Don Jong Un
Súng hết đạn


Ông Võ Văn Thưởng, trong lần tiếp “Việt kiều yêu nước” trước Tết Giáp Thìn. (Hình minh họa: Lao Động)
Từ sự sụp đổ của một nguyên thủ quốc gia đến các siêu dự án kinh tế, một bức tranh toàn cảnh về sự xói mòn của khế ước xã hội và sự trỗi dậy của một liên minh quyền lực mới đang hiện ra, thách thức cả lý tưởng dân chủ lẫn di sản xã hội chủ nghĩa.
Khi kỷ luật đảng thay thế hiến pháp
Vào một ngày tháng Ba năm 2024, chính trường Việt Nam rung chuyển bởi một sự kiện tưởng chừng không thể: ông Võ Văn Thưởng, người giữ chức vụ Chủ tịch nước, một trong “tứ trụ” quyền lực, đã bị buộc phải rời khỏi mọi chức vụ chỉ sau hơn một năm tại vị. Thông cáo chính thức, như thường lệ, ngắn gọn và mơ hồ đến khó hiểu, chỉ nói rằng ông đã “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm.” Không có một phiên tòa, không một cuộc điều trần công khai trước quốc hội, không một lời giải thích cặn kẽ nào cho 100 triệu người dân mà ông trên danh nghĩa là người đại diện cao nhất. Quyết định được đưa ra trong một căn phòng kín, bởi một cơ quan của ĐCS, và số phận chính trị của một nguyên thủ quốc gia được định đoạt.
Sự kiện này, dù được gói ghém cẩn thận trong lớp vỏ bọc của một quy trình kỷ luật nội bộ, thực chất đã lột trần một trong những mâu thuẫn nền tảng và nguy hiểm nhất của hệ thống chính trị Việt Nam: sự xung đột giữa quyền lực của Đảng và uy quyền của Hiến Pháp. Vấn đề không chỉ đơn thuần là mâu thuẫn với một tiêu chuẩn dân chủ của phương Tây, mà là mâu thuẫn với chính những gì được viết trong văn bản pháp lý tối cao của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Hiến Pháp năm 2013, Điều 69 nêu rõ: “Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất…” Điểm 7, Điều 70, ghi nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch nước…” Như vậy, theo đúng trình tự hiến định, Quốc Hội, với tư cách là hiện thân cho quyền lực của nhân dân, là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định số phận chính trị của một chủ tịch nước.
Thế nhưng, việc của ông Võ Văn Thưởng bị phế truất ông không phải là kết quả của một quá trình giám sát của cơ quan dân cử, mà từ một cuộc họp của ban chấp hành Trung Ương Đảng. Chỉ sau khi Đảng ra quyết định, Quốc Hội mới được triệu tập trong một kỳ họp bất thường để thực hiện một hành động đã được định đoạt từ trước: bỏ phiếu “miễn nhiệm” ông Thưởng. Đây chính là nơi mâu thuẫn cốt lõi bùng nổ.
Sự xói mòn pháp quyền còn lộ rõ hơn khi nhìn vào quy trình “điều tra” dẫn đến cú ngã của ông Thưởng. Nó được thực thi bởi một bộ máy an ninh dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ chính những đối thủ chính trị của ông trong Bộ Chính Trị.
Vụ án Võ Văn Thưởng không phải là một câu chuyện về sai phạm cá nhân. Nó là một bài học đau đớn về cấu trúc, một minh chứng cho thấy khi một đảng chính trị đặt mình lên trên nhà nước và pháp luật, thì nền tảng của một xã hội dân chủ và văn minh sẽ bị lung lay tận gốc.
Người dân bất lực, cơ quan dân cử bị vô hiệu hóa
Sự thiếu vắng pháp quyền và sự tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay một cơ quan duy nhất không chỉ là một vấn đề lý thuyết. Nó tạo ra một hệ quả trực tiếp và nặng nề lên đời sống chính trị của quốc gia: người dân và cơ quan đại diện cho họ bị tước bỏ quyền lực thực sự.
Khi Bộ Công An, dưới sự kiểm soát của ông Tô Lâm, thi hành Nghị Định 168 tăng các mức phạt giao thông một cách bị cho là phi lý, một làn sóng phản đối và bức xúc đã lan rộng trên khắp các diễn đàn và mạng xã hội. Hàng triệu người dân cảm thấy lợi ích của họ bị xâm phạm bởi một chính sách mà họ cho là vô lý và mang tính tận thu. Nhưng kết quả là gì? Mọi sự phẫn nộ đều trở nên vô vọng. Tiếng nói của họ chỉ là những âm thanh dội vào bức tường thành của quyền lực. Người khởi xướng không những không bị chất vấn một cách nghiêm túc tại Quốc Hội, mà còn tiếp tục thăng tiến lên những vị trí quyền lực cao nhất.
Sự bất lực của người dân còn đi đôi với sự bị vô hiệu hóa của chính cơ quan đại diện cho họ. Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính, một ủy viên Bộ Chính Trị, tuyên bố “không được bàn lùi” đối với siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam – một dự án với số vốn khổng lồ, từng bị chính Quốc Hội đặt nhiều nghi vấn về tính khả thi và đã không thông qua một kế hoạch tương tự trước đó – ông đã công khai gạt bỏ vai trò của cơ quan lập pháp. Phát biểu đó không chỉ là một chỉ đạo hành chính; nó là một thông điệp chính trị rõ ràng: quyết định đã được đưa ra ở cấp cao nhất của Đảng, và vai trò của Quốc Hội chỉ là thảo luận về cách thức thực hiện, chứ không phải là có nên thực hiện hay không.
Trong một nền dân chủ nghị viện, một hành động như vậy có thể ngay lập tức châm ngòi cho một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, có khả năng làm sụp đổ cả một chính phủ. Ở Việt Nam, nó cho thấy quyền lực của một cá nhân trong Bộ Chính Trị có thể dễ dàng đứng trên toàn bộ cơ quan lập pháp được cho là đại diện cho 100 triệu dân.
Sự trỗi dậy của “giai cấp mới” và liên minh tư bản thân hữu
Khi pháp quyền bị gạt bỏ và nhân dân bị vô hiệu hóa, một khoảng trống quyền lực khổng lồ xuất hiện. Trong tác phẩm kinh điển “Giai cấp mới” (The New Class), xuất bản năm 1957, chính trị gia Nam Tư, Milovan Djilas, một người ******** đã trở thành nhà phê bình gay gắt nhất đối với chính hệ thống mà ông từng phục vụ, lập luận rằng trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa, một tầng lớp thống trị mới đã hình thành. Giai cấp này không giống như giai cấp tư sản truyền thống, mà quyền lực của họ đến từ một nguồn khác: sự kiểm soát độc quyền đối với bộ máy nhà nước và Đảng. Thông qua sự kiểm soát này, họ có quyền lực tuyệt đối để quản lý và phân phối toàn bộ tài sản quốc gia.
Sự trỗi dậy của “giai cấp mới” này tại Việt Nam đã tạo ra một hệ quả tất yếu và nguy hiểm: sự hình thành của chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism). Đây là hệ thống kinh tế thành công trong kinh doanh không phụ thuộc vào cạnh tranh thị trường tự do, mà phụ thuộc vào mối quan hệ thân hữu với các quan chức chính phủ. Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, là một ví dụ.
Cần phải làm rõ một điểm quan trọng: việc phát triển các dự án bất động sản và thương mại xung quanh các nhà ga (mô hình Phát triển đô thị gắn liền với giao thông – TOD) tự nó không phải là vấn đề. Đây là một chiến lược quy hoạch đô thị hiện đại và hợp lý, đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia như Nhật Bản hay Nam Hàn để tối ưu hóa việc sử dụng đất và tăng hiệu quả kinh tế cho các dự án hạ tầng.
Vấn đề của Việt Nam không nằm ở mô hình, mà nằm ở quy trình và nguy cơ chỉ định thầu.
Sự tranh cãi cốt lõi nằm ở chỗ, trong một môi trường thiếu minh bạch và không có cạnh tranh thực sự, việc áp dụng mô hình TOD có nguy cơ biến một chính sách công hợp lý thành một cơ chế để ban phát đặc quyền cho các nhóm lợi ích đã được lựa chọn từ trước. Các dấu hiệu cho thấy những tập đoàn lớn như Vingroup đang được nhắm đến cho vai trò nhà đầu tư chiến lược, cùng với những đề xuất về các cơ chế phá vỡ cơ chế kinh tế thị trường như vay với lãi suất 0% trong thời gian 30 năm. Dự án trị giá hàng chục tỷ đôla của quốc gia được trao cho một doanh nghiệp không phải thông qua một quy trình đấu thầu quốc tế công khai, minh bạch và cạnh tranh, mà thông qua những mối quan hệ thân hữu ở thượng tầng. Thật đáng quan ngại!
Chân dung của một chế độ chuyên chế lai ghép
Một bức chân dung toàn cảnh, phức tạp và đáng lo ngại của hệ thống chính trị Việt Nam đang hiện ra. Nó không còn là mô hình chủ nghĩa xã hội theo lý thuyết Mác-Lênin kinh điển, và chắc chắn không phải là một nền dân chủ theo triết học phương Tây. Thay vào đó, nó đã tiến hóa thành một mô hình lai ghép, một thứ có thể được gọi là chế độ chuyên chế quan liêu (bureaucratic authoritarianism).
Kiến trúc chính trị của hệ thống này được xây dựng trên một nền tảng Lênin với sự độc quyền lãnh đạo của một Đảng duy nhất, nơi sự kiểm soát xã hội và đàn áp đối lập không còn phục vụ cho một lý tưởng cách mạng thuần khiết, mà cho một mục tiêu thực dụng hơn: duy trì quyền lực bằng mọi giá. Sự kiểm soát chính trị tuyệt đối đó không phải là một mục đích tự thân; nó trở thành điều kiện tiên quyết để vận hành một logic kinh tế đặc thù. Chế độ này đã từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung để chuyển sang một hình thái của chủ nghĩa tư bản, nhưng đó không phải là chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tự do, mà là chủ nghĩa tư bản thân hữu, nơi các mối quan hệ chính trị trở thành một loại tiền tệ để bóp méo thị trường và tạo ra lợi ích cho các nhóm được ưu ái. Sự cộng sinh giữa quyền lực chính trị chuyên quyền và mô hình kinh tế thân hữu này đã định hình lại toàn bộ khế ước xã hội một cách sâu sắc. Khế ước cũ – nơi người dân có thể đã chấp nhận hy sinh tự do chính trị để đổi lấy độc lập, thống nhất và đời sống ấm no – đang dần bị thay thế bởi một khế ước mới, một thỏa thuận bất thành văn, không phải giữa nhà nước và nhân dân, mà là giữa “giai cấp mới” của giới quan chức và giới tư bản thân hữu để cùng nhau chia sẻ lợi ích quốc gia.
Vụ án Võ Văn Thưởng, do đó, không phải là nguyên nhân, mà chỉ là hệ quả. Nó là tiếng chuông báo hiệu một cuộc khủng hoảng triết học và cấu trúc sâu sắc, nơi khế ước xã hội đã bị phá vỡ, và tương lai đang được định đoạt không phải bởi ý chí của 100 triệu người dân, mà bởi những toan tính trong bữa tiệc của “giới tinh hoa.”