Khổ tâm con chọn ngành theo bạn, không nghe ba mẹ

Cha mẹ định hướng ngành này nhưng con quyết chọn ngành kia là câu chuyện khá phổ biến của nhiều nhà mỗi khi vào mùa tuyển sinh.

1713754571206.png


Phụ huynh đặt câu hỏi tại chương trình “Cùng con chọn trường” vào sáng 21-4 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đó cũng là một trong những nội dung được chia sẻ nhiều tại chương trình tư vấn "Cùng con chọn trường" diễn ra vào sáng 21-4.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Băn khoăn chọn ngành, nghề

Anh Trần Trọng Dương, phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức, TP.HCM), cùng vợ đến chương trình từ rất sớm. Anh chia sẻ gia đình đã có sẵn một số nền tảng, anh làm trong ngành vận tải logistics, muốn con học theo ngành để có thể tiếp tục phát triển, nhưng con không thích.

Còn mẹ định hướng học các ngành kinh tế thì con nói do thấy mẹ thường phải tính toán, làm việc với các con số quá cực nên không muốn nối nghiệp. Con anh cũng không muốn học ngành kỹ thuật và chỉ có đam mê lớn về thể thao.

"Tôi thấy nhiều thí sinh đến nay có vẻ vẫn còn mơ hồ trong chuyện chọn ngành, chọn nghề. Nhiều em bị tác động nhiều bởi ý kiến của bạn bè hơn là theo người lớn" - anh Dương nói.

Trong khi đó, cô Ung Thị Mỹ Uyên, phụ huynh có con học lớp 12 tại Q.4 (TP.HCM), nán lại đến cuối chương trình tư vấn để được gặp trực tiếp các thầy cô cho ý kiến về hoàn cảnh của mình.

Hiện tại, cô và con trai liệt kê được ba ngành học: kỹ thuật ô tô, marketing và sư phạm thể dục thể thao. Ngành kỹ thuật ô tô con chọn theo sở thích, ngành marketing là gia đình định hướng dựa vào nhu cầu xã hội, còn thể dục thể thao là theo sở trường của con.

Vấn đề là ba ngành này quá khác biệt, nghe qua tưởng chừng không... dính dáng gì với nhau. Cô Uyên tâm sự chưa biết nghiêng về phương án nào...

Còn bạn Công Duy, học sinh lớp 12 Trường Vinschool (TP.HCM), cùng mẹ đến với chương trình. Công Duy kể thời gian qua bạn là người thường chủ động tìm hiểu ngành học mà mình muốn học, sau đó đưa ra cho gia đình thảo luận.

Hai ngành đầu tiên Duy trình bày với gia đình là kinh doanh quốc tế và marketing, nhưng cha mẹ nói ngành quá rộng. Cha mẹ muốn Duy đi học một ngành nào cụ thể để chuyên sâu hơn. Phương án đang được ưu tiên lúc này là thống kê, phân tích dữ liệu.

"Bản thân mình muốn học một ngành rộng vì thật sự cho đến lúc này mình vẫn chưa biết cụ thể mình sẽ làm gì. Học ngành rộng có thể linh hoạt tìm việc khi ra trường. Đến khoảng năm 3 mình mới phải học chuyên ngành, khi đó sẽ chọn chuyên ngành sau" - Duy nói.

Đừng để con mình trượt đại học, mất cơ hội vì không am hiểu luật chơi. Cha mẹ hiểu con, hiểu hoàn cảnh gia đình mình nhất định sẽ hướng cho con, giúp con đưa ra quyết định chính xác, không áp đặt hay làm thay con.

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM)

Thành công không nằm ở ngành học

Các chuyên gia tuyển sinh trao đổi vấn đề phụ huynh quan tâm tại chương trình tư vấn "Cùng con chọn trường".

TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất khi phụ huynh và con cái cân nhắc ngành học sẽ dựa trên ngành con yêu thích, có đam mê.

Trong trường hợp các bạn buộc phải học đại học một ngành mình không thích thì rất khó theo đuổi. Khi bước vào đại học, phải thay đổi môi trường, phương pháp học và đối mặt với nhiều thách thức, nếu không thích thì thí sinh sẽ rất dễ "trượt dài".

"Thực tế có nhiều phụ huynh không thể nhận ra sự trượt dài của con, đến khi biết thì đã muộn rồi" - ông Hạ nói.

Một số phụ huynh sẽ cân nhắc giữa những vấn đề như ngành học này có nhu cầu việc làm nhiều và ngành học kia ít, ngành học này thu nhập cao và ngành học kia thấp.

TS Dương Tôn Thái Dương - phó trưởng Ban đại học, ĐHQG TP.HCM trao đổi với phụ huynh tại chương trình tư vấn "Cùng con chọn trường".

Theo TS Phạm Tấn Hạ, phụ huynh có thể đưa ra những góc nhìn cho con về những chủ đề này, dựa vào những kinh nghiệm và tìm hiểu của mình, để con tham khảo. Tuy nhiên, không nhất thiết quá cân đong đo đếm bởi bất kể ngành học nào còn đang được đào tạo nghĩa là xã hội vẫn đang có nhu cầu về ngành học đó.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), chia sẻ hiện nay một số ngành đang có nhu cầu nguồn nhân lực rất cao nhưng người học rất ít. Trong trường hợp này, các bạn theo ngành dễ có thể trở thành chuyên gia, thuận lợi hơn so với một ngành có quá nhiều người học.

Ông Thắng cho rằng sự thành công ở bậc đại học còn xuất phát từ nhiều yếu tố, không phải chỉ nằm ở ngành học, mà còn là năng lực và sự cố gắng của sinh viên cho ngành học mà mình đang theo đuổi.

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), cung cấp thông tin tuyển sinh đến phụ huynh tham dự chương trình tư vấn "Cùng con chọn trường".
 
Top