Chính sách thôi việc cho cán bộ, công chức chưa đến tuổi nghỉ hưu

- Bên cạnh hưởng trợ cấp để tìm kiếm việc làm, cán bộ, công chức chưa đến tuổi nghỉ hưu nếu thôi việc ngay cũng được hưởng thêm trợ cấp cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.​

Chính sách thôi việc

Nghị định số 154/2025/NĐ-CP về tinh giản biên chế quy định, cán bộ, công chức chưa đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Nghị định này, nếu thôi việc ngay thì được hưởng 3 chế độ.

Đó là trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; Trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngoài ra, nhóm này cũng được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến chính sách thôi việc sau khi đi học nghề, cán bộ, công chức có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, tổ chức, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới.

Nghị định quy định nhóm này còn được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng.

Cán bộ, công chức thôi việc còn được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề. Sau khi kết thúc học nghề, họ được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm.

Ngoài ra, cán bộ, công chức cũng được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội. Trong thời gian đi học nghề họ được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên công tác để nâng bậc lương thường xuyên hàng năm.

Nhóm này tiếp tục được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

5 nhóm tinh giản biên chế

Chính phủ cũng quy định 5 nhóm sẽ phải thực hiện các chế độ tinh giản biên chế.

Đầu tiên là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ (người lao động).

Theo quy định của Chính phủ, đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế tiếp theo là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập mà dôi dư.

Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, cũng thuộc đối tượng tinh giản biên chế.

Trong nhóm thuộc diện tinh giản biên chế còn có người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ ngay kể từ khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố nghỉ ngay kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.

Những nhóm trên sẽ được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, chính sách thôi việc, chính sách với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.
 

Có thể bạn quan tâm

Top