

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
14 tháng 7 2025
Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen nói rằng ông Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng Thái Lan, đã có "hành vi phản quốc".
"Thaksin, hãy nhớ rằng ông đã lén đưa tôi tài liệu khi chính phủ của ông còn đang cầm quyền. Thaksin, đừng hiểu lầm, ông đã sai. Hôm qua tôi đã đăng một thông điệp, hôm nay tôi chỉ nói thêm một chút. Thaksin, đừng hiểu lầm, ông là kẻ ngốc vì yêu người sai cách. Ông đã lầm to.
"Nếu không có Hun Sen, Thaksin không thể vào được đất nước này, cũng không thể tới Đông Nam Á... Thaksin, chính ông là người phản bội nhân dân Thái Lan, tôi có tài liệu trong tay, tôi có thể nói liên tục 3 đến 4 tiếng đồng hồ."
Ông Hun Sen đã đưa ra những phát biểu này trong phiên họp bất thường của Thượng viện Campuchia diễn ra vào ngày 14/7.
Khác với những lời tố cáo chung chung trước đây, lần này ông Hun Sen tiết lộ chi tiết hơn, khi nói rằng đã nhận từ ông Thaksin một tài liệu về đường số 68 - tuyến đường nối từ cửa khẩu biên giới Chong Chom đến tỉnh Oddar Meanchey của Campuchia với tổng chiều dài hơn 113 km.
"Năm 2010, tôi tuyên bố rằng tôi sẽ không nhận tiền từ Thái Lan để xây đường số 68. [Thaksin] đã gọi cho tôi và hỏi vì sao tôi không nhận khoản tiền đó. Tôi nói: không..."
Hun Sen nói rằng liên quan đến vụ này, ông đã nhận được tài liệu từ ông Thaksin. Lãnh tụ Campuchia cũng nói sở dĩ ông làm căng là vì muốn giải quyết rốt ráo vấn đề tranh chấp biên giới.
"Tôi và tờ báo Nikkei từng đưa ra dự đoán vì sao Hun Sen lại làm như vậy. Cuối cùng, tờ Nikkei đã kết luận đúng: Hun Sen làm vậy vì muốn giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới còn tồn đọng khi vẫn còn đang tại nhiệm. Đúng vậy, tôi muốn giải quyết vấn đề đó."
Theo tờ The Nation của Thái Lan, vào năm 2009, Thái Lan đã cung cấp khoản vay trị giá hơn 1,4 tỷ baht để hỗ trợ việc sửa chữa Quốc lộ số 68.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, căng thẳng xung quanh khu vực đền Preah Vihear đã leo thang thành xung đột biên giới. Campuchia đã rút khỏi thỏa thuận vay, với lý do nước này có đủ nguồn lực tài chính để tự thực hiện dự án.
Trước khi đưa ra những tuyên bố trên, ông Hun Sen vào ngày 13/7 đã có một bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân, trong đó cáo buộc ông Thaksin vào ngày 15/6 đã nhắn tin qua ông Khlang Huot – một trợ lý thân cận của Hun Sen – để nói rằng ông Anutin Charnvirakul cần phải bị loại bỏ để Đảng Pheu Thai có thể kiểm soát Bộ Nội vụ.
Ông Anutin Charnvirakul là Chủ tịch đảng Bhumjaithai và thời điểm đó đang là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nội vụ.
"Cá nhân tôi không hề ngạc nhiên trước sự phản bội của Thaksin. Ông ta còn phản bội chính đất nước mình, thì việc phản bội một người khác quốc tịch như tôi cũng không có gì lạ.
"Nhưng Thaksin không nên quên những điều mà ông ta đã từng tâm sự với tôi, những lần nhờ tôi tư vấn – từ việc yêu cầu thay bộ trưởng quốc phòng trong vòng 24 giờ, cho đến những lời lẽ xúc phạm hoàng gia Thái Lan...," ông Hun Sen viết.
Xúc phạm hoàng gia là một trọng tội ở Thái Lan, với án tù có thể lên tới 15 năm.
Cách đây vài ngày, ông Thaksin tuyên bố mối quan hệ giữa ông và ông Hun Sen "đã chấm dứt".
Vị cựu Thủ tướng Thái Lan khẳng định bản thân đã sai lầm vì đã tin tưởng ông Hun Sen khi nói tới đoạn ghi âm bị rò rỉ giữa vị lãnh đạo Campuchia và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra khiến bà bị đình chỉ chức vụ.
Bà Paetongtarn bị điều tra, ông Thaksin bị nghi ngờ
Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) của Thái Lan hôm 14/7 đã quyết định mở một cuộc điều tra toàn diện sau khi tiến hành điều tra sơ bộ liên quan tới những cáo buộc vi phạm đạo đức đối với bà Paetongtarn, theo tường thuật của một số cơ quan báo chí Thái Lan.Theo Bangkok Post, nếu hội đồng điều tra kết luận có đủ bằng chứng, bà Paetongtarn có thể chính thức bị truy tố và vụ việc sẽ được chuyển lên một bộ phận của Tòa án Tối cao để xét xử.
Trong các vụ tương tự trước đây, tòa án từng đưa ra phán quyết cấm suốt đời một số chính trị gia Thái Lan giữ chức vụ công hay tranh cử.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/7, tờ Bangkok Post đưa tin rằng nhà hoạt động chính trị Jatuporn Prompan nghi ngờ đang có một "thỏa thuận ngầm" giữa ông Thaksin và phía Campuchia.
Ông Jatuporn nói tới ba sự kiện diễn ra đồng thời trong thời gian gần đây, gồm việc Dự luật Khu phức hợp giải trí (nhằm hợp pháp hóa sòng bạc) đột ngột được rút lại, bài phát biểu của ông Thaksin tại một sự kiện "Mỗi xã một sản phẩm" (One Tambon One Product) ca ngợi chiến lược "quyền lực mềm", và các phát ngôn của ông Thaksin về tình trạng bế tắc chính trị hiện tại trong một diễn đàn do Tập đoàn truyền thông Nation tổ chức.
Ông Jatuporn cho rằng việc tất cả các sự kiện này cùng xảy ra trong một ngày là điều khó có thể là ngẫu nhiên, đặc biệt là việc thúc đẩy sáng kiến "quyền lực mềm" – điều có thể được xem là nhằm hỗ trợ con gái ông Thaksin là bà Paetongtarn.
Ông Jatuporn nhận định rằng sự trùng hợp của những sự kiện này có vẻ như là kết quả của một vở kịch chính trị tinh vi.
"Nếu đây là một vở kịch chính trị, thì nó đang được dàn dựng một cách vô cùng điêu luyện," ông nói. "Người dân Thái Lan không nên vội tin vào những ảo ảnh chính trị này."
Ông Jatuporn cảnh báo rằng nếu ông Hun Sen giữ im lặng trước những phát ngôn của ông Thaksin, sự im lặng đó có thể ám chỉ một thỏa thuận ngầm – chẳng hạn như việc rút dự luật sòng bạc để đổi lấy sự yên ổn trên chính trường.
Ông kêu gọi dư luận theo dõi sát sao phản ứng của ông Hun Sen và nói:
"Nếu Hun Sen hoàn toàn im lặng, điều đó làm dấy lên nghi ngờ về một thỏa thuận. Nhưng nếu ông ấy đáp trả, điều đó cho thấy không có trao đổi ngầm nào cả."