

19 tháng 7 2025
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là đã củng cố quyền lực của mình không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế khi để lại di sản ngoại giao quan trọng - biến chức vụ tổng bí thư thành nguyên thủ quốc gia trên thực tế.
Vào tháng 7/2015, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư Đảng ******** Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ và được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón ở Phòng Bầu dục - một nghi thức hiếm hoi dành cho lãnh đạo một chính đảng, đặc biệt là chính đảng cầm quyền tại một quốc gia độc đảng.
Chuyến thăm này của ông Trọng đã củng cố vị thế của Đảng ******** Việt Nam nói chung và chức danh tổng bí thư nói riêng.
Việc Tổng thống Obama đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rằng Mỹ về cơ bản đã thừa nhận ông Trọng là người nắm quyền trên thực tế (de facto) của Việt Nam và tính chính danh của Đảng ********.
Điều này đã tạo tiền lệ và thay đổi cách giao thiệp giữa Mỹ và Việt Nam mà chúng ta thấy hiện tại - đó là việc Tổng thống Donald Trump điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm để đàm phán về thuế quan thay vì với thủ tướng hay chủ tịch nước.
Xây dựng tính chính danh cho Đảng ********

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói "mình phải có thế nào người ta mới thế chứ". Câu nói này thể hiện việc ông rất quan tâm cách quốc tế nhìn nhận như thế nào về Việt Nam, về Đảng ******** và về bản thân ông với tư cách là tổng bí thư.
Về nội trị, tính chính danh của Đảng ******** nằm ở việc dẫn dắt nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước và bản thân ông Trọng còn cho rằng tính chính danh của Đảng còn nằm ở sự trong sạch.
Nhưng về mặt ngoại giao, là người đứng đầu Đảng ******** Việt Nam, trong các chuyến công du nước ngoài, ông Trọng thường chỉ được đón tiếp trọng thị khi đến các quốc gia "anh em ********" hiếm hoi như Trung Quốc, Lào, Cuba và Triều Tiên.
Còn đối với các nước dân chủ phương Tây như Mỹ, việc tổng thống gửi lời mời tới lãnh đạo đảng (tổng bí thư) chứ không phải nguyên thủ quốc gia (chủ tịch nước) hay người đứng đầu chính phủ (thủ tướng) là điều cực kỳ hiếm hoi.
Trong quan hệ Việt - Mỹ, điều này là chưa từng có tiền lệ. Vì với một đất nước như Mỹ, rất khó và hiếm khi nào tổng thống lại gửi lời mời lãnh đạo một chính đảng mà đây lại là Đảng ******** Việt Nam - đảng vốn có lập trường phê phán kịch liệt chủ nghĩa tư bản.
Do đó, việc tiếp đón ông Trọng như một nguyên thủ quốc gia thực sự là một điều "lạ lùng" đối với chính giới Mỹ.
Thế nhưng, bất chấp những rào cản và khác biệt về hệ thống chính trị, vào năm 2015, ông Trọng đã được Tổng thống Mỹ Obama tiếp đón tại Phòng Bầu dục trong chuyến thăm cấp nhà nước.
Giáo sư Edmund Malesky từ Đại học Duke (Mỹ) đánh giá với BBC News Tiếng Việt rằng chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama là di sản ngoại giao quan trọng.
"Trước đó, khi làm việc với các lãnh đạo của những quốc gia độc đảng, Mỹ chỉ đối thoại, tiếp xúc với chủ tịch nước vì đó là nguyên thủ quốc gia.
"Và đó là một tình thế phức tạp ở Việt Nam vì ông Trọng muốn tính chính danh của Đảng được công nhận. Bằng cách thăm chính quyền Obama và có một chuyến thăm cấp nhà nước trong tư cách là lãnh đạo đảng, chứ không phải nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ, ông ấy trên thực tế đã được đón tiếp tại Hoa Kỳ.
"Nước Mỹ đã chính danh hóa sự lãnh đạo duy nhất của Đảng ******** Việt Nam. Và tôi cho rằng đó là một di sản quan trọng," Giáo sư Malesky nói.
Mỹ chỉ hợp tác với những quốc gia mà họ thừa nhận về mặt ngoại giao và chính trị nên việc Mỹ công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ******** có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam.
Để được Mỹ công nhận tính chính danh, Đảng ******** Việt Nam đã có một quá trình vận động kiên trì, đặc biệt là làm sao để phía Mỹ hiểu được tầm quan trọng và thuyết phục được Tổng thống Obama tiếp đón ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Là đại sứ Mỹ tại Hà Nội giai đoạn 2014-2017, ông Ted Osius đóng vai trò lớn trong việc sắp xếp chuyến thăm của ông Trọng.
Vị đại sứ viết trong cuốn hồi ký mang tên Không gì là không thể: Sự hòa giải của Mỹ với Việt Nam (Nothing is Impossible: America's Reconciliation with Vietnam) rằng trong những tháng đầu tiên trên cương vị đại sứ, ông đã nghe một thông điệp nhất quán, lặp lại từ các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn đến Hoa Kỳ thăm Tổng thống Barack Obama.
"Tôi dần nhận thấy tầm quan trọng của đề nghị lạ thường này. Ông Trọng nằm trong nhóm một số người cứng rắn trong Bộ Chính trị, những người ngờ vực Hoa Kỳ nhất. Ông Trọng lên nắm quyền từ vị trí là một chuyên gia về chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, và ông không có vẻ thích trở thành một cổ động viên của những mối quan hệ gần gũi với thế giới tư bản.
"Một vài ủy viên Bộ Chính trị và nhiều ủy viên Ban Chấp hành Trung ương... nghĩ rằng Hoa Kỳ muốn thực hiện việc thay đổi chế độ tại Việt Nam. Nhưng thay đổi thì đã xảy ra rồi, thậm chí ngay trong những tầng nấc cao nhất của ban lãnh đạo Việt Nam," ông Osius viết.
Trong sách, vị đại sứ nhắc đến việc những đại sứ tiền nhiệm của ông đều nhìn nhận rằng Việt Nam có hai cơ chế lãnh đạo, đó là Đảng và Chính phủ. Ông cũng trích lời người tiền nhiệm của mình, Đại sứ David Shear, rằng điều quan trọng là phải thắt chặt mối quan hệ với Đảng ******** Việt Nam.
Với sự nhạy cảm của một nhà ngoại giao, ông Osius nhận ra rằng nếu ông không mạnh mẽ đưa ra lập luận tại sao cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ với tổng bí thư Đảng ******** Việt Nam tại Phòng Bầu dục là quan trọng, thì chuyến thăm của ông Trọng sẽ không bao giờ xảy ra:
"Tôi có thể mới đảm nhiệm chức vụ này, nhưng vai trò của tôi không phải là thụ động ngồi chờ chỉ thị. Thay vào đó, vai trò của tôi là định hình các hướng dẫn của mình và tôi phải hành động," ông Osius viết trong cuốn sách.
Ông cũng bộc bạch rằng khi ông đề nghị Tổng thống Obama tiếp ông Trọng, Nhà Trắng thoạt tiên đã từ chối: "Các quan chức Mỹ nói với tôi rằng ông Trọng sẽ được chào đón ở Mỹ, nhưng ông ta đừng có mong một cuộc gặp với Tổng thống Obama."
Đại sứ Ted Osius đã phải nhờ nhiều người, trong đó có Tommy Vallely, là bạn và cố vấn của Ngoại trưởng John Kerry. Khi đó, Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, đã phản đối chuyến thăm và nói rằng tổng thống Mỹ không cần gặp một lãnh đạo đảng.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng John Kerry, khi ăn trưa với Tổng thống Obama, đã thuyết phục thành công ông chủ Nhà Trắng. Nhờ thế, ông Ted Osius có thể nói với Hà Nội rằng Tổng thống Obama đồng ý tiếp ông Trọng.
Không lâu sau, hai nước thống nhất ông Trọng sẽ thăm Mỹ vào đầu tháng 7/2015.
Theo cuốn hồi ký, cuộc nói chuyện lịch sử giữa ông chủ Nhà Trắng và người đứng đầu Đảng ******** tại Phòng Bầu dục ban đầu dự kiến là 45 phút nhưng đã kéo dài tới tận 90 phút và được coi là "có bước đột phá lịch sử".
Xây dựng hình tượng lãnh đạo 'cây tre'

Ông Ted Osius nói với BBC News Tiếng Việt ngày 10/7/2025 rằng việc tạo điều kiện cho chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "là sáng kiến có tầm ảnh hưởng lớn nhất mà tôi đã thực hiện trong nhiệm kỳ đại sứ tại Hà Nội. Chuyến thăm đó đã làm thay đổi vĩnh viễn quỹ đạo quan hệ Việt - Mỹ."
Về sau này, không ít hoạt động giao thiệp giữa hai nước - các cuộc điện đàm và tiếp xúc thượng đỉnh - đã diễn ra giữa tổng thống Mỹ và tổng bí thư Đảng ******** Việt Nam.
Sáu tháng trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội vào mùa thu năm 2023, ông Biden đã có cuộc điện đàm với ông Trọng - một động thái được truyền thông quốc tế đánh giá là hiếm hoi.
Và rồi, khi Tổng thống Biden đã đến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023 để nâng cấp quan hệ hai nước lên mức đối tác chiến lược toàn diện thì ông Trọng cũng là người chủ trì lễ tiếp đón và ký kết việc nâng cấp này.
Đối tác chiến lược toàn diện là nấc cao nhất trong hệ thống ngoại giao thang bậc của Việt Nam.
Vào thời điểm đó, nguyên thủ quốc gia là ông Võ Văn Thưởng, nhưng các giao thức ngoại giao cấp cao nhất với cường quốc số một hành tinh lại do người đứng đầu Đảng chủ trì.
Phía Mỹ lẫn nội bộ Việt Nam chấp nhận điều đó một cách thoải mái.
Trong thông báo chính thức của Nhà Trắng về chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhắc đích danh, còn ba nhân vật còn lại trong "Tứ Trụ", bao gồm nguyên thủ quốc gia, chỉ được nêu một dòng chung chung là "các lãnh đạo chủ chốt khác".
Theo nghĩa nào đó, có thể thấy Hoa Kỳ đã xem ông Trọng là nhân vật quan trọng nhất và là người có quyền lực lớn nhất trong việc định đoạt các chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hay nói cách khác, Mỹ thừa nhận vai trò nguyên thủ trên thực tế, thừa nhận tính chính danh trong việc lãnh đạo đất nước của người đứng đầu Đảng.
Cho tới nay, ông Trọng vẫn là vị tổng bí thư duy nhất của Việt Nam được đón tiếp tại Nhà Trắng. Ông Tô Lâm hồi tháng 9/2024 đã có chuyến đi Mỹ nhưng đó không phải là một chuyến thăm chính thức và khi ấy, ông Tô Lâm cũng đang kiêm nhiệm vị trí chủ tịch nước.
Có thể nói, nhờ di sản củng cố vị thế của tổng bí thư, ông Tô Lâm đã được phía Mỹ tiếp tục công nhận là nhà cầm quyền thực tế của Việt Nam.
Thỏa thuận thương mại của Mỹ với Việt Nam mới đây đã chứng minh cho điều này khi ông Tô Lâm là người trực tiếp thực hiện hai cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump.

Cuộc điện đàm lần đầu tiên diễn ra vào hôm 4/4, hai ngày sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng toàn cầu và Việt Nam đối mặt với mức thuế 46%. Sau cuộc điện đàm này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã lên đường sang Mỹ đêm 5/4 với tư cách là đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm - chứ không phải của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cuộc điện đàm thứ hai là vào hôm 2/7, với kết quả là ông Trump tuyên bố hạ mức thuế áp lên Việt Nam còn 20%, đổi lại hàng Mỹ xuất khẩu đến Việt Nam được giảm thuế về 0%. Cũng trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhắc lại lời mời ông Trump thăm Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành những lời khen ngợi cho ông Tô Lâm, gọi ông là "tổng bí thư khả kính" và được làm việc với ông là "một niềm vui tuyệt đối".
Điều này cho thấy chính quyền Mỹ dù là Đảng Dân chủ (ông Obama, ông Biden) hay là Đảng Cộng hòa (ông Trump) đều đang trở nên thoải mái, tự nhiên trong việc công nhận thực quyền của tổng bí thư và thực tế lãnh đạo toàn diện của Đảng ******** ở Việt Nam. Có thể nói, đây là di sản ngoại giao mà ông Trọng để lại.
Nhưng việc được Mỹ đón tiếp cấp nhà nước không chỉ phục vụ cho mục đích củng cố tính chính danh của Đảng hay thực quyền của tổng bí thư mà còn giúp ông Trọng ghi điểm trong nội bộ Đảng.
Cần lưu ý, ông Trọng sang Mỹ vào tháng 7/2015 và chỉ chừng sáu tháng sau là Đại hội 12 - nơi diễn ra cuộc đối đầu sống còn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc ai đi ai ở.
Ông Ted Osius viết trong cuốn sách của mình như sau:
"Một số nhà bình luận đã gợi ý rằng chuyến thăm Washington đã tiếp thêm sức mạnh cho cơ nghiệp chính trị đang yếu mòn của ông Trọng và một số khác nói rằng chuyến thăm đã mang tới sự chính danh cho ông Trọng với tư cách là một nhà lãnh đạo, điều mà ông đã không thể có được tại một quốc gia với thể chế đại nghị," ông Osius viết.
Có thể nói, chuyến đi của ông Trọng không chỉ giúp Đảng ******** được một cường quốc như Mỹ công nhận chính thức mà còn nâng cao vị thế của ông Trọng trong mắt công chúng trong nước và quốc tế nói chung, trong nội bộ Đảng ******** nói riêng.

Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi qua đời đã đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần lượt vào tháng 9 và tháng 12 năm 2023
Bên cạnh đó, nhiều người cũng nhìn nhận chuyến thăm Mỹ của ông Trọng là một động thái nhằm khẳng định hình tượng một nhà lãnh đạo có khả năng đối thoại với Washington trong khi vẫn duy trì quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh (tháng 4/2015, ông đã thăm chính thức Trung Quốc và được Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp).
Trước đó, ông thường bị xem là mềm mỏng với Trung Quốc và thiếu thiện cảm với Mỹ. Tuy nhiên, thông qua chuyến thăm này, dường như ông đã giúp xoa dịu Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về đường hướng đối ngoại của ông. Điều này cũng góp phần định hình rõ hơn đường lối ngoại giao cây tre, được củng cố từ chủ trương đa phương hóa trong ngoại giao mà Đảng ******** Việt Nam đã đề ra từ lâu, thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đại hội 7: "Thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước..."
Trước khi qua đời vào ngày 19/7/2024, ông Nguyễn Phú Trọng đã để lại những ấn tượng ngoại giao trong ba tháng cuối năm 2023, thể hiện sự đi dây giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.
Tháng 9/2023, Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và ký kết nâng cấp mối quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Một số nguồn tin cho biết ông có dự định thăm Mỹ vào thời điểm này nhưng vì lý do sức khỏe, chuyến đi đã không được thực hiện. Thay vào đó, ông Biden đã đến thăm Việt Nam.
Tháng 11/2023, ông Trọng ra mắt cuốn sách có nhan đề Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam - đặc biệt nhấn mạnh bản sắc ngoại giao cây tre mà ông theo đuổi suốt hơn 13 năm làm lãnh đạo cao nhất của Đảng ********.
Tháng 12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai" với Bắc Kinh sau nhiều năm né tránh.