Don Jong Un
Xamer mới lớn


Toàn cảnh Nhà máy lọc dầu và Cảng nước sâu Dung Quất. (Hình: Thanh Niên)
Các công trình cảng biển nước sâu có thể đón những con tàu trọng tải tới 200-300,000 DWT lui tới, cùng với đó là các Khu kinh tế biển lớn của Việt Nam, như Dung Quất (Quảng Ngãi), Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), Nhơn Hội (Bình Định), Gò Gia (Cần Giờ-Sài Gòn) đã và đang được hình thành và phát triển, làm thay đổi diện mạo kinh tế đất nước, đặc biệt tại khu vực miền Trung vốn đói nghèo, chậm tiến.
Đó chính là kết quả từ những công trình nghiên cứu và đề xuất của một nhà khoa học không phải là đảng viên ******** – Tiến Sĩ Trương Đình Hiển.
Từng sống, từng đi dọc ngang các vùng biển Việt Nam suốt nhiều năm tháng, mới thấu hiểu công sức và nhất là tâm tư của Tiến Sĩ Trương Đình Hiển – người dám khước từ ******** để tự do sống với khoa học. Ông từng nói: “Khoa học là thước đo chân lý khách quan, không thể bẻ cong để phục vụ chế độ, phục vụ những ý đồ chủ quan của những người lãnh đạo thiếu kiến thức, năng lực và trình độ chuyên môn.” Vì thế, cả đời ông kiên quyết không chịu vào đảng, và chấp nhận những thiệt thòi trên đường thăng tiến. Trong khi các tiến sĩ, giáo sư khác là đồng sự trong các trung tâm hay viện nghiên cứu nơi họ từng làm việc, (nay là Viện Hàn Lâm Khoa Học-Kỹ Thuật), lại được tôn vinh, kính trọng trong nền học thuật.
‘Cha đẻ’ ra Dung Quất
Tiến Sĩ Trương Đình Hiển là người Hội An (Đà Nẵng), nhưng theo cha từ chiến trường Phú Yên tập kết ra bắc lúc mới lên 10. Ông được đưa sang Trung Quốc học phổ thông, sang Nga học đại học, tốt nghiệp phó tiến sĩ chuyên ngành thủy hải văn.
“Các chi bộ đảng du học sinh bấy giờ đã nhiều lần đưa mình vào hàng ngũ đối tượng đảng, nhằm kết nạp mình vào đảng, nhưng mình cứ lần lữa tìm cách khước từ, anh em đồng môn đều cho rằng mình dại dột, bỏ những cơ hội thuận lợi mà nhiều người mong ước. Về nước, làm việc ở nơi này, nơi khác cũng thế, đảng hoàn toàn không có chút gì trong tâm trí mình cả,” ông từng thổ lộ.
Về nước sau hơn 10 năm làm việc tại Viện Hàn Lâm Liên Xô, ông đã từng làm việc ở Viện Hải Dương (Nha Trang), là kỹ sư trưởng tại Vietso Petro (Liên doanh Dầu khí Việt Xô- Vũng Tàu), Viện Vật Lý (Trung Tâm Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam (nay là Viện Hàn Lâm). Cuối cùng, ông chia tay tất cả “vì ở đó người ta làm khoa học không phải vì khoa học, mà vì lợi ích cá nhân hoặc bè nhóm,” ông nói.
Năm 1995, ông tự bỏ tiền túi, khoảng 15 lượng vàng lúc đó, để mua sắm một số trang thiết bị, máy tính, thuê văn phòng riêng, tập họp một vài thân hữu cùng tiến hành các công trình nghiên cứu liên quan tới vùng biển Việt Nam.
Trước đó, năm 1987, vào dịp kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng 10 (Nga), Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cho in và phát hành cuốn sách “70 công trình khoa học thành tựu tiêu biểu của Liên Xô và các nước ********,” trong đó ông là người Việt Nam và cũng là người ngoại quốc duy nhất, có hai công trình được chọn giới thiệu. Hình công trình của ông còn được dùng trang trọng ngay bìa sách. Đó là công trình “Tính toán, chọn lựa địa điểm phóng và thu hồi các con tàu không gian, vũ trụ của Liên Xô. Thời gian ở Liên Xô, ông còn là tác giả dự án chỉnh trị sông Hoàng Giang (Trung Quốc).
Tiến Sĩ Hiển và các đồng sự như ông Bùi Quốc Nghĩa (sau này cũng trở thành tiến sĩ), Thạc Sĩ Trần Văn Sâm, sau vài năm khảo sát, tiến hành các đo đạc thực địa đã viết dự án “Chọn địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên, cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất,” hoàn toàn bằng tiền túi. Dự án này bị lãnh đạo Quảng Ngãi, Bộ Giao Thông-Vận Tải phớt lờ, nguyên nhân chính là không được thực hiện bởi các bộ, ngành liên quan. Tuy vậy, ông kiên trì tìm cách đưa tới tận tay Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Sau mấy lần trình bày dự án với đầy đủ các nghiên cứu rất chi tiết, dự án được bật đèn xanh.
Rất nhanh chóng, tập đoàn dầu khí Total (Pháp) đã vào liên doanh với phía Việt Nam để tiến hành dự án nhà máy lọc dầu. Đang tiến hành trôi chảy, Total đặt vấn đề tăng vốn, với lý do kỹ thuật cần phải xử lý nền móng rất tốn kém, mà mục đích chính là muốn nâng tỷ lệ góp vốn của mình lên áp đảo (do Việt Nam lúc đó chỉ có thể góp vốn bằng giá trị đất rất rẻ), tiến tới thu toàn bộ dự án về mình. Ông Hiển vạch ra những sai trái của Total, và họ đành rút lui.
Các phương tiện thông tin lúc ấy, đều cho rằng Total rút vì dự án không khả thi, thiếu hiệu quả. Thực tế, các thông tin này được chỉ đạo giấu sự thật là do Total có biểu hiện gian dối, để không ảnh hưởng tới quan hệ Việt –Pháp), vì Total là công ty quốc doanh của Pháp). Total sau đó mời Tiến Sĩ Hiển và ông Bùi Quốc Nghĩa sang Pháp đàm phán và đề nghị ông về làm việc cho Total. Nhưng ông Hiển từ chối.
Hơn 10 năm trước, nhà máy lọc dầu, cảng nước sâu, khu công nghiệp năng Dung Quất hoàn thành, đi vào hoạt động, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo vào hạng đầu miền Trung có nguồn thu ngân sach mỗi năm từ 3,000-5,000 tỷ đồng, vọt lên hàng năm, bảy chục ngàn tỷ đồng, hàng năm dư thừa cho nhu cầu phát triển và còn chi viện về trung ương.’
Quan trọng và đáng nói hơn cả, là sau Dung Quất, kinh tế xã hội Quảng Ngãi đã thay đổi hoàn toàn, người dân không còn cảnh “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm,” hàng loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhỏ phát triển. Dung Quất cũng kéo theo các tỉnh, thành lân cận cùng đi lên như Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Bình Định, Phú Yên

Tiến Sĩ Hiển bị cướp công như thế nào?
Lúc khởi sự Dung Quất, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi còn không biết Dung Quất nằm ở chỗ nào trên tấm bản đồ lớn treo ngay sau chỗ ngồi. Tiến Sĩ Hiển đề nghị họ cùng tới thực địa. Không có đường đi, phải vừa đi vừa dò đường, tới nơi đứng trước vùng biển hoang sơ, chung quanh chỉ là những cồn cát, những ngọn đồi trơ trụi chỉ cỏ dại, một số nơi dân trong vùng trồng khoai, đào lên củ chỉ bằng ngón chân cái. Họ ngờ vực, không thể tin rằng nơi đây sẽ là bệ phóng cho tỉnh. Bởi các bản quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh từ 1995-2000, do các bộ, ngành soạn thảo được chính phủ phê duyệt đều xác định “Quảng Ngãi không có hướng phát triển nào khác, ngoài tiếp tục nông nghiệp và phải được trung ương hỗ trợ các nguồn.”
Bữa ăn sáng ngay tại nhà khách tỉnh, dọn lên cho ông và các vị khách khác ngày ấy cũng chỉ có khoai lang, khoai mì và bắp luộc.
Đến ngày Dung Quất rộn ràng với các công trình lớn nhỏ đi vào hoạt động, các quan chức ban đầu đã về hưu, nhưng vẫn còn không ít thế lực. Họ bắt đầu giành công, nhất là các ông cựu chủ tịch, phó chủ tịch luôn nhận mình là cha đẻ của dự án. Các ông hùa nhau, họp bàn nội bộ rồi làm hồ sơ đề nghị thủ tướng Chính Phủ, Nhà nước cấp bằng khen, huân chương cho họ, với tư cách là “tác giả các dự án Dung Quất,” họ chỉ ghi tên thêm ông vào danh sách chung với nhiều cán bộ khác diện “người có tham gia.”
Tiến Sĩ Hiển biết chuyện, nhưng không buồn, và khi nhận được bằng khen gởi từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn, ông gởi trả lại, không nhận. Có người cho rằng ông quá kiêu ngạo. Có thể họ không biết ông đã thẳng thừng từ chối cho ông Trương Quang Được, lúc đang là bí thư tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, được ghi tên vào gia phả họ Trương tại nhà thờ họ tại Hội An. Ông nói: “Đâu phải có chút chức vụ, quyền uy là được gia nhập vào dòng họ, mà phải là người có công trạng thực sự với dòng họ, với đất nước!”
Một dự án khác thuộc loại lớn nhất nước, là dự án xây dựng Cảng Trung chuyển Container tại Gò Gia (Cần Giờ, Sài gòn) được Tiến Sĩ Hiển đệ trình hơn 10 năm trước, nhưng không ai bén mảng quan tâm. Gần đây người ta thấy một cảng biển container quy mô lớn tại khu vực Cần Giờ này, phải chăng đã có những bàn tay thủ thuật cắn đầu, cắt đuôi, thêm giữa từ công trình nghiên cứu của Tiến Sĩ Hiển?
Tiến Sĩ Trương Đình Hiển mất năm 2020 sau một cơn bạo bệnh. Đám tang ông, trừ những thân nhân và bạn hữu từng đồng hành với ông, tỉnh Quảng Ngãi chỉ có một đại diện là phó ban quản lý Khu Kinh Tế Dung Quất vào viếng, với một vòng hoa nhỏ.