
Gia Lai có "rừng vàng, biển bạc" sau sáp nhập, kỳ vọng hút khách du lịch
(Dân trí) - Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai hiện hữu sẽ là điểm đến lý tưởng kết hợp giữa vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên và nét quyến rũ của biển xanh, cát trắng, nắng vàng của miền “đất võ, trời văn”.
Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai hiện hữu sẽ là điểm đến lý tưởng kết hợp giữa vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên và nét quyến rũ của biển xanh, cát trắng, nắng vàng của miền “đất võ, trời văn”.
Sau sáp nhập Bình Định - Gia Lai, tỉnh Gia Lai hiện hữu với diện tích tự nhiên hơn 21.500 km2, trở thành địa phương lớn thứ hai cả nước. Sự kiện này mở ra không gian phát triển mới rộng lớn, quy mô hơn cho hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó du lịch được xác định là một trong năm trụ cột phát triển kinh tế.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh tiềm năng "rừng vàng, biển bạc" của tỉnh. Gia Lai hiện sở hữu hệ sinh thái du lịch độc đáo, kết hợp hài hòa giữa du lịch biển nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn, Kỳ Co - Eo Gió với du lịch sinh thái, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khám phá đại ngàn Kon Ka Kinh, Biển Hồ.

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Rơ Tu, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Phạm Hoàng).
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đồng bộ với cảng biển, sân bay, cao tốc, cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi để kết nối liên vùng, mở rộng thị trường và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu.
“Dư địa phát triển du lịch của tỉnh rất lớn, không chỉ về tài nguyên mà còn ở khả năng hình thành các chuỗi giá trị từ nông nghiệp kết hợp du lịch, du lịch thông minh đến phát triển các điểm đến đẳng cấp quốc tế.
Đây là cơ hội để du lịch Gia Lai vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực”, bà Hạnh khẳng định.

Biển Quy Nhơn, tỉnh Gia Lai thu hút du khách mỗi dịp hè (Ảnh: Doãn Công).
Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai đề xuất tỉnh cần nhận diện và định vị thương hiệu du lịch như "Gia Lai - nơi rừng và biển gặp nhau" hay "Gia Lai - một hành trình hai hệ sinh thái rừng và biển".
Việc xây dựng truyền thông bằng câu chuyện, hình ảnh giàu cảm xúc, lan tỏa trên các nền tảng số là rất cần thiết.
Hiệp hội cũng khuyến nghị xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt trên cơ sở các sản phẩm đã có, nghiên cứu kết hợp phát triển sản phẩm đặc trưng có cả rừng và biển, văn hóa các dân tộc trong tỉnh như các tour "lên rừng - xuống biển".
Đồng thời, cần xây dựng sản phẩm mới với định hướng đến từng thị trường, từng đối tượng khách, đặc biệt là hướng đến thị trường khách quốc tế. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng kênh quảng bá chung về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch của tỉnh Gia Lai mới trên các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo…