

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Người phản đối quay hình lực lượng liên bang ở vùng nông thôn Nam California
- Tác giả,Regan Morris
- Vai trò,BBC News, Los Angeles
- 19 tháng 7 2025
Ông đã trèo lên mái của một nhà kính với hy vọng mình sẽ không bị phát hiện, trong khi các nhân viên đang bao vây và bắt giữ hàng chục đồng nghiệp của ông ở phía dưới.
Nhưng rồi ông bị ngã.
Cổ ông bị gãy, hộp sọ nứt. Alanis sau đó đã qua đời tại bệnh viện.
Trong khi đó, các nhân viên di trú đã bắn hơi cay vào một đám đông khoảng 500 người đang biểu tình bên ngoài hai nông trại cần sa hợp pháp nhằm ngăn chặn các cuộc truy quét. Một số người biểu tình ném đá và FBI cho biết có người đã nổ súng về phía các nhân viên liên bang.
Cái chết của ông Alanis, cùng với các cuộc đụng độ bạo lực diễn ra tại những nông trại này, là ví dụ mới nhất cho tình trạng hỗn loạn phủ khắp miền Nam California kể từ đầu tháng Sáu, khi các cuộc truy quét người nhập cư bắt đầu gia tăng.
Chiến dịch trấn áp này làm nổ ra các làn sóng biểu tình, dẫn đến việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump triển khai Vệ binh Quốc gia và Thủy quân Lục chiến để bảo vệ các nhân viên liên bang trước những người biểu tình, đồng thời nhằm đảm bảo việc thực hiện kế hoạch trục xuất hàng loạt mà ông đã nhiều lần cam kết.
Dù nhiều người Mỹ ủng hộ chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump nhưng làn sóng truy quét liên tục ở khu vực này đã gây ra các phản ứng dữ dội từ cộng đồng dân cư và các nhà hoạt động.
Miền Nam California là nơi sinh sống của khoảng 1,4 triệu người nhập cư không có giấy tờ, nhiều người trong số họ buộc phải lẩn trốn vì sợ hãi đến nổi không dám đi làm, đi học hay thậm chí đi chợ.
Chính vì vậy, các cuộc truy quét đã làm thay đổi diện mạo của một trong những khu vực đông dân nhất nước Mỹ. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, nhiều thành phố hủy bỏ các sự kiện cộng đồng - bao gồm cả lễ bắn pháo hoa mừng Quốc khánh 4/7.
"Ai cũng hết sức lo lắng, thận trọng" một người bán đá bào "raspado" nói tại Los Angeles vào một ngày Chủ nhật gần đây, nơi có những sân bóng đá và bàn ăn dã ngoại vốn thường đông đúc giờ bỗng vắng tanh. Khi chuẩn bị món đá bào với siro dâu, bà có vẻ ái ngại trước những câu hỏi nhưng cũng vui lòng vì có khách.
"Chưa bao giờ vắng như thế này," bà nói.
Các cuộc truy quét ở hai nông trại cần sa này đang được xem là chiến dịch về nhập cư lớn nhất kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức.
Trong số 361 người nhập cư bị bắt giữ trong các cuộc truy quét, bốn người có hồ sơ tội phạm "nghiêm trọng", bao gồm hiếp dâm, bắt cóc và cố ý lạm dụng trẻ em, theo truyền thông. Các nhân viên di trú cũng phát hiện 14 trẻ di cư mà chính quyền tuyên bố là đã được "giải cứu khỏi nguy cơ bị bóc lột, lao động cưỡng bức và buôn người".
Trong khi chính quyền thường xuyên nêu bật những ca tội phạm bị kết án như hiếp dâm, giết người hay buôn ma túy mà họ đã bắt được trong các chiến dịch nói trên thì hàng chục người nhập cư khác - nhiều người không có tiền án tiền sự, đã sống hàng chục năm để xây dựng doanh nghiệp, gia đình và tổ ấm - cũng bị cuốn vào vòng xoáy của các cuộc truy quét.
"Họ cứ thế bắt người đi," Carlos nói. Anh không muốn nêu tên đầy đủ vì sợ bị trục xuất về quê hương Guatemala của mình. Carlos sợ hãi đến độ không dám đi làm kể từ khi em gái mình, Emma, bị bắt lúc đang bán bánh taco bên ngoài một cửa hàng Home Depot hồi tháng trước.
"Nếu anh là người da nâu, nếu anh là người gốc Mỹ Latinh, họ cứ thế đến bắt và mang anh đi."
Chính quyền Trump nói những cáo buộc cho rằng người dân bị nhắm đến là vì màu da là điều "ghê tởm" và sai sự thật.
Carlos nói anh cảm thấy an tâm hơn một chút kể từ khi một thẩm phán liên bang ở California ra lệnh yêu cầu chính quyền Trump dừng việc "giam giữ tùy tiện" thông qua các "cuộc tuần tra lưu động" của lực lượng liên bang. Nhưng Carlos vẫn không tin rằng họ sẽ dừng lại, trong khi anh cần phải quay lại làm việc.
"Làm sao tôi trả được tiền thuê nhà đây," anh nói. "Tôi đang kẹt trong nhà."

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tin tức về một chiến dịch truy quét liên bang tại công viên MacArthur ở Los Angeles đã lan truyền nhanh chóng
Các nhà thờ và tổ chức bảo vệ quyền của người nhập cư đã tổ chức hoạt động gửi thực phẩm cho những người đang lẩn trốn. Họ cũng tập huấn cho cộng đồng cách bảo vệ người nhập cư trên đường phố bằng các ứng dụng, các nhóm nhắn tin và mạng xã hội để cảnh báo khi có đặc vụ liên bang xuất hiện gần đấy.
Khi hàng chục đặc vụ liên bang mặc quân phục rằn ri, có vũ trang, cưỡi ngựa và lái xe bọc thép đổ xuống công viên MacArthur ở Los Angeles hồi đầu tháng, không nhiều người bất ngờ.
Tin tức về chiến dịch đã lan nhanh – và tin đồn rằng "la migra" (biệt danh chỉ nhân viên di trú) đang tới đã râm ran vài giờ trước khi lực lượng thực sự đến nơi. Hàng chục người phản đối đã kéo tới để đón lực lượng này – trong đó có cả Thị trưởng Los Angeles Karen Bass – người đã yêu cầu họ (nhân viên công lực) rời khỏi công viên.
Các nhân chứng cho biết không có vụ bắt giữ nào xảy ra và cũng không thấy có ai phải chạy trốn. Khi binh lính tới nơi – với các ê kíp quay phim chuyên nghiệp ghi hình cảnh phô trương lực lượng công khai – những người còn lại trong công viên chỉ là người biểu tình, vài đứa trẻ đang trong trại hè và một số người vô gia cư đang nằm ngủ trên bãi cỏ.
"Thật đau lòng," Betsy Bolte – người sống gần công viên và có mặt để biểu tình, hô hào và chửi lực lượng đặc vụ – chia sẻ.
"Đây là cuộc chiến nhằm vào người dân – những người là trái tim và linh hồn của nền kinh tế. Và tất cả đều có chủ đích. Nó là một phần trong kế hoạch," bà nói, vừa khóc vừa cho các phóng viên xem đoạn video mình ghi lại.
Các nhà hoạt động cáo buộc chính phủ đang khủng bố chính người dân của mình.
"Đây là một phần trong chương trình khủng bố. Từ Los Angeles đến Duyên hải miền Trung, chính quyền Trump đang vũ khí hóa bộ máy chính quyền liên bang và quân đội để đàn áp người dân California," tổ chức vận động CAUSE tuyên bố.
Tuy nhiên, không phải tất cả người dân California đều phản đối.
Tổng thống Trump đã giành được 38% số phiếu tại bang này trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái. Gần đây, BBC đã đăng bài viết về chuyện một người phụ nữ vẫn hết lòng ủng hộ ông Trump và kế hoạch trục xuất hàng loạt dù chính bản thân cô hiện đang bị giam giữ vì nhập cư trái phép.
Tuần trước, một người ủng hộ ông Trump đã xuất hiện tại cuộc biểu tình ở nông trại cần sa, rồi bị người biểu tình đánh đập, giễu cợt và bị nhổ nước bọt.
Có lẽ một điều trớ trêu là kiến trúc sư đứng sau nhiều chính sách trục xuất của Tổng thống Trump lại là người Los Angeles. Cố vấn cấp cao Nhà Trắng, Stephen Miller, lớn lên ở khu vực tự do Santa Monica. Từ lúc còn là thiếu niên, ông đã nổi tiếng trên các đài phát thanh bảo thủ vì lên tiếng phản đối việc sử dụng tiếng Tây Ban Nha trong trường học.
Tuần này, ông nói với Fox News rằng các chính trị gia Dân chủ "bạo lực" ở California – những người tham gia biểu tình – đang kích động bạo lực nhằm vào lực lượng di trú liên bang.
"Không thành phố nào có thể tiếp tay cho một cuộc xâm nhập vào đất nước vượt lên trên ý nguyện của người dân Mỹ và các nhân viên thực thi pháp luật được trao quyền thực thi ý nguyện của người dân Mỹ," ông tuyên bố.
"Ông trùm biên giới" của ông Trump, Tom Homan, cho rằng Los Angeles chỉ có thể tự trách mình vì các luật bảo vệ người nhập cư tại đây ngăn cảnh sát địa phương hợp tác với nhân viên di trú trong nhà tù – nơi họ có thể giam giữ những người nhập cư phạm tội mà không để lọt vào mắt của công chúng.
"Chúng tôi sẽ tăng cường gấp đôi, gấp ba lần các chiến dịch tại các thành phố trú ẩn của người nhập cư," ông Homan nói với báo giới và cho biết tại Florida không có những cuộc truy quét công khai như vậy vì các cảnh sát trưởng ở đó đều cho phép nhân viên di trú vào nhà tù để bắt người nhập cư.
"Nếu họ không cho chúng tôi bắt kẻ phạm tội trong nhà tù của hạt, thì chúng tôi sẽ bắt những kẻ đó ở ngoài cộng đồng. Chúng tôi sẽ bắt ở nơi làm việc."

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,'Bà của tôi không phải là tội phạm.' Emma đã bị bắt giữ bên ngoài một cửa hàng Home Depot.
Tại Los Angeles, có thể thấy rõ tác động của một tháng truy quét người nhập cư. Ở các công viên và khu dân cư từng tấp nập người mua sắm, đông đúc người qua lại, có tiếng nhạc và nhiều quầy ăn uống, giờ đây sự vắng bóng của những âm thanh quen thuộc này tạo nên một cảm giác rờn rợn.
Hạt Los Angeles có 88 thành phố và nhiều nơi đã hủy bỏ các sự kiện hội hè công cộng do những chiến dịch truy quét đang diễn ra.
"Nhiều cư dân đã bày tỏ sự nỗi lo sợ và bất an, khiến họ phải ở cố thủ trong nhà, ngừng làm việc và thôi tham gia những sinh hoạt cộng đồng hằng ngày," thành phố Huntington Park nêu trong một tuyên bố liên quan đến việc hủy bỏ các sự kiện. "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là và sẽ luôn là sự an toàn và an tâm của cộng đồng."
Giờ đây, một số người nhập cư thậm chí sợ không dám đến tòa án theo lịch hẹn, vì họ có thể bị bắt ngay bên ngoài tòa.
Mục sư Ara Torosian của Nhà thờ Cornerstone ở Tây Los Angeles cho biết phần lớn giáo dân nói tiếng Ba Tư của giáo xứ ông là những người đang xin tị nạn. Một đôi vợ chồng có con gái ba tuổi đã bị bắt bên ngoài tòa án khi họ đến dự một phiên tòa mà họ nghĩ là "bình thường". Giờ đây, họ đang bị giam tại một trung tâm giam giữ gia đình ở Texas.
Năm thành viên trong giáo đoàn của ông đã bị bắt trong tháng Sáu – trong đó hai người bị bắt ngay trên đường phố khi mục sư Torosian đang quay phim lại và xin các đặc vụ dừng tay.
"Họ không phải tội phạm," ông nói. "Họ tuân thủ mọi thứ, không che giấu điều gì."