 26 sắc lệnh được ký.
Tính đến đầu tháng Bảy, đã có thêm 140 sắc lệnh nữa - nhiều hơn tổng số sắc lệnh mà Tổng thống Joe Biden ký trong nhiệm kỳ bốn năm của ông, và chỉ ít hơn khoảng 100 sắc lệnh so với Tổng thống Barack Obama trong tám năm tại Nhà Trắng.
BBC

Trump có thể đã yêu cầu Quốc hội ban hành luật để thực thi những chính sách này; dù sao thì Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát cả hai viện.
Nhưng quá trình đó mất thời gian, và Quốc hội đang bận rộn với dự luật trong nước trọng điểm của tổng thống – gọi là "Dự luật To Đẹp" – nên không còn thời gian hay nguồn lực chính trị cho các ưu tiên khác.
Tất nhiên, việc ban hành sắc lệnh hành pháp hoàn toàn nằm trong quyền hạn của tổng thống.
Quyền ban hành sắc lệnh hành pháp xuất phát trực tiếp từ Điều II của Hiến pháp Hoa Kỳ, nên ông Trump không vi phạm hay vượt qua Hiến pháp – ông đang vận dụng các công cụ của chính phủ theo cách được phép, với điều kiện các sắc lệnh dựa trên thẩm quyền lập pháp; và các sắc lệnh đó có hiệu lực pháp luật.
Điều tổng thống không thể làm chỉ bằng nét bút của mình là ban hành luật mới hoặc làm những việc trái với Hiến pháp.
Và nếu Quốc hội không can thiệp, thì lựa chọn duy nhất cho những người muốn thách thức các sắc lệnh này là đưa ra tòa án.
Former US President Barack Obama and former Vice President Joe Biden congratulate US President Donald Trump after he took the oath of office on the West Front of the US Capitol on 20 January 2017 in Washington, DC.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Trong khi các tổng thống khác cũng từng đối đầu với tòa án, thì những cuộc đối đầu của ông Trump rõ ràng là đặc biệt về quy mô
Bản chất bao quát của các sắc lệnh mà ông ký, nhiều sắc lệnh liên quan đến các vấn đề Hiến pháp như quyền công dân của tất cả những người sinh ra tại Mỹ, đã dẫn đến hàng chục lệnh cấm trên toàn quốc đang chờ kết quả xét xử dựa trên nội dung từng vụ việc.
Đó là lý do tại sao chiến thắng của ông Trump tại Tòa án Tối cao vào cuối tháng Sáu, hạn chế các lệnh cấm trên toàn quốc như thế, lại có ý nghĩa quan trọng đến vậy.
"Những thẩm phán tòa tại các quận này hoàn toàn đã vượt quá quyền hạn và mất kiểm soát," Jeff Anderson lập luận.

Thẩm phán có đang ngăn cản "ý muốn của cử tri" không?​

Chính quyền đã đưa ra nhiều lập luận khác nhau. Tòa án bị cáo buộc "vượt quá thẩm quyền" và các thẩm phán thì bị gọi là "những nhà hoạt động chính trị".
Nhưng có lẽ lời chỉ trích cơ bản nhất – và mang tính triết lý nhất – là họ đang cản trở ý chí của người dân.
Như Stephen Miller đã nói, "những thẩm phán Marxist mất kiểm soát" đang cản trở "ý muốn của cử tri".
Đó là một lập luận mà, theo nhiều thẩm phán, đã hiểu sai Hiến pháp ở một cách căn bản.
"Chúng ta là một quốc gia của pháp luật, không phải của con người," thẩm phán John E Jones III giải thích. "Một ủy quyền dành cho tổng thống Hoa Kỳ không có nghĩa là tổng thống được phép phớt lờ luật pháp. Điều đó rõ ràng, nhưng đây chỉ là cách che đậy cho sự coi thường căn bản đối với luật pháp và Hiến pháp."
Trump points at an audience, standing behind a lectern, while people raise their hands to ask questions

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Các sắc lệnh hành pháp hoàn toàn nằm trong quyền hạn của tổng thống theo Điều II của Hiến pháp Hoa Kỳ
Có những dấu hiệu cho thấy một số cá nhân trong chính quyền, mặc dù họ khẳng định ngược lại, có thể đang xem nhẹ hoặc cố tình phớt lờ quyền hạn của các tòa án.
Ông Tom Homan, người phụ trách vấn đề biên giới của tổng thống, đã lên truyền hình phản ứng trước việc tòa án cố gắng ngăn chặn việc trục xuất hàng trăm người Venezuela và nói: "Tôi tự hào là một phần của chính quyền này. Chúng tôi sẽ không dừng lại... Tôi không quan tâm các thẩm phán nghĩ gì."
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với tôi tuần trước, Tổng thống phủ nhận việc ông đang chống lại ngành tư pháp, đồng thời chỉ ra rằng khi có phán quyết bất lợi, ông đã tìm cách kháng cáo thông qua quy trình tòa án.
"Tôi quá tôn trọng đến nỗi không thể phản đối nhánh tư pháp. Tôi rất tôn trọng ngành tư pháp. Và bạn có thể thấy điều đó," ông nói với tôi, đồng thời thêm: "Đó là lý do tôi đang thắng trong các vụ kháng cáo."

'Mỹ đang đối mặt với một tình huống nguy nan'​

Một số tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ tổng thống còn đi xa hơn khi cho rằng ông đang phá vỡ toàn bộ hệ thống kiểm soát và cân bằng, trong đó ba nhánh quyền lực ngang nhau của chính phủ (tổng thống, quốc hội và tư pháp) đều đóng vai trò kiềm chế lẫn nhau.
"Đây là một bước ngoặt lớn đối với đất nước," Giáo sư Laurence Tribe, một trong những chuyên gia hàng đầu về Hiến pháp của Hoa Kỳ, người không ngại bày tỏ quan điểm chỉ trích tổng thống một cách công khai, lập luận rằng Quốc hội đã ngừng thực hiện chức năng giám sát, và bày tỏ lo ngại "Hoa Kỳ đang đối mặt với một tình huống thảm khốc".
"Ý tưởng về ba nhánh quyền lực… được hình thành từ thời lập quốc - trước khi các đảng phái chính trị xuất hiện và trước khi những nhà mị dân có sức ảnh hưởng và lôi cuốn như Trump xuất hiện," ông nói với tôi. "Toàn bộ hệ thống hiện đang hoàn toàn mất cân bằng."
Protesters gather outside the US Supreme Court, Washington DC on 1 July 2024.

Nguồn hình ảnh,EPA
Sự cân bằng mà giáo sư Tribe đề cập đã được tranh luận từ lâu, và việc quyền lực dịch chuyển về phía tổng thống không phải là một điều mới mẻ.
Sau vụ bê bối Watergate vào những năm 1970, khi Tổng thống Richard Nixon vi phạm nhiều chuẩn mực mà các tổng thống trước đó từng tuân theo, một loạt các đạo luật đã được ban hành nhằm kiềm chế quyền lực hành pháp và buộc nhánh này phải chịu trách nhiệm giải trình.
Tuy nhiên, một số thay đổi chỉ đơn giản là việc áp dụng các chuẩn mực mới như công khai bản khai thuế của tổng thống và tránh các xung đột về lợi ích tài chính - và tổng thống hiện tại gần như không quan tâm đến việc thể hiện rằng mình tuân thủ những chuẩn mực đó.

Tòa án đang phản kháng lại​

Khi nói về mối quan hệ giữa quyền lực của tổng thống và tòa án, ngay cả Nixon cũng không dám thách thức tòa án, cuối cùng, sau nhiều tháng từ chối, đã phải giao nộp những băng ghi âm dậy sóng dư luận trong vụ Watergate khi Tòa án Tối cao đồng thuận ra lệnh buộc phải làm vậy.
Ông Trump đã gần như thách thức (lệnh của tòa án). Ví dụ, sau khi bị yêu cầu hỗ trợ việc đưa một người đàn ông tên Kilmar Ábrego García, bị trục xuất nhầm sang El Salvador, trở lại Mỹ, chính quyền đã bị cáo buộc cố tình làm chậm quá trình thực hiện quyết định của Tòa án Tối cao."
Ngay cả Bộ trưởng Tư pháp của ông Trump, bà Pam Bondi, cũng nói: "Ông ấy sẽ không trở lại đất nước của chúng ta."
Phải mất hai tháng để chính quyền thực hiện lệnh của tòa án. Điều này bị giới chỉ trích tổng thống coi đó như một dấu hiệu cho những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Rốt cuộc, chỉ có hai cách để một tổng thống thực sự bị truy trách nhiệm - một là bị bãi nhiệm qua bầu cử; hai là bị luận tội tại Quốc hội, mà ông Trump thì đều đã vượt qua cả hai.
Donald Trump departs during a break in the civil fraud trial against the Trump Organization, at the New York State Supreme Court in New York City on 7 December 2023.

Nguồn hình ảnh,AFP via Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Trận chiến này còn lâu mới kết thúc – và hậu quả đối với các tổng thống tương lai là không thể đoán trước
Nhưng nếu thật sự có một kế hoạch để thách thức hoặc làm suy yếu quyền lực của tòa án, thì ngành tư pháp không chịu khuất phục một cách dễ dàng.
Ngay cả sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết hạn chế các lệnh cấm trên toàn quốc vào cuối tháng Sáu (đáng chú ý là các tổng thống của cả hai đảng trước đây cũng từng than phiền về những lệnh cấm kiểu này), một thẩm phán khác vẫn ban hành một lệnh cấm mới đối với chính sách xin tị nạn của Trump.
Đầu tháng này, một thẩm phán liên bang ở tòa án sơ thẩm đã ban hành lệnh cấm mới áp dụng trên toàn quốc đối với sắc lệnh hành chính của ông Trump về hạn chế quyền tự động được cấp quốc tịch cho những em bé sinh ra từ các cha mẹ là người nhập cư không có giấy tờ hoặc khách nước ngoài. Quyết định này đã khiến Nhà Trắng tức giận và lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Cuộc chiến này vẫn đang diễn ra, nhưng còn rất lâu mới kết thúc - và hệ quả đối với tổng thống hiện tại cũng như các tổng thống tương lai thì khó có thể đoán trước được.
 

Có thể bạn quan tâm

Top