Don Jong Un
Xamer mới lớn


Ông Tô Lâm điện đàm với Tổng Thống Trump hôm 2 Tháng Bảy. (Hình: TTXVN)
“Thắng lợi” hay “Nhượng bộ” ? Đó là câu hỏi mà dư luận đặt ra dành cho nhà cầm quyền CSVN khi cuộc đàm phán thuế quan giữa Việt Nam- Hoa Kỳ đã có kết quả.
Nội dung thể hiện trong tuyên bố chung không đơn thuần là thỏa thuận thương mại, mà là một ván cờ chính trị, lợi ích quốc gia và dân tộc bị đặt vào tình thế đầy rủi ro.
Truyền thông CSVN ngày 3 Tháng Bảy, 2025, đồng loạt dùng những mỹ từ đầy phấn khởi để đăng tin về một tuyên bố về kết quả đàm phán thương mại thuế quan giữa Việt Nam- Hoa Kỳ, với mô tả là thành công tốt đẹp. Tuyên bố này bao gồm những nội dung chính sau: Hoa Kỳ cam kết cắt giảm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam; áp mức thuế suất 20% cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam và 40% đối với hàng “trung chuyển” qua Việt Nam để nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Về phía Việt Nam, CSVN cam kết mở cửa thị trường, miễn thuế bằng “0%” cho hàng hóa từ Hoa Kỳ và đề xuất sớm được Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là “kinh tế thị trường.”
Trước đó, hai bên trải qua những vòng đàm phám căng thẳng vào từ Tháng Tư đến Tháng Sáu, được xem như bước đệm cho cuộc trao đổi trực tiếp giữa hai người đứng đầu của hai quốc gia.
Việc Hoa Kỳ quyết định giảm mức thuế quan 20% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam thay cho mức dự kiến ban đầu là 46%, nhà cầm quyền CSVN cho đây là một thắng lớn, một thành tựu ngoại giao mang đậm dấu ấn cá nhân Tô Lâm. Điều này, được xem là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực dệt may, điện tử và thủy sản. Tuy nhiên, đông đảo người dân Việt Nam và giới quan sát chính sự ngay lập tức nhận thấy rằng, đây thực chất là một sự nhượng bộ, một bước lùi chiến lược của kẻ tự biết mình “thấp cổ bé họng” mang tên CSVN, chấp nhận thua thiệt và bất lợi để giữ lấy quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.
Một trong những điểm bất lợi dễ thấy nhất là nằm ở điều khoản thuế “trung chuyển” 40%. Thử hỏi Việt Nam hiện có bao nhiêu mặt hàng sản xuất hoàn toàn trong nước mà không nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc hoặc các quốc gia khác? Nhiều báo cáo thống kê mới đây của cục Hải Quan Việt Nam cho biết, hơn 70% hàng xuất khẩu của Việt Nam là đến từ doanh nghiệp FDI, nghĩa là đa phần hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sau này sẽ rơi vào diện chịu thuế “trung chuyển.”
Việc Việt Nam cam kết mở cửa rộng rãi thị trường để hàng hóa Hoa Kỳ nhập vào với mức thuế “0%”, đây là sự thỏa thuận một chiều, bất cân xứng, hay nói đúng hơn CSVN nhượng bộ đến mức bất chấp để đổi lấy việc được Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường. Vấn đề này từ lâu nay Hoa Kỳ cùng nhiều nước Châu Âu vẫn bỏ ngỏ đối với Việt Nam bởi lo ngại chính sách chống bán phá giá của Việt Nam.
Rõ ràng, kết quả đàm phán cho thấy Việt Nam thất thế nhiều hơn là thắng lợi, rơi vào thế bị động, không có sức trả đũa, hoàn toàn để Hoa Kỳ áp đặt cuộc chơi. Một khi bị nước lớn gây áp lực, CSVN lại trung thành lối ngoại giao: đàm phán-nhượng bộ-rồi tiếp tục nhượng bộ.
Trong khi đó, Tổng Thống Donald Trump thể hiện rõ thế thượng phong với thông điệp, Việt Nam cần Hoa Kỳ, phụ thuộc vào Hoa Kỳ chứ Hoa Kỳ hiện chưa cần lắm Việt Nam, một đối tác thương mại nhỏ không đủ trọng lượng để mặc cả nhưng lại đáng chú ý vì tình trạng gian lận thương mại. Điều này được thể hiện qua số liệu, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn $110 tỉ, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, cũng trong năm 2023, hàng hóa Việt Nam chiếm chưa đến 4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.
40% thuế “trung chuyển” cũng là đòn chiến lược của Chính Phủ Donald Trump nhằm kiểm soát Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc. Đẩy CSVN vào thế buộc phải chọn bên, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn đến chính trị khi có xung đột với Trung Quốc liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ-lãnh hải.
Ngay cả mức thuế 20%, hàng Việt Nam gần như mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở thị trường Hoa Kỳ, thậm chí nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ bị đánh bật. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu và đem lại lợi nhuận lớn nhất đối với các mặt hàng dệt may, giày da của Việt Nam. Khi bị áp thuế 20%, bắt buộc các mặt hàng này phải tăng giá, và sẽ khó cạnh với hàng hóa có xuất xứ từ Thái Lan, Ấn Độ, kéo theo hệ quả nguy cơ hàng triệu lao động Việt Nam mất việc.
Kết quả đàm phán sẽ đẩy thương mại Việt Nam phụ thuộc sâu vào thị trường Hoa Kỳ, nền kinh tế Việt Nam đối diện nhiều rủi ro nghiêm trọng về lâu dài. Ưu đãi hàng hóa Hoa Kỳ, tức là cũng ưu đãi luôn doanh nghiệp Hoa Kỳ ngay trên sân nhà. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vốn yếu về tài chính-công nghệ sẽ thua thế hoàn toàn, khó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Vậy CSVN ban hành cơ chế gì để bảo vệ doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trước làn sóng hàng hóa Hoa Kỳ giá rẻ? Câu trả lời là rất khó, thậm chí Việt Nam đối diện với nguy cơ bị phía Hoa Kỳ mặc cả thêm ở tương lai.
Kết quả đàm phán cũng tạo tiền lệ cho nhiều cường quốc kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn….thấy Việt Nam dễ dàng nhượng bộ Hoa Kỳ, bị ép mà không phản kháng, từ đó sẽ làm điều tương tự khi đàm phán song phương với Việt Nam sau này.
Ông Tô Lâm và giới chóp bu CSVN chấp nhận những điều kiện bất lợi từ phía Hoa Kỳ có thể là giải pháp tình thế, trước mắt nhằm cứu vãn chuỗi cung ứng khỏi bị đứt gãy, kinh tế-tài chính khỏi bị sụp đổ và giảm bất ổn xã hội. Tuy nhiên, như trên đã nói, đây là một thành tựu ngoại giao mang đậm dấu ấn cá nhân ông Tô Lâm, người vừa ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư, lại là người đang cầm trịch nhân sự Đại Hội Đảng XIV. Ông Tô Lâm cần một chiến thắng ngoại giao để đánh bóng tên tuổi, khẳng định vị thế chính trị của mình trước các đối thủ, trước dư luận.
Cần lưu ý, đàm phán thương mại thuế quan Việt Nam-Hoa Kỳ là thuộc lĩnh vực kinh tế, đây là thế mạnh và cũng là nhiệm vụ bên phe Chính Phủ, đứng đầu là Thủ Tướng Phạm Minh Chính chứ không thuộc phe Đảng hay cá nhân ông Tô Lâm. Giành cú chốt đàm phán rồi tuyên bố thắng lợi dù thua thiệt không hề nhỏ, ông Tô Lâm đang công khai củng cố quyền lực cá nhân, sẵn sàng hy sinh kinh tế để đổi lấy ổn định chính trị, là quyền cai trị độc tôn của Đảng CSVN. Thực tế lâu nay CSVN vẫn điều hành nền kinh tế chủ yếu bằng cách tận dụng sức dân, lấy nguồn lao động giá rẻ để thu hút đầu tư. Khi cần, CSVN sẵn sàng hy sinh người dân và doanh nghiệp trong nước để giữ lấy lợi ích chính trị.
Hoa Kỳ thường sử dụng vấn đề nhân quyền và tôn giáo để gây sức ép với nhà cầm quyền CSVN trong các đàm phán về thương mại và viện trợ. Còn các nước EU luôn chỉ trích CSVN không tuân thủ cam kết về tự do công đoàn. Tuy nhiên, CSVN vứt bỏ tất cả, không hề cải cách chính trị, thậm chí còn tăng cường đàn áp tiếng nói khác biệt. Điều đó cho thấy, CSVN xuống nước trong các đàm phán với quốc tế là vì lợi ích cá nhân của họ chứ không hoàn toàn vì lợi ích quốc gia, dân tộc.