
Cách cư xử của em chồng khiến tôi rút ra được nhiều điều trong cuộc sống.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày mình sinh con đầu lòng. Em chồng tôi sang chơi chỉ mang theo vỏn vẹn vài quả trứng gà. “Trứng nhà em nuôi, sạch lắm. Chị ăn cho có sữa”, em ấy bảo.Tôi gượng cười, nói cảm ơn nhưng lòng thì nghèn nghẹn. Chẳng phải vì tôi tham lam hay mong cầu gì to tát, mà là vì gia đình bên em chồng thuộc diện khá giả trong vùng.
Chồng em ấy làm giám sát công trình, lương tháng mấy chục triệu. Em chồng buôn mỹ phẩm trực tuyến, vừa chăm con, vừa bán hàng rôm rả.

Em chồng coi thường tôi, trong khi tôi luôn cố gắng để làm những điều tốt nhất cho em (Ảnh minh họa: Sohu).
Hai vợ chồng nhà em đã mua nhà riêng, xe riêng từ sớm, cuộc sống thong dong, chưa bao giờ phải chật vật vì tiền.
Tôi không so đo, cũng chẳng nói ra nhưng lòng thì cứ nặng trĩu. Nhất là khi nhớ lại cảnh chính tôi từng đưa cho em ấy một triệu đồng, kèm một túi quần áo sơ sinh mới tinh khi em sinh đứa đầu lòng.
Khi ấy, tôi và chồng còn ở trọ, lương tháng hai vợ chồng cộng lại chưa đến 15 triệu đồng. Vậy mà tôi vẫn lựa kỹ từng chiếc áo, từng cái yếm xinh xắn cho cháu rồi gói ghém cẩn thận.
Tôi còn tự tay nấu một nồi chè vừng đen để mang đến viện thăm em chồng. Em ấy lúc đó còn xuýt xoa: “Chị tâm lý quá, em chưa kịp chuẩn bị gì mà chị lo cho cả rồi”.
Nhưng rồi sao? Khi tôi cần một chút yêu thương, một chút hồi đáp tình nghĩa, em chồng lại mang đến vài quả trứng gà như bố thí. Chẳng phải tôi trách gì nhưng cách người ta đáp lại tấm lòng của mình khiến tôi vỡ mộng.
Sau lần ấy, tôi lặng lẽ rút khỏi các buổi họp gia đình. Tôi không trách móc, không kể lể với chồng, chỉ là tự nhắc lòng mình đừng mong đợi điều gì từ bên đó nữa. Vậy mà sóng gió chưa dừng lại ở đó.
Khi con tôi tròn 6 tháng tuổi, tôi bắt đầu làm việc lại. Mỗi sáng dậy sớm, tôi nấu cháo cho con, vắt sữa rồi tất bật đi làm. Tối về, vừa bế con, tôi vừa soạn đơn hàng trực tuyến, đến đêm mới… kịp thở. Vất vả là vậy nhưng tôi vẫn giữ im lặng, không than thở với ai.
Cho đến một lần, tôi vô tình nghe được em chồng nói với mẹ chồng: “Chị Dung tham lắm mẹ ạ, ai cũng phải quà cáp, chị mới vừa lòng. Không chịu khó lao động mà cứ trông chờ mọi người cho tiền nuôi con.
Nhà con cho chị mấy quả trứng gà mà thấy thái độ rõ ràng luôn. Lúc con sinh, chị bày vẽ đủ thứ, làm như đại gia không bằng”.
Hóa ra, lòng tốt của tôi trong mắt em ấy lại thành “bày vẽ". Còn việc cho tôi 4 quả trứng của em thì lại là “đủ tình đủ nghĩa”.
Từ đó, tôi bắt đầu nhìn rõ bản chất của mối quan hệ này. Em chồng chưa từng coi tôi là chị, chưa từng tôn trọng hay thương quý.
Tôi nhớ có lần, cả nhà đi ăn cưới họ hàng bên nội. Tôi bận trông con nên đi sau, lúc đến nơi thì thấy em chồng đang ngồi nói chuyện với mấy người chị họ. “Chị dâu em làm gì cũng thích khoe. Từ chuyện con ăn được gì đến việc chồng tặng hoa. Mấy cái chuyện đó mà cũng đưa lên Facebook”, em ấy cười khẩy.
Tôi đứng sau lưng mà tay siết chặt. Hóa ra, những điều nhỏ bé tôi từng đăng lên mạng chỉ để lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ, lại trở thành đề tài cho em giễu cợt.
Sau những chuyện được xâu chuỗi, tôi bắt đầu giữ khoảng cách. Không bình luận bài viết của em ấy, không hỏi han chuyện gia đình, không gửi quà khi cháu ốm đau. Tôi không còn muốn duy trì mối quan hệ chỉ toàn sự giả tạo. Tôi muốn từ mặt em chồng.
Có lần, chồng tôi hỏi: “Sao dạo này, em lạnh nhạt với em gái anh thế?”. Tôi chỉ im lặng. Bởi nếu nói ra, tôi sợ chồng cũng sẽ không hiểu.
Với anh, đó là “em gái ruột”, còn tôi mãi mãi chỉ là “người ngoài” bước vào gia đình anh. Những điều tôi cảm nhận, những tổn thương tôi gánh chịu có lẽ chỉ mình tôi hiểu rõ.
Tôi không trách chồng. Nhưng tôi học được cách yêu thương có chọn lọc. Không phải ai cũng xứng đáng với lòng tốt của mình. Có những người, càng tử tế với họ, họ càng coi thường mình.
Mỗi lần nhìn lại, tôi chỉ thấy tiếc, tiếc vì từng quá chân thành. Nhưng cũng mừng vì sau tất cả, tôi đã học được cách sống mạnh mẽ, không lệ thuộc vào những mối quan hệ chẳng mang lại cho mình điều gì ngoài sự tổn thương.
Tôi vẫn sẽ dạy con mình biết chia sẻ, biết cho đi nhưng cũng sẽ dạy con học cách tự bảo vệ mình. Đừng như mẹ nó, từng buồn đến mất ngủ chỉ vì 4 quả trứng gà từ một người không xứng đáng.