
TP.HCM có khoảng 400.000 xe máy xăng công nghệ đang hoạt động mỗi ngày, đến hết năm 2029 toàn bộ số xe này sẽ chuyển sang điện
Vì sao chọn 400.000 xe máy công nghệ tiên phong?Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho biết trong tuần này, Viện sẽ trình UBND TP.HCM dự thảo cuối cùng để thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan góp ý đề án chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM.
Đề án này là giải pháp kỹ thuật và là mảnh ghép quan trọng tổng thể kiểm soát khí thải trong giao thông, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của thành phố, đặc biệt là cam kết Net Zero và kế hoạch điện hóa phương tiện giao thông trên địa bàn. Kỳ vọng đề án sẽ thực hiện ngay tháng 1/2026.
Sở dĩ xe công nghệ được ưu tiên chuyển đổi trước vì đây chính là đối tượng có mức phát thải trên mỗi phương tiện cao nhất, bao gồm cả xe 2 bánh chở khách và giao hàng.

Theo khảo sát năm 2023, mỗi tài xế công nghệ tại TP.HCM di chuyển trung bình 80 - 120 km mỗi ngày, thậm chí có tài xế chạy 150 km mỗi ngày, gấp 3 - 4 lần so với người dân thông thường.
"Điều này đồng nghĩa, chuyển đổi một chiếc xe của tài xế công nghệ sang xe điện có tác động giảm phát thải lớn gấp nhiều lần so với xe 2 bánh cá nhân", ông Hải nói.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi xe điện cho nhóm tài xế xe công nghệ dễ tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Bởi đây là lực lượng di chuyển nhiều, tiếp xúc trực tiếp với hàng triệu người dân mỗi ngày.
Đề án khẳng định khi tài xế công nghệ sử dụng xe điện với hình ảnh rõ nét, sạch sẽ, tiết kiệm... sẽ giúp thay đổi nhận thức cộng đồng và thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện trong dân cư.
Đặc biệt, thông qua các nền tảng công nghệ như Be, Grab, Shopee Food, Ahamove, Viettel Post... chính quyền có thể nhanh chóng tiếp cận, truyền thông, thống kê, định danh và giám sát tiến độ chuyển đổi. Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đã sẵn sàng chuyển đổi, và đã thí điểm sử dụng xe điện 2 bánh cho tài xế, sẵn sàng mở rộng nếu có chính sách phù hợp từ Nhà nước.
Việc chuyển từ xe xăng sang xe điện còn giúp tài xế tiết kiệm đáng kể chi phí nhờ giảm nhiên liệu và bảo trì.
"Cụ thể, điện rẻ hơn xăng khoảng 80% trên mỗi km vận hành; xe điện ít chi tiết bảo dưỡng hơn so với xe xăng (không thay nhớt, không cần bảo trì động cơ đốt trong). Trung bình mỗi tài xế có thể tiết kiệm 1 - 1,3 triệu đồng/ tháng, đây là một khoản đáng kể đối với mức thu nhập trung bình của tài xế công nghệ", ông Hải tính toán.

TP.HCM có khoảng 400.000 xe công nghệ hoạt động vận chuyển hành khách và giao hàng, giao thức ăn... (Ảnh: P. Minh)
Theo Đề án, toàn bộ 400.000 xe xăng hai bánh đang tham gia dịch vụ vận tải hành khách và giao hàng thông qua các doanh nghiệp vận tải ứng dụng nền tảng công nghệ trên địa bàn TP.HCM (gồm cả Vũng Tàu và Bình Dương sau hợp nhất) sẽ được chuyển sang điện.
Đến năm 2029 (thời điểm kết thúc triển khai Đề án), TP đặt mục tiêu giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện này.
4 giai đoạn thay thế xe máy điện
Đề án đưa ra 4 giai đoạn thực hiện, với các mục tiêu và lộ trình thời gian cụ thể, nhằm tạo cơ sở để đo lường, đánh giá tiến độ và hiệu quả trong giai đoạn triển khai. Trong đó, giai đoạn 1 tính từ tháng 1/2026 sẽ chuyển đổi đạt 30%, tương đương khoảng 120.000 xe
Giai đoạn 2 tính đến tháng 12/2026 số lượng xe chuyển đổi đạt 50%, tương đương khoảng 200.000 xe. Giai đoạn 3 tính đến tháng 12/2027 sẽ có 80%, tương đương khoảng 320.000 xe máy công nghệ trên địa bàn được chuyển xe điện.
Đến tháng 12/2029 khoảng 400.000 xe máy công nghệ trên địa bàn TP.HCM hoàn toàn chuyển sang xe điện.
5 nhóm chính sách ưu tiên theo Đề án này là hỗ trợ tài chính cho tài xế công nghệ, như miễn thuế VAT, miễn lệ phí trước bạ, miễn phí đăng ký biển số và tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản hoặc thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ khoản vay là chính xe máy điện.
Mục tiêu giảm gánh nặng tài chính, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho tài xế, thúc đẩy sử dụng phương tiện xanh trong cộng đồng.
Đề án cũng kiến nghị có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện và phát triển hạ tầng năng lượng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tương tự như tài xế, do phải đầu tư lớn và chịu nhiều rủi ro ở giai đoạn đầu. Có cơ chế hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cũng cần được lồng ghép để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Theo đề án, đến hết năm 2029, toàn bộ các tài xế xe công nghệ trên địa bàn TP.HCM sử dụng xe điện. (Ảnh: Đại Việt)
Ông Lê Thanh Hải cho biết nhóm tài xế xe công nghệ cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất vì là lao động tự do sử dụng xe gắn máy để mưu sinh, đi lại, cần ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi đồng bộ với các chính sách cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện để họ chuyển đổi xe an toàn hơn, không bỏ rơi người dân nào. Nếu chuyển đổi được toàn bộ 400.000 xe máy công nghệ hiện nay là đã giải quyết được khâu cơ bản.
"Chúng ta so chất lượng không khí cách đây 1,5-2 năm với hiện nay tại TP.HCM có thể thấy hiện nay tốt hơn, bớt ô nhiễm hơn. Khách quan chúng tôi đánh giá như vậy, mà nguyên nhân xe điện đã tham gia lưu thông nhiều, thay thế xe xăng. Ước có khoảng 150.000 xe máy điện đang tham gia giao thông tại TP.HCM", ông Hải nói thêm.
Nhiều lo ngại khi TP.HCM chuyển đồng loạt 400.000 xe máy xăng sang xe điện, lại là nhóm di chuyển nhiều, đòi hỏi nguồn năng lượng lớn. Cùng với đó, xe buýt, taxi, ô tô điện đang hoạt động và tiếp tục tăng lên thì hạ tầng trạm sạc điện đáp ứng tới đâu, các chuyên gia cho rằng đây là điều đáng quan tâm.
Chính vì vậy, đề án cũng kiến nghị ngành điện cân đối, nâng cấp lưới điện cũng như đầu tư các trạm sạc để đáp ứng nhu cầu.
Dữ liệu từ Sở Xây dựng cho thấy đến cuối 2023, TP.HCM quản lý hơn 8,4 triệu phương tiện cơ giới đường bộ, gồm hơn 7,65 triệu xe máy và gần 820.000 ô tô các loại, chưa kể khoảng 2 triệu phương tiện đến từ các địa phương lân cận lưu thông trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015 - 2021 đạt 1,84%/năm với xe máy và 6,65%/năm với ô tô con.
Trong cơ cấu tổng phương tiện, xe máy vẫn chiếm áp đảo với 83,95%, tiếp theo là ôtô chở người 8,1%, ô tô tải 4,17%... Phương tiện cá nhân tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo trong di chuyển nội thành.
Việc nhiều chủ xe không tuân thủ lịch bảo dưỡng, bảo hành định kỳ cũng góp phần gia tăng lượng khí thải độc hại. Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM), riêng xe máy tạo ra khoảng 29% tổng lượng NO, 90% CO, 37,7% PM10 và 31% PM2.5 toàn TP.
Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cũng chỉ ra ngành giao thông chịu trách nhiệm khoảng 45% tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn.
Các chuyên gia môi trường cảnh báo nếu không có biện pháp can thiệp sớm, đến năm 2030, tổng phát thải từ giao thông tại TP.HCM có thể tăng gấp 2,6 lần, đạt hơn 44 triệu tấn chất ô nhiễm mỗi năm.