Có Hình 'Cơn sốt' vàng nhẫn trơn "Giá càng tăng, người dân kéo tới càng đông"

Nhu cầu đầu tư vàng nhẫn 24K tăng mạnh trong khi doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, khiến "cơn sốt" kéo dài.

Một tháng trở lại đây, giá thế giới liên tục xác lập mức đỉnh mới, lượt khách giao dịch nhẫn trơn 24K tại các thương hiệu lớn trở nên nhộn nhịp.

Ghi nhận của VnExpress tại một số cửa hàng tại TP HCM của SJC, DOJI hay Mi Hồng, có những thời điểm khách xếp hàng dài chờ mua vàng nhẫn.

Nhân viên quầy nhẫn trơn của cửa hàng SJC Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM) gần đây tất bật vì lượng khách tăng mạnh so với trước. Cửa hàng phân luồng thành hai nơi giao dịch nhẫn 24K riêng biệt, bằng tiền mặt và chuyển khoản và phải kê thêm ghế cho khách ngồi chờ.

Đông khách hàng ngồi chờ tại SJC

Đông khách hàng ngồi chờ tại SJC Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trang.

Nhu cầu mua tăng vọt, gần đây SJC giới hạn mỗi khách được mua tối đa 5 chỉ trong một lần giao dịch. Nhưng mức này là quá ít với nhiều người có nguyện vọng tích trữ và đầu tư.

Một khách hàng nữ cho biết, chị phải ghé cửa hàng tới 3 lần để mua được đủ số lượng mong muốn. Vì mua làm tài sản tích trữ nên chị nói "không quá quan tâm kể cả giá đi xuống".

"Mỗi lần giá vàng nhẫn giảm thấp, cùng lắm là triệu đồng, nhưng sau đó lại tăng mạnh", người này nói và tin rằng loại vàng này vẫn tăng theo đà của thế giới.

Tương tự, tại thương hiệu Mi Hồng, quầy nhẫn trơn những ngày gần đây cũng thường xuyên có khách hàng tới hỏi mua. Nhu cầu tăng lên trong khi lượng hàng có sẵn không nhiều, cửa hàng Mi Hồng thường xuyên rơi vào tình trạng "cháy hàng" cục bộ trong ngày.

"Giá càng tăng, người dân kéo tới càng đông", nhân viên cửa hàng vàng cho biết.

Lãnh đạo của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - hãng kinh doanh nữ trang top đầu thị trường, đánh giá có sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Người dân hiện nay chuộng mua vàng 24K với mục tiêu phòng thủ và đầu tư. Nhu cầu này cao hơn hẳn và khác những năm trước khi họ tìm đến PNJ chủ yếu qua trang sức.

Quầy giao dịch nhẫn trơn chuyển khoản

Quầy giao dịch nhẫn trơn chuyển khoản đông người chờ sáng 15/4. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thực tế, vàng là kênh tích lũy dành cho số đông, đặc biệt với người không rành về tài chính. Lực cầu kim loại quý này tăng lên trong bối cảnh các kênh đầu tư khác trong nước giảm hấp dẫn với số đông, lãi suất gửi ngân hàng thấp kỷ lục. Đặc biệt, kỳ vọng vào giá thế giới lên cao càng khiến nhiều người có nhu cầu nắm giữ tài sản này.

Trong bối cảnh nhu cầu tích lũy đầu tư kim loại quý tăng, nhiều người dân lựa chọn bỏ tiền vào nhẫn trơn 24K thay vì vàng miếng SJC - vốn đang đối diện với những rủi ro chính sách và chênh quá cao so với thế giới.

Vì thế, nhẫn trơn trước nay là lựa chọn để mua biếu, tặng, của để dành cho con cháu, giờ trở thành hình thức để tích lũy, đầu tư. Về bản chất, nhẫn 4 số 9 có cùng hàm lượng với vàng miếng SJC, nhưng giá rẻ hơn, do không bị "đóng mác" độc quyền.

Hiện, nhẫn trơn neo quanh 76-77 triệu đồng mỗi lượng, tùy thương hiệu. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này ghi nhận hiệu suất sinh lời trên 20%, tốt hơn so với vàng miếng (13-15%).

Tuy nhiên, mặt hàng này đang trở nên khan hiếm trên thị trường. Các hệ thống như PNJ, DOJI... thường xuyên rơi vào tình trạng "cháy hàng".

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ, cho biết doanh nghiệp gặp khó về nguồn cung nguyên liệu. "Có những lúc chúng tôi không có vàng để chế tác và bán hàng", bà nói.

Lãnh đạo PNJ nói thêm diễn biến giá lên xuống thất thường thời gian qua gây áp lực cho họ trong mua dự trữ nguyên liệu. "Cái khó của công ty là tính toán thời điểm mua vào để có giá phù hợp. Có những ngày nhà máy buộc phải tạm dừng sản xuất vì giá nguyên liệu quá cao, công ty không thể mua vào", Chủ tịch PNJ chia sẻ.

Hơn 10 năm từ khi thực hiện Nghị định 24, các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, họ chỉ thu mua trên thị trường. Đây được coi là nguồn nguyên liệu duy nhất để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Các phương thức họ thu mua trong nước, gồm mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của doanh nghiệp, đơn vị khai thác hoặc mua theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn.

Trong kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước vào năm ngoái, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA), ông Nguyễn Thành Long cho biết, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu. Họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ xác minh nguồn gốc nguyên liệu thu mua. Vì thế, các đơn vị lo ngại rủi ro về pháp lý sau loạt động thái siết buôn lậu, cũng như thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Từ những lo ngại trên, ông Long cho biết, doanh nghiệp giảm nhu cầu hoặc dừng thu mua vàng nguyên liệu, khiến sản xuất trang sức gặp khó khăn.

Thực tế, nhiều tiệm vàng gần đây đóng cửa, dừng hoạt động do tâm lý bất an trước các cuộc thanh tra của quản lý thị trường. Việc này, theo lãnh đạo PNJ, càng khiến doanh nghiệp lớn khó khăn hơn trong thu mua nguyên liệu đầu vào, bởi các tiệm vàng là một trong ba nguồn cấp cho họ.

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu cho một số doanh nghiệp, nhưng đến nay chưa được duyệt.

Tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài, theo chuyên gia, có thể tiếp tục tạo sự khan hiếm với nhẫn trơn, vốn không phải mặt hàng có biên lợi nhuận cao và được doanh nghiệp ưu tiên trong bối cảnh thiếu nguồn cung.

Quỳnh Trang

 
Dân dân kéo nhau trả lại lá mít cho nhà nước à:vozvn (19):
 
Còn bán thì dân nó vãn vét hết,giờ không phải là vấn đề giá nữa rồi.

Nên oánh cho bọn ch tự đóng cửa cũng chỉ là chiêu bài tạm thời thôi.

Đường dài xem các anh mưu lược tới đâu?

Nhìn lờ mờ thấy 1 bài rồi đấy.
 
Top