Giáo dục Mỹ: Người Việt có vị trí và cơ hội học tập thế nào?

Sinh viên Mỹ trong lễ tốt nghiệp

Nguồn hình ảnh,Getty Images

    • Tác giả,Bùi Văn Phú
    • Vai trò,Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Berkeley, California
  • 17 tháng 7 2025
Cuối niên học vừa qua, gia đình tôi có bốn cháu tốt nghiệp đại học, là con của các em. Hai cháu ra trường với bằng tiến sĩ và hai cử nhân. Ba cháu sinh ra lớn lên ở Mỹ, một cháu qua Mỹ 12 năm trước, cả bốn đều là nữ sinh.
"Giáo dục là chìa khóa mở cửa tương lai" là câu nói thường nghe được ở Mỹ để khuyến khích trẻ em hãy cố gắng học, lên đại học nếu có thể, không nên bỏ học ở bậc phổ thông.
Lãnh đạo Hoa Kỳ gần đây nhất đã khuyến khích người Mỹ theo đường học vấn là Tổng thống Barack Obama.
Tháng 7 năm 2009, chỉ ít tháng sau khi vào Bạch Ốc, trong bài diễn văn tại trường đại học cộng đồng Macomb Community College ở thành phố Warren, bang Michigan, ông đã khuyến khích học sinh nên học ít nhất một năm đại học, qua câu nói "Everyone should go to college" (mọi người nên vào đại học), mà những nhà giáo dục sau đó thường dùng để nhắc nhở các em học sinh và những ai muốn tiếp tục con đường học vấn sau khi học hết lớp 12.
Trình độ đại học mà Tổng thống Obama nhắc đến là đại học cộng đồng, những trường theo hệ 2 năm để sinh viên lấy bằng AA (Associate of Arts) hay AS (Associate of Science), tiếng Việt gọi là bằng cao đẳng, hay để học nghề. Chính quyền Obama đã chi 16 tỉ đô la giúp cải tiến hệ thống đại học này cho hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của nước Mỹ, khi nhiều việc làm đã theo các công ty ra nước ngoài. Nhưng có ý kiến cho rằng không phải ai cũng có thể học đại học mà cần có chính sách hướng dẫn học nghề từ những năm còn ở trung học.

Theo số liệu năm 2020 từ Bộ Giáo dục, Hoa Kỳ có 1.022 trường đại học cộng đồng với khoảng chín triệu sinh viên theo học và, ngoài bằng AA hay AS, nay có một số ít đại học cộng đồng cũng đã có chương trình cử nhân.
Một di dân vào Mỹ, tiếng Anh chưa biết và đủ 18 tuổi là có thể ghi danh học tại đại học cộng đồng. Học ESL trước và từ đó học nghề, nếu giỏi các môn căn bản để chuyển lên đại học bốn năm cũng sẽ có cơ hội. Nhiều người Việt khi mới qua Mỹ đã vào đại học cộng đồng trước khi chuyển trường để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ.
Một người cháu của tôi đã vào đại học theo đường này và vừa tốt nghiệp tiến sĩ toán thống kê từ Đại học U.C. Berkeley sau 12 năm đến Mỹ định cư.
Jada Gia Cát Lê tốt nghiệp cử nhân Đại học U.C. Davis năm 19 tuổi (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Nguồn hình ảnh,Bùi Văn Phú
Chụp lại hình ảnh,Jada Gia Cát Lê tốt nghiệp cử nhân Đại học U.C. Davis năm 19 tuổi
Chính sách giáo dục của Hoa Kỳ giúp cho mọi người, không phân biệt màu da, sắc tộc, giới tính, tôn giáo, di dân hợp pháp hay công dân đều có cơ hội học hết bậc cử nhân. Gia đình mà bố mẹ không có bằng đại học thì con còn được nâng đỡ để vào đại học.
Bang California với 39 triệu dân, đông nhất nước Mỹ, kinh tế phát triển đứng thứ tư trên thế giới (nếu tính là một nền kinh tế riêng biệt) và có nhiều trường đại học danh tiếng như U.C. Berkeley, U.C. Los Angeles, U.C. San Diego là trường công; Stanford, University of Southern California, California Institute of Technology là trường tư. Đây là những trung tâm giáo dục đào tạo chuyên viên kỹ thuật cho bang, cho vùng thung lũng điện tử Silicon Valley nơi đi đầu trong phát triển công nghệ thông tin.
Đa số người Việt đã chọn tiểu bang vàng California để định cư vì ở đây có nhiều cơ hội học hành, nhiều việc làm trong mọi ngành nghề.
Gia đình nghèo ở California với tổng thu nhập dưới 80.000 đô la mỗi năm thì con được trợ cấp tài chánh để đi học, dù là học đại học cộng đồng, có 116 trường, hay các đại học trong hệ thống California State University - 23 trường, hay University of California - 10 trường, thì bố mẹ không phải lo chi tiêu về giáo dục vì con em sẽ được trợ giúp từ quỹ liên bang và bang để trả học phí, ăn ở cho hết bậc cử nhân.
Nếu thu nhập của bố mẹ trên 80.000 và dưới 150.000 đô la, trợ giúp tài chánh sẽ theo tỉ lệ trong mức đó. Gia đình có thu nhập trên 150.000, con đi học đại học xem như phải tự lo mọi chi tiêu, chính phủ nếu có giúp chút gì thì là cho vay vài ngàn đô mỗi năm.
Nhiều gia đình người Việt, sau mấy chục năm ở Mỹ, đã có cuộc sống ổn định, thu nhập ở mức trung lưu nên con cái vào đại học bố mẹ phải lo hết mọi chi phí. Nếu vào học các trường California State University hay University of California phải chi từ 25-30.000 đô la cho một năm ăn học, học 4 năm cần 100-120.000, là số tiền không nhỏ.
Hết bậc cử nhân, học lên thạc sĩ hay tiến sĩ thì chi phí cho các đại học công ở California cũng không cao hơn bậc cử nhân nhiều lắm, nhưng chính phủ không còn những trợ giúp tài chánh cho sinh viên, chỉ cho vay tiền để đi học. Sinh viên có thể tìm việc làm trong phòng thí nghiệm, làm phụ giảng để có tiền phụ vào chi phí.
Học làm bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ hay luật sư chi phí rất cao, cần khoảng ba trăm ngàn đô la và đa số sinh viên phải vay tiền để đi học.
Nhưng giáo dục là đầu tư vào tương lai. Với bằng cử nhân khoa học kỹ thuật, việc làm ở California lương khởi đầu ít nhất cũng 60.000 đô la mỗi năm. Thu nhập của bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, luật sư trăm ngàn đôla mỗi năm nên thời sinh viên có phải vay tiền để đi học, tốt nghiệp ra đi làm thì trả nợ dài hạn cũng không khó khăn gì.
Ngày 16 tháng 6: Một sinh viên vẫy tay chào những người ủng hộ trong buổi lễ tốt nghiệp của Trường Sinh thái Xã hội tại Đại học California, Irvine (UC Irvine), ở thành phố Irvine, bang California, vào thứ Hai, ngày 16 tháng 6 năm 2025. (Ảnh: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register qua Getty Images)

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Sinh viên trong buổi lễ tốt nghiệp của Trường Sinh thái Xã hội, Đại học California, Irvine (UC Irvine) vào tháng 6/2025
Năm 2007 có luật giúp sinh viên xóa nợ vay khi đi học mang tên Public Service Loan Forgiveness. Theo luật này, sau khi tốt nghiệp nếu tìm được việc làm trong các chương trình mà chính phủ xác định có mục đích giúp ích đại chúng, sau 10 năm phục vụ và đã trả nợ tiền vay tối thiểu trong mười năm đó thì số nợ còn lại sẽ được xóa hết.
Mảnh bằng đại học giúp có việc làm vững chắc, lương cao, có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, nhưng không phải ai cũng muốn hay có khả năng học đại học.
Số liệu năm 2022 từ AAPIdata.org cho thấy ở tuổi 25 trở lên người gốc Á ở Mỹ có bằng cử nhân hay cao hơn như sau: Đài Loan 82%, Ấn Độ 77%, Malaysia 62%, Hàn Quốc 61%, Hoa 58%, Nhật 55%, Indonesia 53%, Philippines 52%, Thái 48%. Người Việt đạt 34% và chỉ hơn Myanmar 23%, Campuchia 22% và Lào 19%.
Dân số gốc Việt đông thứ tư trong nhóm các sắc dân châu Á ở Mỹ, sau người Hoa, Ấn Độ và Philippines, nhưng trình độ giáo dục của cộng đồng Việt không cao, chỉ hơn các sắc dân Myanmar, Campuchia và Lào.
Những con số trên cũng phản ánh trình độ giáo dục, mức phát triển kinh tế tại các quốc gia nguồn gốc của di dân.
Đáng chú ý về giáo dục Mỹ là số phụ nữ có trình độ đại học đã tăng lên. Số liệu năm 2020 của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho thấy 58% sinh viên đang học đại học là phái nữ.
Theo khảo sát năm 2024 của Pew Research Center, phụ nữ ở Mỹ tuổi từ 25 đến 34 có bằng cử nhân chiếm 47%, so với nam giới 37%. Những con số khác biệt về giới tính này cũng tương tự nếu phân chia theo chủng tộc: da trắng 52% nữ và 42% nam có bằng cử nhân, da đen 38%-26%, Hispanic (gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha) 31%-22% và châu Á 77%-71%.
Tiến sĩ Hương Vũ chụp ảnh kỉ niệm với gia đình và bạn tại Đại học U.C. Berkeley (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Nguồn hình ảnh,Bùi Văn Phú
Chụp lại hình ảnh,Tiến sĩ Hương Vũ chụp hình kỉ niệm với gia đình và bạn tại Đại học U.C. Berkeley
Tại nhiều quốc gia châu Á, như Trung Quốc và Việt Nam, trước đây người phụ nữ ít có cơ hội học lên đại học mà thường ở nhà lo cho con, lo cơm nước, chỉ người chồng ra đời làm việc.
Qua Mỹ có nhiều cơ hội và nếp sống bình quyền hơn nên phụ nữ đã có thể theo đuổi đường công danh sự nghiệp và đang vượt qua nam giới.
Với người Việt ở Mỹ, đi học không phải để ra "làm quan cả họ được nhờ" hay để vinh quy bái tổ "ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau" như có câu hát "Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng…" mà nhiều người Việt lớn lên tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 hẳn còn nhớ.
Thời Việt Nam Cộng hòa có một bài ca trào phúng tên Mảnh bằng chế giễu sự tôn thờ bằng cấp do ban AVT biểu diễn vang vang trên làn sóng Đài phát thanh Sài Gòn: "Cái bằng nó chỉ một gang thôi, mà sao con gái họ mê quá trời." Ca từ nói lên một nét của xã hội, nhưng nếu hát lên ở Mỹ có thể bị cho là kỳ thị giới tính.
Thập niên 1990, về nước tôi gặp nhiều người là cán bộ, công nhân viên cũng đang học thạc sĩ, tiến sĩ. Sau khi Mỹ bỏ cấm vận, gặp những phái đoàn doanh nhân Việt qua Mỹ tìm hiểu thị trường, tôi nhận danh thiếp của nhiều người có ghi TS hay PTS là tiến sĩ, phó tiến sĩ.
Vì xã hội quá coi trọng bằng cấp, mà phải là văn bằng cao nhất trong sự học nên ngày nay Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhưng đóng góp cho đất nước, cho nhân loại không có gì nhiều, vì là tiến sĩ học tại chức, nhiều tiến sĩ về hoạt động, xây dựng và bảo vệ Đảng ********.
Ở Mỹ thỉnh thoảng chúng ta nghe biết đến một vài người Việt có những công trình nghiên cứu nổi bật, hay cá nhân thành công trong các công ty danh tiếng, nhưng trình độ học vấn của người gốc Việt ở Mỹ cũng chỉ bằng với 35% của tổng thể dân Mỹ có trình độ cử nhân hay cao hơn.
Theo nghiên cứu năm 2024 của Pew Research Center, số người Việt có bằng cử nhân là 24% và 12% có bằng thạc sĩ hay cao hơn, trong khi nhìn cả cộng đồng châu Á số người có bằng cử nhân hay cao hơn là 56%.
Trong số người Việt, thế hệ thứ nhất có 29% học xong cử nhân hay cao hơn. Thế hệ sinh ra lớn lên tại Hoa Kỳ con số này là 59%. Như thế có thể lý giải là phụ huynh không có cơ hội học cao nhưng khuyến khích con theo đuổi đường học vấn cho tương lai.
Bốn người cháu trong gia đình tốt nghiệp năm nay là cử nhân ngành khoa học môi trường và ngành xã hội học, tiến sĩ là toán thống kê và dược khoa.
Cháu tốt nghiệp cử nhân Đại học U.C. Davis năm nay mới 19 tuổi, cũng học phổ thông, nhưng trong chương trình phối hợp giữa sở học chánh và đại học cộng đồng, vì thế các lớp cháu học của đại học cộng đồng đều được tín chỉ tương đương, như sinh viên từ đây chuyển trường vào đại học bốn năm. Bố mẹ đã tiết kiệm được một nửa chi phí vì cháu chỉ học hai năm đã xong cử nhân, thay vì bốn năm.
Nền giáo dục Mỹ rất mở và tự do học thuật là ngọn hải đăng dẫn đường nên đã đào tạo được nhiều người tài giỏi, giúp Hoa Kỳ phát triển và thu hút nhân tài của thế giới.
Nay nước Mỹ đang thay đổi theo chiều hướng không còn hấp dẫn cho di dân, du sinh, cho những nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia vì chính quyền Trump đã và đang tạo nhiều áp lực qua việc hủy bỏ chính sách DEI (Diversity, Equity, Inclusive - đa dạng, bình đẳng, hòa nhập), giới hạn tuyển du sinh, giới hạn tự do phát biểu liên quan đến xung đột Israel-Palestine hay những chính sách của Tổng thống Trump.
Hôm dự lễ tốt nghiệp khoa toán thống kê của người cháu tại Đại học U.C. Berkeley, có một điều đáng chú ý mà từ trước đến nay tôi không thấy có trong các lễ ra trường là trước khi khai mạc, người dẫn chương trình đã xác minh những phát biểu của diễn giả đều mang tính cách cá nhân, không phản ánh quan điểm của nhà trường.
Dù thế, một sinh viên đại diện cho các bạn tốt nghiệp đã nói về hành trình du học Mỹ của mình và phê bình việc đối xử với du sinh, di dân của chính phủ hiện hành. Một bạn khác phàn nàn về chính sách trao đổi sinh viên của trường vì có quá nhiều du sinh. Trong số 142 sinh viên nhận bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, hơn 80% mang tên gốc Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Việt Nam có ba.
Trong lễ tốt nghiệp của một cháu khác ở Đại học U.C. Santa Cruz, khi hiệu trưởng là Tiến sĩ Cynthia Larive phát biểu, đa số sinh viên đã lo ó phản đối. Tại sao thế? Vì từ khi có xung đột Israel-Palestine, bà đã giới hạn tự do biểu đạt trong trường và không quan tâm đến những đòi hỏi của sinh viên muốn nhà trường rút đầu tư khỏi các công ty hỗ trợ cho Israel chiếm đóng Gaza. Trong lễ tốt nghiệp năm ngoái, bà cũng đã bị la ó phản đối.
  • Tác giả Bùi Văn Phú tốt nghiệp Đại học U.C. Berkeley, hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California, Hoa Kỳ.
 

Có thể bạn quan tâm

Top