Hàn Quốc cấm thịt chó: cả người và chó đối mặt rủi ro

Nhiều con chó từ các trang trại nuôi chó lấy thịt đối mặt với nguy cơ bị an tử

Nguồn hình ảnh,Hyunjung Kim/BBC News
Chụp lại hình ảnh,Nhiều con chó từ các trang trại nuôi chó lấy thịt đối mặt với nguy cơ bị an tử
    • Tác giả,Gavin Butler & Hyunjung Kim
    • Vai trò,BBC News
    • đưa tin từ Singapore và Seoul
  • 29 tháng 6 2025
Khi không rao giảng lời dạy của Chúa, Mục sư Joo Yeong-bong nuôi chó để giết thịt.
Công việc kinh doanh không được suôn sẻ. Thực chất còn đang đứng trên bờ vực trở thành bất hợp pháp.
"Kể từ mùa hè năm ngoái, chúng tôi cố gắng bán chó của mình, nhưng các thương lái cứ chần chừ. Không ai tới [mua] cả," ông Joo, 60 tuổi, chia sẻ với BBC.
Năm 2024, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện lệnh cấm toàn quốc đối với việc buôn bán thịt chó làm thực phẩm.
Luật mang tính bước ngoặt này, được thông qua vào tháng 1/2024, cho phép những chủ trại như ông Joo có thời gian đến tháng 2/2027 để đóng cửa trang trại và bán hết số động vật còn lại.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chừng đó thời gian là không đủ để loại bỏ một ngành công nghiệp đã nuôi sống nhiều thế hệ – và rằng giới chức vẫn chưa đưa ra các biện pháp bảo vệ đầy đủ cho các chủ trại hoặc khoảng nửa triệu con chó đang bị nuôi nhốt.
Ngay cả những người ủng hộ lệnh cấm, bao gồm các chuyên gia và nhà bảo vệ quyền động vật, cũng đã chỉ ra những vấn đề xung quanh việc thực thi – bao gồm thách thức tái định cư cho những con chó mà dù được cứu khỏi lò mổ lại phải đối mặt với nguy cơ bị an tử ngày càng cao.
Giữa thời gian ân hạn, những người nuôi chó lấy thịt đang phải đối mặt với việc có hàng trăm con vật gần như không thể bán được, không thể đóng cửa trang trại và có rất ít cách kiếm sống.
Ông Joo, người cũng là chủ tịch của Hiệp hội Thịt chó Hàn Quốc đại diện cho ngành, nói: "Người dân đang đau khổ. Chúng tôi đang chìm trong nợ nần không thể trả hết và một số người thậm chí còn không thể... tìm được công việc mới."
"Đó là một tình huống vô vọng."

Hàng loạt trở ngại​

Ông Chan-woo có 18 tháng để xử lý 600 con chó.
Sau đó, người nông dân 33 tuổi nuôi chó lấy thịt này – đã được đổi tên vì sợ bị phản đối – phải đối mặt với mức án lên tới hai năm tù.
Ông nói: "Thực tế, ngay cả ở trang trại của tôi, tôi cũng không thể giải quyết hết số chó tôi có trong thời gian đó. Đến giờ tôi đã đầu tư tất cả tài sản của mình [vào trang trại] - nhưng họ thậm chí còn không nhận chó."
Ông Chan-woo không chỉ ám chỉ tới những thương lái và những người bán thịt từng mua trung bình nửa tá chó mỗi tuần trước lệnh cấm được ban hành.
Ông cũng đang ám chỉ các nhà hoạt động vì quyền động vật và giới chức, những người theo quan điểm của ông, đã chiến đấu rất vất vả đề khiến việc buôn bán thịt chó trở thành phạm pháp, nhưng lại không có kế hoạch rõ ràng nào cho những con vật còn sót lại - ước tính gần 500.000 con, theo thống kê của chính phủ.
"Họ [giới chức] thông qua luật mà chẳng thực sự có kế hoạch gì, và giờ họ nói không nhận lũ chó."
Ông Lee Sangkyung, người quản lý chiến dịch tại tổ chức Humane World for Animals Korea (Hwak), cũng bày tỏ những lo ngại này.
"Mặc dù lệnh cấm thịt chó đã được thông qua, cả chính phủ và các tổ chức dân sự vẫn đang vật lộn với cách giải cứu những con chó còn lại," ông nói.
"Một vấn đề còn thiếu sót là thảo luận về những con chó bị bỏ lại."
Hwak là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hoạt động tại hơn 50 nước, bao gồm Hàn Quốc, hướng tới mục tiêu bảo vệ động vật và chống lại các hành vi ngược đãi động vật.
Một người phát ngôn báo chí nước ngoài từ Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn (Mafra) nói với BBC rằng nếu các chủ trang trại từ bỏ chó của họ, chính quyền địa phương sẽ tiếp nhận quyền sở hữu và quản lý chúng tại các khu tạm trú.
Tuy nhiên, việc tìm nhà mới cho chúng lại rất khó khăn.
Vì cân nặng đồng nghĩa với lợi nhuận trong ngành thịt chó, các trang trại có xu hướng nuôi các giống chó lớn.
Nhưng trong xã hội đô thị hóa cao của Hàn Quốc, nơi nhiều người sống trong các khu chung cư, những người muốn nuôi thú cưng thường muốn chó nhỏ.
Ông Lee nhận định rằng cũng có sự kỳ thị xã hội đối với những con chó từ các trang trại thịt, do lo ngại về bệnh tật và chấn thương tâm lý.
Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn vì thực tế là nhiều con chó trong các trang trại là giống thuần chủng hoặc lai Tosa-inu, một giống chó được xếp vào loại "nguy hiểm" ở Hàn Quốc và cần có sự chấp thuận của chính phủ để nuôi làm thú cưng.
Trong khi đó, các khu tạm trú giải cứu đã quá tải.
"Cơn bão" chướng ngại vật dữ dội này cho thấy một nghịch lý méo mó: vô số con chó được gọi là chó giải cứu, không còn nơi nào để đi, giờ đây phải đối mặt với viễn cảnh bị an tử.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố đã khiến việc nhận nuôi chó trở nên khó khăn trong xã hội Hàn Quốc

Nguồn hình ảnh,Hyunjung Kim/BBC News
Chụp lại hình ảnh,Sự kết hợp của nhiều yếu tố đã khiến việc nhận nuôi chó trở nên khó khăn trong xã hội Hàn Quốc
"Thật không thể tin được," ông Chan-woo nói.
"Vì luật được ban hành theo yêu cầu của các nhóm này, tôi cứ tưởng rằng họ đã có sẵn giải pháp cho lũ chó – kiểu như họ sẽ chịu trách nhiệm về chúng vậy. Nhưng giờ tôi nghe nói rằng ngay cả các nhóm bảo vệ quyền động vật cũng nói rằng an tử là lựa chọn duy nhất."
Vào tháng 9/2024, bà Cho Hee-kyung, người đứng đầu Hiệp hội Phúc lợi Động vật Hàn Quốc (KAWA), thừa nhận rằng trong lúc các nhóm bảo vệ quyền động vật cố gắng giải nhiều động vật nhất có thể, sẽ "có những con chó bị bỏ lại".
"Nếu những con chó còn lại trở thành 'động vật đi lạc và bị bỏ rơi', thì dù thật đau lòng, chúng sẽ bị an tử," bà nói.
Vài tuần sau đó, chính phủ đã tìm cách xoa dịu những lo ngại này, nói rằng việc an tử động vật "chắc chắn" không phải là một phần trong kế hoạch của họ.
Gần đây hơn, Mafra nói với BBC rằng họ đang đầu tư khoảng 6 tỷ won Hàn Quốc (khoảng 115 tỷ VND) hàng năm để mở rộng các địa điểm cứu trợ động vật và hỗ trợ các cơ sở tư nhân, đồng thời hỗ trợ tối đa 600.000 won Hàn Quốc (khoảng 11,5 triệu VND) đối với mỗi con chó cho những chủ trại đóng cửa cơ sở kinh doanh sớm.
Nhiều nông dân lên tiếng lo ngại về sinh kế của họ sau khi ngành công nghiệp thịt chó bị cấm

Nguồn hình ảnh,Hyunjung Kim/BBC News
Chụp lại hình ảnh,Nhiều nông dân lên tiếng lo ngại về sinh kế của họ sau khi ngành công nghiệp thịt chó bị cấm
Tuy nhiên, Hwak cho biết họ đã vận động Mafra "rất nhiều" để bộ này có một phần giải cứu rõ ràng trong kế hoạch loại bỏ ngành thịt chó.
Họ cũng chỉ ra rằng, trong khi Hwak đã tìm nhà mới cho gần 2.800 con chó từ các trang trại thịt chó ở Hàn Quốc kể từ năm 2015, không thể mong đợi các tổ chức từ thiện phúc lợi động vật sẽ tiếp nhận số lượng động vật khổng lồ đã tăng lên trong những năm qua.
Bà Chun Myung-Sun, giám đốc Văn phòng Giáo dục Y tế Thú y tại Đại học Quốc gia Seoul, đồng ý rằng kế hoạch của chính phủ về những con chó sót lại vẫn còn thiếu sót.
"Cần phải có một cuộc thảo luận cụ thể về cách 'xử lý' những con chó này," bà nêu.
"Cả việc nhận nuôi và an tử nên được xem xét. [Nhưng] nếu chúng ta đã nỗ lực giải cứu những con chó khỏi lò mổ tàn bạo chỉ để an tử chúng, thì việc mọi người cảm thấy đau lòng và tức giận là điều dễ hiểu."

Kế sinh nhai dần tan vỡ​

Một số người đã tìm kiếm giải pháp "xa xôi" hơn - gửi những con vật này ra nước ngoài đến cho những người sẵn lòng nhận nuôi hơn ở các quốc gia như Canada, Vương quốc Anh và Mỹ.
Vào năm 2023, một đội của Hwak đã giải cứu khoảng 200 con chó từ một trang trại ở thành phố Asan. Tất cả đã được gửi tới Canada và Mỹ.
Cựu chủ sở hữu của trang trại đó, ông Yang Jong-tae, 74 tuổi, nói với BBC rằng khi ông chứng kiến những người giải cứu đưa chó của mình lên xe tải, ông đã kinh ngạc trước mức độ nhân ái mà họ thể hiện.
"Khi tôi thấy cách họ đối xử với những con vật - như thể họ đang đối xử với con người vậy, rất nhẹ nhàng và yêu thương - điều đó thực sự làm tôi cảm động," ông chia sẻ.
"Chúng tôi không đối xử với chúng như vậy. Đối với chúng tôi, nuôi chó chỉ là một cách để kiếm sống. Nhưng những người từ nhóm bảo vệ động vật đó đã đối xử với những con chó như những cá thể có phẩm giá, và điều đó thực sự chạm đến trái tim tôi."
Một số tổ chức cứu hộ đã chọn cách gửi chó ra nước ngoài đến những nơi như Canada, Vương quốc Anh và Mỹ

Nguồn hình ảnh,Hyunjung Kim/BBC News
Chụp lại hình ảnh,Một số tổ chức cứu hộ đã chọn cách gửi chó ra nước ngoài đến những nơi như Canada, Vương quốc Anh và Mỹ
Nhưng ông Yang cũng nhanh chóng nói thêm rằng ông không đồng tình với lệnh cấm nuôi chó lấy thịt.
"Nếu thịt chó bị cấm vì chó là động vật, vậy tại sao lại được phép ăn các loài động vật khác như bò, lợn hay gà? Nó cũng giống nhau thôi. Những thứ này tồn tại trong tự nhiên để con người sống dựa vào."
Theo bà Chun, ăn thịt chó không giống như ăn các loại thịt khác. Bà chỉ ra rằng thịt chó tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn xét từ góc độ an toàn thực phẩm và vệ sinh – đặc biệt là ở Hàn Quốc, nơi thịt chó chưa được tích hợp vào hệ thống sản xuất thịt chính thức và có quy định.
Theo Hwak, thịt chó cũng được tiêu thụ ở các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Lào, Myanmar, một số vùng ở đông bắc Ấn Độ và một vài quốc gia ở châu Phi.
Nhưng trong khi tỷ lệ tiêu thụ dao động trong suốt lịch sử Hàn Quốc, thì trong những năm gần đây, nó ngày càng trở thành điều cấm kỵ ở Hàn Quốc.
Một cuộc thăm dò của chính phủ vào năm 2024 cho thấy chỉ 8% số người được hỏi cho biết họ đã thử thịt chó trong 12 tháng trước đó – giảm từ 27% vào năm 2015.
Khoảng 7% cho biết họ sẽ tiếp tục ăn thịt chó cho đến tháng 2/2027, và khoảng 3,3% cho biết họ sẽ tiếp tục sau khi lệnh cấm có hiệu lực hoàn toàn.
Kể từ khi lệnh cấm được công bố, 623 trong số 1.537 trang trại nuôi chó lấy thịt ở Hàn Quốc đã đóng cửa.
Bà Chun nói: "Khi xã hội và văn hóa đã phát triển, xã hội Hàn Quốc quyết định ngừng sản xuất thịt chó."
Một số người ủng hộ lo ngại về điều gì có thể xảy ra trong dài hạn đối với những con chó được cứu hộ

Nguồn hình ảnh,Hyunjung Kim/BBC News
Chụp lại hình ảnh,Một số người ủng hộ lo ngại về điều gì có thể xảy ra trong dài hạn đối với những con chó được cứu hộ
Dù vậy, đối với nhiều người, thịt chó vẫn là nền tảng của một ngành công nghiệp mà họ đã xây dựng cuộc sống của mình.
Mỗi thành viên trong ngành buôn bán thịt chó mà BBC đã phỏng vấn đều bày tỏ sự không chắc chắn về việc họ sẽ tự nuôi sống bản thân như thế nào khi mà kế sinh nhai lâu năm của họ đã bị coi là bất hợp pháp.
Một số người nói rằng họ từng cam chịu cuộc sống đói nghèo, lưu ý rằng họ được sinh ra trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên và biết cách sống trong đói kém.
Những người khác gợi ý rằng việc buôn bán có thể sẽ ngầm diễn ra.
Tuy nhiên, nhiều người đồng ý rằng đối với những chủ trại trẻ tuổi, cuộc truy quét này đặc biệt đáng lo ngại.
Ông Joo nói: "Những người trẻ trong ngành này thực sự đang đối mặt với một thực tế khắc nghiệt. Vì họ không thể bán chó, họ cũng không thể nhanh chóng đóng cửa. Họ bị mắc kẹt, không có lối đi nào cả."
Chan-woo nhớ lại rằng khi ông bắt đầu làm việc trong ngành này một thập kỷ trước, ở tuổi 23, "nhận thức về thịt chó không tiêu cực đến thế".
Ông nói thêm: "Tuy nhiên, đã có một số ý kiến từ những người xung quanh tôi, vì vậy ngay cả khi đó tôi cũng nhận ra rằng đây không phải là thứ tôi có thể làm suốt đời."
Lệnh cấm đến nhanh hơn ông tưởng – và kể từ khi nó được công bố, "việc kiếm sống trở nên vô cùng bấp bênh," ông chia sẻ.
"Tất cả những gì chúng tôi hy vọng bây giờ là thời gian ân hạn có thể được kéo dài để quá trình [giải quyết những con chó còn lại] có thể diễn ra từ tốn hơn."
Nhiều người khác cũng đang hy vọng điều tương tự.
Nhưng khi ngành công nghiệp thịt chó đã bị tước khỏi tay những người phụ thuộc vào nó, ông Joo không thể không có một suy nghĩ nghiệt ngã: rằng một số chủ trại có thể không chịu đựng được sự bấp bênh này lâu hơn nữa.
Ông nói: "Hiện tại, mọi người vẫn đang cố gắng bám trụ, hy vọng có điều gì đó có thể thay đổi – có thể thời gian ân hạn sẽ được kéo dài. Nhưng đến năm 2027, tôi thực sự tin rằng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra."
"Cuộc sống của rất nhiều người đã hoàn toàn tan nát."
 
Top