Johnny Lê Nữu Vượng
Già làng

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Brazil từ ngày 4 đến 8/7.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.BRICS được thành lập năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, với mục tiêu ban đầu là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu, nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva (Ảnh: Nhật Bắc).
Trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, BRICS đang nổi lên có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương. Sau 3 lần mở rộng, BRICS đang bao gồm 10 nước thành viên và 9 nước đối tác.
Hiện có nhiều quốc gia đã chính thức hoặc không chính thức bày tỏ quan tâm xin gia nhập BRICS hoặc các cơ chế hợp tác của BRICS.
Hợp tác của BRICS dựa trên ba trụ cột, gồm hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, và văn hóa và giao lưu nhân dân.
Những năm gần đây, theo lời mời của các nước Chủ tịch BRICS, Việt Nam đã cử đại diện tham dự một số hoạt động trong khuôn khổ BRICS mở rộng.
Việt Nam - Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989.
Từ năm 2020, quan hệ song phương Việt Nam - Brazil được đẩy mạnh với nhiều chuyến thăm cấp cao trong đó Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Brazil các năm 2023, 2024 và Tổng thống Lula da Silva thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (3/2025) và các cấp.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Lula da Silva hồi tháng 3, hai bên đã ra tuyên bố chung, thông qua kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2025-2030.
Về thương mại, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, trong những năm qua với kim ngạch thương mại tăng trưởng ấn tượng. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,98 tỷ USD (tăng 12,2% so với năm 2023), trong đó Việt Nam xuất 2,6 tỷ USD và nhập 5,37 tỷ USD.
Về hợp tác đa phương, hai nước chia sẻ quan điểm về cải tổ Liên Hợp Quốc và nhiều vấn đề quốc tế khác.
Gần đây, Brazil đã ủng hộ Việt Nam vào Thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 và 2026-2028. Việt Nam ủng hộ Brazil vào Hội đồng Nhân quyền 2024-2026 và Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).