Đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn mại dâm

hầm bà lằng

Giang hồ mạng 5.0
Thời gian qua, nhờ nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành liên quan đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm nên tệ nạn này cơ bản được kiềm chế, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra điểm nóng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, để loại bỏ tệ nạn mại dâm ra khỏi đời sống xã hội cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành chức năng và toàn xã hội.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 700 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, trong đó có 400 khách sạn, nhà nghỉ, 266 cơ sở dịch vụ karaoke, 5 vũ trường và 37 cơ sở massage, tẩm quất. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường dùng nhiều thủ đoạn và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi như: Chủ chứa, chủ nhà nghỉ không trực tiếp nuôi, quản lý gái mại dâm mà thường giấu mặt điều hành gái bán dâm qua điện thoại; các đối tượng môi giới, gái bán dâm hoạt động tự do thường để lại số điện thoại liên lạc cho chủ nhà nghỉ, khách sạn, nhân viên lễ tân, bảo vệ... của khách sạn, nhà nghỉ để khi khách có nhu cầu thì sẽ liên hệ; người bán dâm, người mua dâm sử dụng các trang website, dịch vụ trực tuyến, “diễn đàn”, trang mạng xã hội như facebook, zalo, telegram... để đăng ảnh gợi cảm, làm quen, “chát sex” tìm đối tác mua, bán dâm... Thậm chí, để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng nhà nghỉ, khách sạn kiên cố, lắp đặt hệ thống camera giám sát và chỉ thực hiện hành vi môi giới mại dâm cho khách quen. Đối tượng bán dâm ngày càng có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi từ 18 - 35 tuổi, đa số xuất thân từ các vùng nông thôn nghèo, không nghề nghiệp, điều kiện gia đình khó khăn, lười lao động, thích ăn chơi, đua đòi.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống mại dâm, năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, chương trình phòng chống mại dâm, trong đó, giao Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể triển khai nhiều biện pháp phòng, ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mại dâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tệ nạn mại dâm đến địa bàn các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, nắm chắc số cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện liên quan đến hoạt động mại dâm; làm tốt công tác điều tra cơ bản, lên danh sách các đối tượng hoạt động mại dâm, đối tượng nghi vấn hoạt động mại dâm, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phát hiện vi phạm để đấu tranh, xử lý.

Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan có liên quan khởi tố 6 vụ án hình sự với 6 bị can liên quan đến mại dâm; tổ chức truy quét tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện, xử lý hành chính 6 đối tượng có hành vi bán dâm. UBND các huyện, thành phố cũng đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan thành lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra ít nhất 20% cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương treo 40 băng rôn tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các khu công nghiệp và các xã, phường, thị trấn, nơi đông dân cư; triển khai hơn 30 đợt tuyên truyền lưu động; in, cấp phát hơn 5.000 cuốn bản tin, trong đó có nội dung tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng nhiều phóng sự, chuyên trang, bài viết tuyên truyền về phòng, chống mại dâm.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép hoạt động phòng, chống mại dâm vào phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh ký cam kết không tiếp tay cho tội phạm ma túy, mại dâm; mở 12 buổi ngoại khóa tuyên truyền cho trên 10.000 học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường THPT, THCS về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn bán người với mục đích mại dâm và các biện pháp phòng, chống nhằm giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, ý thức phòng, ngừa tệ nạn mại dâm. Sở Tư pháp cũng đã xây dựng các chuyên mục “Pháp luật và đời sống”, “Giới thiệu văn bản, hỏi đáp pháp luật”, trong đó có nội dung về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo 100% Công đoàn cơ sở đưa nội dung công tác phòng, chống tệ nạn xã hội vào chương trình của đơn vị; tích cực đăng tải các tin, bài tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên fanpage, website Công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc…

Để tăng cường công tác phòng, chống mại dâm, các cấp, ngành, địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể Nhân dân trong công tác này. Tích cực lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như: Chương trình giảm nghèo; dạy nghề, giải quyết việc làm; công tác phòng, chống HIV/AIDS… Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xã hội đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; chủ động làm tốt các biện pháp quản lý, nhất là đối với các website, blog cá nhân để ngăn chặn tình trạng môi giới, chào hàng mại dâm; tăng cường hoạt động kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra hoạt động mại dâm.

Hoàng Phúc
 

Có thể bạn quan tâm

Top