Có Hình Đom đóm: Vụt sáng để rồi dần biến mất trong kho tàng dã sử Việt Nam

01b.jpg

Hồi còn nhỏ, tôi học về loài đom đóm qua một hoàn cảnh rất lạ. Bài thơ tập đọc ‘Anh Đom Đóm’ của nhà thơ Võ Quảng, nhân hóa một chú đom đóm để dạy học sinh về những phẩm chất như “chăm chỉ” và “chuyên cần.”

Rất tiếc, lớp tôi có sĩ số 42, thơ ‘Anh Đom Đóm’ ai cũng đọc được vanh vách, nhưng hỏi nhau thì chỉ có lèo tèo vài đứa từng thấy, thậm biết đến đom đóm trước đó. Phụ huynh không dạy, vì có khi chính họ cũng chưa được xem bao giờ. Sự thật đơn giản rằng đèn điện càng bao phủ, thời đại càng tiến bộ thì ánh sáng của đom đóm càng bị lu mờ.

Người đồng hành của ruộng lúa và tuổi hoa niên​

Trước khi bài thơ ra được, và trước khi lứa trẻ chúng tôi quên mất về sự tồn tại của đom đóm, loài côn trùng này đã có một lịch sử dài đồng hành cùng văn hóa Việt. Ai quen thuộc với lịch sử dân gian chắc hẳn đã từng nghe truyền thuyết về các tấm gương hiếu học từ Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền đến Bùi Xương Trạch, Nguyễn Huy Tốn. Các cụ đều có chung một đặc điểm, đó là nhà nghèo hiếu học nhưng không có tiền mua dầu thắp đèn, phải bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn đọc sách, từ đó mà đỗ quan trạng và được vinh danh muôn đời.

Đến những thập niên giữa thế kỷ 20, thời của những cây bút như Võ Quảng, đèn điện đã du nhập vào Việt Nam nhưng vẫn còn là cái gì đó xa xỉ. Đất nước chập chững bước vào thời công nghiệp hóa, người dân đa phần vẫn nương vào nghề nông mà kiếm ăn. Đất rừng, đồng ruộng và nương rẫy vì thế mà bao la.
Trong khung cảnh cây cỏ trập trùng, đèn dầu chập chờn ấy, thiên nhiên cứ thế tràn vào không gian con người, kéo theo những đàn đom đóm vào ngõ xóm và nếp sống. Ngồi nghe các cụ hoài niệm về “hồi xưa,” tựa nhiên sẽ có những lời kể về tuổi thơ “dữ dội” — chuỗi ngày chạy dọc con đường làng để rượt bắt những bầy đom đóm, bỏ chúng vào bỏ vào lọ mực, chai thủy tinh để rồi mân mê cả buổi cả đêm.

Có thể bạn chưa biết​

Trứng, ấu trùng và nhộng của một số loài đom đóm cũng có thể phát sáng.
Còn với người lớn, đom đóm mang ý nghĩa nhiều hơn một trò tiêu khiển. Chốn thôn quê, ánh sáng chập chờn của đom đóm cũng là một niềm hy vọng giúp người dân bớt mỏi mệt sau một ngày thấm nắng rã rời, sau một buổi chạy giặc thất thần, hay sau những đêm dài tối tăm chui vào hầm đất tránh bom đạn chiến tranh. Và hơn cả, sự xuất hiện của đom đóm đánh dấu một chu kỳ tái sinh mới — khi những con mưa rào đầu tiên rơi xuống , ánh sáng lập lòe báo cho người lao động đã đến lúc đánh tơi thửa ruộng, vun luống trồng trọt. Cái lẽ ấy được người ta đúc kết thành cả một câu ca dao để đời sau học theo:

Khi chưa có kiến thức khoa học, người ta lý giải về loài công trùng này bằng những lý do siêu nhiên: là linh hồn của những người đã khuất, nhất là những ai mất vì chiến tranh, dịch bệnh, vương vấn trần gian để soi sáng cho người ở lại. Có lẽ do vậy mà ngày xưa, chúng ta đối đãi với đom đóm bằng một sự tôn trọng nhất định, và thêm thắt nhiều sự tích để bảo vệ chúng. Nhưng kỹ thuật phân tích mẫu hiện đại đã phơi bày sự tình — không phải tâm linh hay cao cả, mà ánh sáng đom đóm là tiến hóa để sinh tồn.

Sự thật ‘xôi thịt’ đằng sau đèn đom đóm​

Nói một cách trần tục, việc phát sáng với đom đóm cũng giống như đăng ảnh “phô thân” trên ứng dụng hẹn hò. Ở loài này, chỉ có cá thể đực có cánh còn cái thì không. Đom đóm cái sẽ tìm một nơi cao để quan sát các con đực. Đom đóm nào có khả năng phát sáng lâu hơn cũng có khả năng tìm bạn đời cao hơn. Khi đã tìm được bạn tình, con cái sẽ phát ra một ánh sáng tương tự với con đực để ra dấu hiệu để giao phối.

Khoa học cũng đã hiểu được được hoàn toàn cơ chế của quá trình này: Ánh sáng của đom đóm được phát ra từ vài đốt cuối bụng. Bên trong lớp dạ bụng là dãy các tế bào phát quang được điều khiển bằng tế bào thần kinh và các ống khí. Trong cùng, lớp tế bào phản quang có chức năng như mặt gương giúp phản chiếu ánh sáng ra ngoài.

Có thể bạn chưa biết​

Chúng ta cần xấp xỉ 833.000 chú đom đóm để đạt độ sáng trung bình của một bóng đèn LED (500 lumens).
Các tế bào phát quang có hai loại chất là luciferin và enzyme luciferase. Khi kết hợp với nhau dưới sự có mặt của phân tử O2, ATP, và Mg, chúng tạo nên mỗi chuỗi phản ứng hóa học sản sinh ra ánh sáng. Toàn bộ phản ứng hóa học trên được đom đóm kiểm soát bằng cách thêm bớt lượng O2, tạo nên cảnh tượng “rừng đom đóm” lập lòe thần tiên mà các cụ từng mê mẩn.

Khi giải mã được hoàn toàn cơ chế sinh học này, con người đã tự ban cho mình “phép màu” mà đom đóm sở hữu hàng triệu năm. Ánh sáng của luciferase tách chiết từ đom đóm được mang đi ứng dụng trong bao lĩnh vực, chẳng hạn như y học (để theo dõi nồng độ ô-xi già trong các sinh vật thí nghiệm) và công nghiệp thực phẩm (để phát hiện thực phẩm bị nhiễm khuẩn).

Ánh sáng ngày càng le lói​

Một nghịch lý là lúc chúng ta bắt đầu hiểu về đom đóm và ứng dụng đặc tính của chúng, cũng là lúc đom đóm bắt đầu biến mất khỏi môi trường xung quanh. Thống kê cho thấy, khắp nơi thế giới, dân số đom đóm đang suy giảm và tiến đến bờ tuyệt chủng vì những lý do nhân tạo: ô nhiễm ánh sáng làm ảnh hưởng nhịp sinh học, thuốc trừ sâu làm chết ấu trùng hàng loạt, và môi trường sống như rừng ngập mặn liên tục bị thu nhỏ.

Cũng chẳng cần nhìn đâu xa xôi, ngay tại Việt Nam, tiến trình nãy diễn ra từng ngày từng giờ một cách rõ rệt. Nếu từ thế kỉ 19, các nhà khoa học từng ghi nhận gần 30 loài đom đóm bản địa tại Việt Nam, thì đến thống kê gần đây nhất năm 2021, con số được xác nhận chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Loài sinh vật từng bay lượn tự do khắp đất nước nay chỉ còn thoi thóp ở các rừng quốc gia như Cúc Phương, Cát Tiên, và những miền xa hiếm hoi chưa được phủ điện.

Tôi đã liên hệ tiến sĩ Phan Quốc Toản, chuyên gia côn trùng học Việt Nam tại ĐH Duy Tân, với hy vọng tìm được một tín hiệu khả quan nào đó. Nhưng câu trả lời của tiến sĩ càng xác nhận tương lai tối tăm của đom đóm, rằng không có một nỗ lực nào trong nước để ngăn chặn diễn biến này:

“Ở Việt Nam có rất ít nghiên cứu về đom đóm, chứ đừng nói tới các chương trình hay hoạt động bảo tồn cho loài này.”

Vậy là sinh sau đẻ muộn chỉ vài con giáp, những người như tôi đã bỏ lỡ đoạn cuối của một kỷ nguyên và một tuổi thơ tràn ngập đom đóm. Vì bây giờ, đom đóm và đèn điện đã đổi vai. Một nguồn sáng xa xỉ, một kỷ niệm xa xăm mà muốn tìm lại phải đi sâu vào lòng thiên nhiên mới có thể tái ngộ.

Nếu có bao giờ may mắn được thấy loài vật này lần nữa, tốt nhất ta nên kiềm lòng mà không bắt lại (vì không còn bao nhiêu để mà bắt). Thay vào đó, hãy chỉ đứng từ xa chiêm ngưỡng, để biết thương cảm hơn cho số phận tương đồng giữa đom đóm và người: vụt sáng, rồi chợp tắt trong một vũ trụ bao la. Hay như những lời mà nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng ngẫm và viết: “Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng.”




1877158_1877157_cau_chuyen_mac_dinh_chi_hoc_bang_den_dom_dom_co_tinh_giao_duc_long_hieu_hoc_sau_sac_08414606_08430506.jpg
 
Bắt bỏ vỏ trứng đến mức tuyệt chủng.
 
đợi bắt đủ 800k con đom đóm từ nhỏ thì bạn bè nó tốt nghiệp đại học hết mẹ nó rồi
 
Hồi nhỏ tao và tụi ở xóm tối hay ra sân bắt đom đóm chơi, vui lắm. Nó bay chạy rượt theo bắt, bắt được rồi thì để trong lòng bàn tay cho nó phát sáng xong rồi thả cho nó bay đi. Còn nhớ có cây mù u tối nào đóm cũng đậu đầy cây, chóp nháy sáng nguyên cả cây rất đẹp. Hơn 30 năm trước chỗ xóm tao hay cúp điện, cả xóm có vài cái nóc nhà đèn dầu loe loét nên đom đóm nhiều lắm. Tối đến toàn ra sân nhà chơi (sân nhà tao rộng lắm), chơi đủ thứ trò chơi con nít thời ấy. Giờ thì tuổi thơ đã qua tự bao giờ và nhiêu thứ tươi đẹp cũng theo đó mà dần lùi xa vào quá khứ. Những đứa trẻ bây giờ thuộc thế hệ sau không còn thân thiện với nhau như trước, không còn tụ tập thả diều, chơi nhảy dây, bắn bi, đá cầu, đá banh,... Cha mẹ chúng nó mua cho cái điện thoại và thế là chúng chỉ cần biết ở nhà ôm cái điện thoại miết, đi chơi nhà bà con đám tiệc hay tết nhất cũng y như vậy chỉ biết có cái điện thoại, không biết ai nữa hết.
 
Chặt cây, phá hoại thiên nhiên thì chỉ còn loại đám đom đóm sống sót là của Trịnh Trần Phương Tứng thôi
 
Top