
Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội - cho rằng việc Hà Nội chỉ cấm xe xăng trong vành đai 1 sẽ gây xung đột về phương tiện giao thông. Trường hợp người dân ngoài khu vực vành đai 1 thì di chuyển bằng xe xăng, nhưng đến vành đai 1 thì phải gửi xe để di chuyển vào trong. Vậy thành phố có bố trí quỹ đất xây dựng các bãi đỗ xe ven vành đai 1 hay không?
Triển khai sớm hơn lộ trìnhTheo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7 của Thủ tướng Chính phủ, đến 1/7/2026, tại Hà Nội sẽ không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1. Từ 1/1/2028, không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong vành đai 3.
Ông Nguyễn Văn Trung (phường Đống Đa) cho rằng: Thời gian qua, Hà Nội luôn là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là do khí thải từ xe máy và các phương tiện giao thông khác. Do đó, việc cấm xe máy tại khu vực nội đô sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm của thành phố.
Bà Trịnh Thị Lưỡng (trú phường Thanh Xuân) cho rằng, thông tin Hà Nội cấm xe máy không phải là mới. Từ năm 2017 thành phố đã có chủ trương cấm xe máy và lộ trình đến năm 2030 sẽ cấm xe máy. Tuy nhiên, việc thành phố thực hiện sớm hơn so với lộ trình nên dư luận có phần bối rối là điều dễ hiểu.
PGS, TS. Bùi Thị An - nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng - cho rằng, quyết định cấm xe máy tại Hà Nội là phù hợp với xu thế phát triển bền vững của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng.

Phần lớn người dân sử dụng xe máy chạy xăng.
Theo bà An, nhiều năm qua Hà Nội thường xuyên nằm trong nhóm những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, đặc biệt là bụi mịn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng mà còn gây tổn hại tới hình ảnh của một Thủ đô đang hướng đến mục tiêu xanh - văn minh - hiện đại. Chính vì vậy, việc giảm phát thải từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy, là một trong những mục tiêu cấp thiết
Có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng việc Hà Nội cấm xe máy chạy xăng sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân.
Ông Trần Văn Thái (trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cho biết, gia đình hiện có 2 chiếc xe máy xăng để chạy chợ mưu sinh. Hằng ngày, vợ chồng ông dậy sớm đi lấy rau chợ đầu mối rồi mang vào các chợ dân sinh trong Vành đai 1 để bán. Trừ chi phí, trung bình mỗi ngày tiền lãi được khoảng 400.000 đồng/người. Số tiền đó, vợ chồng vừa đủ để lo cho 2 con ăn học và mẹ già trên 80 tuổi.
Khi nghe tin Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng, ông Thái tìm hiểu thấy giá xe máy điện hiện khá cao, trung bình từ 30-50 triệu đồng/chiếc. Nếu thành phố cấm, ông Thái phải mua ít nhất 2 chiếc với kinh phí khoảng 80 triệu đồng, một số tiền rất lớn với gia đình. Dù vậy, xe điện khó có thể chở hàng nặng, cồng kềnh như xe xăng nên sẽ ảnh hưởng đến việc mưu sinh của gia đình.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội - cho rằng, Hà Nội cấm xe máy xăng cần có chính sách đi kèm. Theo ông Minh, nhiều người vẫn sử dụng xe máy được sản xuất từ 20-30 năm trước, thậm chí đã hết thời gian sử dụng. Không phải họ không muốn đổi mà không có tiền để đổi xe.
Cũng theo ông Minh, việc Hà Nội chỉ cấm xe xăng trong vành đai 1 sẽ gây xung đột về phương tiện giao thông. Trường hợp người dân ngoài khu vực vành đai 1 thì di chuyển bằng xe xăng, nhưng đến vành đai 1 thì phải gửi xe để di chuyển vào trong. Vậy thành phố có bố trí quỹ đất xây dựng các bãi đỗ xe ven vành đai 1 hay không? Đó là chưa kể xe taxi chạy xăng hiện cũng nằm trong lộ trình chuyển đổi.
Ngoài ra, xe máy là phương tiện có giá trị nên thành phố cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi phương tiện; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và thực hiện.
Được biết, từ năm 2017, Hà Nội đã đặt ra lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ vào năm 2030 (Nghị quyết số 04 được HĐND TP. Hà Nội thông qua ngày 4/7/2017). Sau đó, thành phố đã giao các đơn vị chuyên môn xây dựng đề án liên quan, trong đó có Đề án Phân vùng hạn chế xe máy, năng lực phục vụ của hệ thống vận tải công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố quyết tâm thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Để thực hiện mục tiêu, Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, đầu tư hệ thống trạm sạc, nâng tiêu chuẩn an toàn tại các khu vực sạc tập trung, đồng thời phát triển mạnh vận tải công cộng.