Hàng chục người ở Việt Nam nhiễm giun rồng, bệnh hiếm thế giới

Don Jong Un

Xamer mới lớn
Vatican-City
Giun rồng, một bệnh hiếm gặp trên toàn cầu, vốn chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một số nước Châu Phi, nhưng nay tại Việt Nam đã ghi nhận 27 trường hợp được công bố.

Hôm 30 Tháng Sáu, đại diện bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt Rét-Ký Sinh Trùng-Côn Trùng Trung Ương, cho biết một bệnh nhân xuất hiện triệu chứng cách đây hai tháng.

Con giun rồng dài được lấy ra từ chân bệnh nhân Nguyễn Xuân Q., ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. (Hình: T.Lam/Tuổi Trẻ)
Kể với báo Tuổi Trẻ, bệnh nhân Nguyễn Xuân Q., 43 tuổi, ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết ban đầu chỉ nghĩ vết sưng đỏ ở chân là nhọt, nhưng khi bóp mủ, anh phát hiện một con giun trắng, thân dẹt, dài ngoằng bên trong. Hoảng sợ, ông Q. tiếp tục nặn và kéo ra thêm một con giun dài tới 70 cm nhưng bị đứt đoạn.


“Có lần tôi tự kéo hết một con, đầu nó còn ngọ nguậy,” ông Q. rùng mình nhớ lại.

Nghe tin làng bên cũng có người bị giun rồng, ông Q. mới đi khám bệnh.

Kết quả siêu âm tại bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho thấy rõ hình ảnh giun rồng ẩn dưới da. Bác sĩ đã kê đơn kháng sinh phòng nhiễm trùng, thuốc chống viêm, giảm đau và giảm phù nề cho đến khi toàn bộ giun được lấy ra.

Giun rồng là bệnh hiếm gặp toàn cầu. Đến năm 2024, bệnh giun rồng chỉ còn tồn tại ở năm nước Châu Phi (Angola, Chad, Ethiopia, Mali, Nam Sudan) và Việt Nam.

Tại Việt Nam, từ năm 2020-2024 đã ghi nhận 24 trường hợp bệnh ở năm tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa và Yên Bái.

Vài ngày trước, tại Trung Tâm Y Tế Tân Sơn, Phú Thọ phát hiện một ca giun rồng ở bệnh nhân nam 44 tuổi, đi khám do sốt cao, bắp tay sưng to, ngứa nhiều. Đó là ca bệnh thứ 26 được ghi nhận. Đa số bệnh nhân là nam giới có thói quen ăn thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín.

Với ca bệnh trên, Bác Sĩ Trần Huy Thọ, phó giám đốc bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết nguyên nhân đang được điều tra, nhưng các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng từ việc uống nước suối có bọ chét.

Theo Bác Sĩ Đỗ Trung Dũng, trưởng Khoa Ký Sinh Trùng bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhận định số lượng ca nhiễm tại Việt Nam khá lớn đối với một bệnh hiếm gặp.

Ông Dũng cho rằng, cần nghiên cứu dịch tễ để xác định nguyên nhân và triển khai các hoạt động giám sát.

Giun rồng lây lan qua đường tiêu hóa, xâm nhập cơ thể từ nước uống hoặc thực phẩm sống chứa ấu trùng, đặc biệt là các loài thủy sinh như cá, ếch, nhái và tôm
Hình ảnh người bệnh mắc giun rồng ở tỉnh Phú Thọ. (Hình: Tuổi Trẻ)
Người nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng trong năm đầu. Khi giun cái di chuyển và phát triển trong mô dưới da, bệnh nhân sẽ sốt nhẹ, ngứa, buồn nôn, tiêu chảy và sưng đỏ tại vùng nhiễm. Vết tổn thương thường sưng tấy, tiết dịch vàng và lộ đầu giun trắng khi giun cái thoát ra ngoài.

Hiện chưa có xét nghiệm sớm, thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh giun rồng. Phương pháp điều trị chính là gắp toàn bộ giun ra ngoài, cần thực hiện từ từ để tránh đứt giun.

Tuy nhiên, nhiều người tự chữa bằng cách như kéo giun giữa chừng, gây phản ứng viêm mạnh hoặc biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm khớp, áp xe, thậm chí di chứng thần kinh vĩnh viễn nếu giun xâm nhập vào khớp hoặc cột sống.

Cách phòng ngừa tốt nhất là bảo đảm vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi, đặc biệt nấu kỹ các loại thực phẩm thủy sinh.

Người mắc bệnh cần tránh tắm ở các nguồn nước tự nhiên để ngăn phát tán ấu trùng ra môi trường. Băng bó và làm sạch vết thương cho đến khi lấy hết giun cũng rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng
 

Có thể bạn quan tâm

Top