Cartel Mexico đang rửa tiền ở Dubai như thế nào

Johnny Lê Nữu Vượng

Kích Dục Đại Sư
Belgium
Một cân bột fentanyl hiện được bán trên thị trường chợ đen ở Trung Quốc với giá khoảng 17.000 USD. Cartel Mexico mua bột fentanyl, nhập lậu bằng các tàu chở container, rồi ép bột thành viên tại những cơ sở chế biến nhỏ lẻ ở trong nhà dân. Một cân fentanyl dạng viên bán buôn được 400.000 USD tại Mỹ, rồi khi ma túy đến được tay người sử dụng thì đã bị đội giá thêm.

Ước tính trung bình mỗi người Mỹ chết vì quá liều fentanyl đã tạo ra khoản lợi nhuận trị giá 2.400 USD cho những kẻ buôn bán ma túy Mexico. Có khoảng 130.000 người Mỹ chết vì fentanyl trong năm 2022.
Fentanyl sản xuất rẻ mạt mà lại bán được nhiều tiền, vậy nên không có gì khó hiểu khi các cartel Mexico đang dần quay lưng với các loại ma túy truyền thống như cần sa hay cocaine để quay sang fentanyl. Vậy nhưng một câu hỏi đặt ra: Chúng đang cất trữ những khoản lợi nhuận khổng lổ ở đâu? Câu trả lời nằm cách Mexico 14.000 km tại thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Mạng nhện chằng chịt
Giáo sư tội phạm người Pháp Bertrand Monnet đã dành gần một thập kỷ để nghiên cứu về các cartel ma túy ở Mexico. Ông từng phỏng vấn nhiều đối tượng tội phạm khác nhau, trong đó có một số kẻ chuyên đi rửa tiền cho cartel. Vị giáo sư thừa nhận: “Nhiều đối tượng đồng ý trả lời phỏng vấn trước hết là vì chúng biết rõ pháp luật không thể nào động vào chúng, thứ hai là do muốn tên mình xuất hiện trên mặt báo để phô trương thanh thế”.
Cartel Mexico đang rửa tiền ở Dubai như thế nào? -0
Dubai luôn là điểm nóng rửa tiền quốc tế.
Một trong những kẻ được ông Monnet phỏng vấn là Eduardo, một chuyên gia rửa tiền cho cartel Sinaloa. Eduardo thường xuyên tạm trú dài ngày ở Dubai vừa để quản lý mạng lưới rửa tiền của hắn, vừa nhằm kiếm thêm bằng cách cung cấp cocaine và fentanyl cho những buổi ăn chơi thác loạn được giới nhà giàu UAE tổ chức.
Eduardo tuyên bố trong cuộc phỏng vấn: “Dubai là thiên đường đối với chúng tôi... Chẳng nơi nào mà rửa tiền lại dễ như ở Dubai. Đầu tiên anh lấy tiền giấy, tiền bán ma túy ấy, gửi vào hàng nghìn tài khoản khác nhau. Hoặc là tôi tự lập công ty trên giấy để mở tài khoản, hoặc là tôi đút lót những giám đốc và nhân viên của một doanh nghiệp nào đó để họ cầm tiền hộ”.
Đây không phải là phương pháp rửa tiền mới mẻ gì đối với các cơ quan điều tra quốc tế. Vậy nhưng tại sao những kẻ như Eduardo lại có thể rửa tiền thành công mà không bị bắt? Câu trả lời nằm ở hệ thống pháp luật Dubai. Dubai nói riêng và UAE nói chung đã tự biến mình thành “thiên đường thuế” để thu hút đầu tư nước ngoài. Họ không những có mức thuế rất thấp mà còn nới lỏng nhiều quy định an ninh đối với các loại tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cảnh sát nước ngoài muốn điều tra rửa tiền tại Dubai luôn gặp phải khó khăn khi các ngân hàng ở đây không lưu giữ đủ thông tin phục vụ việc điều tra. Nếu tội phạm còn khôn ngoan hơn nữa mà liên tục “xoay vòng” tiền bẩn qua những tài khoản khác nhau thì việc lần ra chân tướng chúng trở nên gần như vô vọng.
Eduardo giải thích tiếp: “Tích trữ được tiền ở Dubai mới chỉ bước đầu. Tôi sẽ đem tiền đi đầu tư ở nhiều nước khác nhau... Sinaloa đầu tư ở đủ mọi lĩnh vực: xây dựng, dệt may, bất động sản, nghỉ dưỡng, siêu thị, v.v... Tất cả đều là doanh nghiệp hợp pháp. Cứ có dự án đầu tư lớn nào ở Mexico, Mỹ hay châu Âu là đều có mặt tiền của chúng tôi”.
Khi tiền đã được đem đi đầu tư thành công thì tiền “bẩn” cũng như tiền “sạch”. Cơ hội duy nhất để các nhà điều tra quốc tế lần ra tội phạm là ngăn chặn tiền bẩn xâm nhập vào hệ thống ngân hàng ngay từ đầu. Trong những năm gần đây chính phủ Mỹ đã đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm ma túy Trung và Nam Mỹ trên mặt trận tài chính. Các quốc gia như Panama và Montenegro vì sợ cấm vận của Mỹ nên đã thắt chặt những quy định chống rửa tiền của họ. Điều này lại đẩy những kẻ rửa tiền cho cartel Mexico đến với Dubai. Theo lời Eduardo: “Cảnh sát Dubai không bao giờ điều tra ai... Ban đầu tôi chỉ dám chuyển 1 triệu USD đến ngân hàng Dubai, còn bây giờ mỗi lần tôi chuyển đến 50 triệu USD nhưng vẫn chẳng có một ai động đến tôi cả”.
“Đối tác vùng Vịnh”
Hiện nay không khó để thấy những người Mexico xuất hiện trong các cuộc họp ban quản trị của nhiều doanh nghiệp Dubai. Những người đó là chuyên gia rửa tiền kiêm đại diện cho các cartel Mexico. Chúng vừa dùng tài khoản của công ty để rửa tiền, vừa đầu tư vào công ty đó để biến mình thành cổ đông nắm quyền. Đó là cách tốt nhất để cartel đảm bảo sự trung thành của các “đối tác” vùng Vịnh của chúng.
Quản lý cấp cao giấu tên ở một tập đoàn bất động sản Dubai trả lời phóng viên tờ Le Monde: “Tôi thường xuyên được giao nhiệm vụ đón tiếp những cổ đông Mexico rồi giải trình tài chính của họ. Họ không quan tâm quá nhiều đến kết quả kinh doanh mà chỉ tập trung vào việc chuyển vốn ra vào tài khoản của công ty... Tôi không biết tiếng Tây Ban Nha, nhưng chỉ cần nghe cổ đông nói từ “prohibido” (hàng cấm) là đã biết rằng không cần hỏi họ gì thêm.”
Nói vậy nhưng không có nghĩa các doanh nghiệp Dubai chỉ nắm thế bị động trong mạng lưới rửa tiền xuyên lục địa. Bản thân họ cũng tìm cách xoay vòng tiền để lẩn trốn nhà chức trách. Trước đây họ thường cho tiền “đi du lịch” ở ngân hàng Montenegro hay đảo Síp một thời gian. Nhưng sau khi hai nước này thắt chặt quy định chống rửa tiền, các doanh nghiệp Dubai bèn quay sang mua hợp đồng bảo hiểm trị giá rất cao ở Hongkong - đến thời điểm này cảnh sát Hongkong vẫn chưa có một bộ khung hợp tác chống tội phạm tài chính với các cơ qua điều tra nước ngoài. Công ty bảo hiểm Hongkong sau đó sẽ gửi tiền đến ngân hàng ở các nước vùng Caribe, rồi sau một thời gian số tiền đó lại được đem đầu tư ở Dubai, Mỹ, châu Âu, v.v...
Muốn thấy ảnh hưởng của hoạt động rửa tiền tại Dubai đối với tiểu vương quốc này thì hãy cứ nhìn vào thị trường bất động sản của họ. Tổng giá trị khối bất động sản do người nước ngoài nắm giữ ở Dubai hiện đã lên đến 146 tỷ USD. Việc mua bất động sản ở Dubai dễ đến mức một người ngồi ở Mexico cũng làm được. Không khó để tìm thấy những giao dịch mà người nước ngoài mua cả một tầng của một tòa nhà chung cư với giá 1-2 triệu USD/căn hộ để rồi sau đó đi bán lại. Gần như chắc chắn rằng những kẻ rửa tiền đứng sau các giao dịch kiểu này.
Giáo sư về tội phạm tài chính Jodi Vittori tại Trường đại học Georgetown (Mỹ) nhận xét: “Bất động sản luôn là “trái vàng” đối với những kẻ rửa tiền, bởi vì khác với những phương thức rửa tiền khác, tội phạm hoàn toàn có thể kiếm được lợi nhuận gia tăng từ bất động sản... UAE vẫn chưa ký kết hiệp ước dẫn độ với Mỹ và nhiều nước châu Âu. Không ít tên tội phạm bị nước ngoài truy nã đang lẩn trốn ở Dubai, sống và kinh doanh trong những ngôi nhà chúng mua bằng tiền bẩn”.
Cartel Mexico đang rửa tiền ở Dubai như thế nào? -0
Một kẻ chuyên rửa tiền có thể ngồi ở nhà tại bang Culiacan, Mexico mà vẫn có thể hành nghề ở Dubai được.
Không ai muốn động vào
Tổ chức Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF) được khối G7 thành lập năm 1989 để chống tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia. Vào tháng 3/2022, FATF đặt UAE vào danh sách đen các nước tiếp tay cho tội phạm rửa tiền. Đây là một đòn giáng mạnh vào uy tín của UAE trong mắt các định chế tài chính thế giới. Sheikh Mohammed ibn Rashid Al Maktoum, Phó tổng thống - Thủ tướng UAE và tiểu vương quốc Dubai, tuyên bố trên sóng truyền hình quốc gia rằng sẽ “lật từng tảng đá” để hồi phục lại thanh danh cho UAE.
Có vẻ như những nỗ lực của ông Al Maktoum đã bước đầu đạt hiệu quả. FATF tuyên bố hồi tháng 10 vừa qua rằng họ đang cân nhắc đưa UAE ra khỏi danh sách đen sau khi nước này “cải tổ sâu rộng” quy trình chống rửa tiền của họ. FATF sau đó đã phái đoàn chuyên gia đến kiểm tra trực tiếp tại UAE. Nếu kết quả kiểm tra khả quan thì FATF có thể sẽ chính thức đưa UAE ra khỏi danh sách đen vào tháng 2/2024.
Chính phủ UAE đang gây áp lực lên các loại hình kinh doanh tiền ảo nhằm mục đích chống rửa tiền. Sau nhiều năm tự hào tuyên bố rằng mình là “quốc gia crypto của cả thế giới”, UAE đã buộc phải thành lập Cơ quan Kiểm soát tài sản ảo (VARA) sau khi các cơ quan điều tra trong và ngoài nước này lật tẩy hàng loạt vụ rửa tiền qua crypto tại đây. Hiện VARA đang chịu áp lực dư luận muốn họ rút giấy phép kinh doanh của Binance. Sàn tiền ảo lớn nhất thế giới này mới chỉ đạt 3 trong số 4 giấy phép kinh doanh cần thiết của UAE nhưng vẫn đang kinh doanh tự do tại quốc gia này. Việc CEO Triệu Trường Bằng của Binance thú nhận hàng loạt tội danh liên quan đến rửa tiền trước tòa án Mỹ buộc chính phủ UAE phải cân nhắc “cấm cửa” sàn giao dịch tiền ảo này.
Những bước tiến gần đây của UAE trong việc chống tội phạm rửa tiền là đáng khen, nhưng liệu họ có đang làm đủ? Theo một số chuyên gia FATF thì câu trả lời là chưa. Ông Michiel Vervloet là đại diện của Bỉ tại FATF. Trong một cuộc họp gần gây của FATF, ông Vervloet đã lên tiếng phản đối việc đưa UAE ra khỏi danh sách đen. Theo lời vị chuyên gia thì: “Các quy định mới được UAE đưa ra chưa đến một năm mà FATF đã định cân nhắc lại quyết định của mình thì là quá vội vàng. Chúng ta nên chờ khi nào Dubai tự tay xử lý những kẻ rửa tiền còn đang tự do trong lãnh thổ của họ... FATF cũng nên xem xét thêm các kênh rửa tiền phi tài chính, ví dụ như kim cương thô. UAE vừa mới qua mặt Bỉ để trở thành nước mua bán nhiều kim cương thô nhất thế giới. Tôi hoàn toàn tự tin rằng trong việc này có bàn tay của các tổ chức tội phạm quốc tế”.
Ngoài ông Vervloet thì phía Nhật Bản cũng tỏ sự nghi ngờ đối với UAE. Ngược lại đại diện của Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hy Lạp, và nhiều quốc gia châu Âu khác lại đang tìm cách đẩy nhanh quá trình đưa UAE ra khỏi danh sách đen. Đoàn đại biểu người Đức còn ra tuyên bố rằng FATF phải ra quyết định càng sớm càng tốt kể cả khi tổ chức này tỏ ra nghi ngờ về tính trung thực của thông tin được phía UAE cung cấp.
Quan điểm đối lập giữa các nước thành viên FATF phản ánh mục tiêu địa-chính trị của họ. Sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, các nước Tây Âu như Đức đã phải “cầu viện” UAE để giải quyết “cơn khát” dầu mỏ của họ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa có chuyến công du đến Abu Dhabi vào tháng 9 vừa qua nhằm ký kết thỏa thuận năng lượng giữa hai nước. Mùa đông 2023 giá rét hơn bình thường đã và đang thúc đẩy nhiều nước châu Âu khác tìm cách gần gũi với UAE.
Về phía Mỹ thì Washington D.C. muốn kéo các nước vùng Vịnh tránh xa Nga, Trung Quốc và Iran. Những thỏa thuận, công ước ngoại giao và kinh tế giữa UAE, Arab Saudi, Kuwait, và Oman với ba quốc gia kể trên đang khiến giới cần quyền Mỹ lo lắng khả năng mất đi đồng minh truyền thống. Việc đưa được UAE ra khỏi danh sách đen FATF sẽ là “món quà” lớn mà Washington tặng cho Abu Dhabi.
Giáo sư thuế người Nauy Annette Alstadsaeter đang dẫn đầu một nhóm điều tra liên quốc gia về vấn đề rửa tiền ở Dubai. Bà nhận xét: “Việc các quốc gia phương Tây “nhẹ tay” với Dubai trong vấn đề rửa tiền là một tính toán sai lầm. Nhiều tội phạm, nhiều vấn đề trong nội tại các nước này có liên quan trực tiếp đến tội phạm rửa tiền ở Dubai. “Nhẹ tay” với những đối tượng này chỉ có thể khiến vấn đề tội phạm tại phương Tây trở nên nghiêm trọng hơn trong lâu dài”.
 
Top