Có Hình Lương Hữu Khánh: Thầy của Trạng Trình, đánh lui quân nhà Mạc

nguoicohoc

Bò lái xe
Lương Đắc Bằng trước khi mất đã dặn vợ gửi gắm con trai cho học trò là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lương Đắc Bằng có tài nhưng không gặp được “Vua sáng”, các kế sách của ông không được thi hành nên không thi thố được tài năng, liệu con trai ông có gặp được thời để phát huy được tài năng của mình hay không?

Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng
Lương Đắc Bằng là thần đồng có sức học nổi tiếng. Khoa thi năm 1499 thời vua Lê Hiến Tông, ông đỗ thứ hai tức Bảng nhãn, đây là khoa thi kỳ lạ vào kéo dài nhất trong lịch sử vì cả Lương Đắc Bằng và Đỗ Lý Khiêm đều có tài ngang nhau, cuối cùng Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, còn Lương Đắc Bằng đỗ Bảng nhãn.

Lương Đắc Bằng làm quan “tôi hiền” không gặp được “Vua sáng”. Thấy nhà Lê ngày càng suy yếu ông liền dâng kế sách gồm 14 điều để trị quốc gọi là “Trị bình thập tứ sách”. Nhà Vua khen hay nhưng lại không thực hiện bất kỳ điều nào. Biết nhà Lê suy sụp không thể cứu vãn, Lương Đắc bằng cáo quan về quê dạy học.

Trong số các học trò, ông yêu quý nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm, đây là trò tâm đắc nhất của ông. Lương Đắc Bằng dạy cả chữ nghĩa và truyền lại cho học trò sách “Thái ất” về thuật số.

Theo gia phả họ Lương tại Hội Triều, lúc sắp mất Lương Đắc Bằng dặn vợ rằng: “Sau này nàng sinh con trai, hãy đặt tên con là Hữu Khánh, nghĩa là có niềm vui mừng của ta vậy, nàng nên gửi con theo học Trình tiên sinh bên Vĩnh Lại, người này chính là học trò ta đó, có như vậy mới nối được chí ta”.

Lương Đắc Bằng mất, học trò các nơi truyền tin cho nhau và đến viếng thầy ở làng Hội Triều rất đông. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dựng nhà ở lại chịu tang thầy suốt 3 năm xong mới rời đi, thể hiện tấm lòng và nghĩa cử đối với người thầy rất sâu sắc.

Thuở nhỏ thông minh hơn người
Người vợ sinh con trai đặt tên là Lương Hữu Khánh. Gia đình rất nghèo vì Lương Đắc Bằng làm quan lớn nhưng rất thanh liêm, khi mất không để lại gì nhiều. Dù thế cậu bé Lương Hữu Khánh lại thông minh hơn người.

Người mẹ theo lời dặn đã đưa Lương Hữu Khánh đến tìm Nguyễn Bỉnh Khiêm để học. Cậu bé đã thông minh xuất chúng lại chăm chỉ học hành, còn có điểm đặc biệt là ăn khỏe bằng mấy người.

Sách “Nam Hải dị nhân” mô tả lại rằng: “…nghèo quá phải đi cày mướn gặt thuê, hoặc tìm đến trường làm văn bản mướn kiếm tiền độ nhật”.

Nhờ sự dìu dắt của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà Lương Hữu Khánh học ngày càng tấn tới, “Nam Hải dị nhân” có nhắc đến giai thoại:

Năm 12 tuổi Lương Hữu Khánh đi thi Hương, khi qua chuyến đò sông Tam Kỳ thì rất đói, gặp mấy nhà sư vừa đi ăn đám chay, trong tráp đầy oản xôi quả. Vì quá đói nên Lương Hữu Khánh cứ nhìn vào đồ ăn.

Các sư biết cậu bé đang đói liền cho ít oản, nhưng cậu bé không nhận vì quá ít ăn vào cũng không no. Các nhà sư ngạc nhiên, biết đây là học trò đi thi liền yêu cầu làm bài thơ “Nho tăng đồng chu” (tức Nho sĩ và tăng nhân cùng thuyền) nếu làm xong trước khi đến bến sẽ tặng cả tráp oản. Nào ngờ Hữu Khánh liền đọc ngay:

Nang trung kinh sử kiệp kim cương
Nhĩ ngã kim đồng phiếm nhất hàng
Hội si cù đàm khanh khoái lạc
Vị long hoàng các ngã xu thương
Duy biên nhĩ thượng cừu Hàn Dũ
Vãng sự ngộ do hận Thủy Hoàng
Nhất ngộ vô đoan này tiễn biệt
Nhĩ thành phúc quả ngã vinh xương.

Bản dịch:

Một hòm kinh sử, túi kim cương
Người tớ cùng sang một chuyến đường
Trong hội cồ đàm người thoả thích,
Trên ngôi đài các tớ nghênh ngang
Chuyện xưa ngươi vẫn căm Hàn Dũ ,
Việc trước ta còn oán Thủy Hoàng
Gặp gỡ một lần rồi tiễn biệt
Kẻ tròn quả phúc, kẻ vinh xương.

Các sư kinh ngạc khen hay rồi đưa tặng cả tráp xôi oản, Hữu Khánh cũng không khách khí ăn ngay rồi tiếp tục đi thi. Lương Hữu Khánh đỗ kỳ thi Hương (tức cử nhân) khi mới chỉ 12 tuổi.

Bỏ thi Đình vì cảm thấy bất công
Khoa thi năm 1538, Lương Hữu Khánh dự kỳ thi Hội. Với sức học hơn người, Hữu Khánh đã có thể đỗ đầu, nhưng khi có kết quả thì chỉ đỗ cao thứ hai, người đỗ đầu là Giáp Hải. Triều đình nhà Mạc thấy Lương Hữu Khánh là người Thanh Hóa, lại là con trai của quan lại nhà Lê nên cố ý không cho đỗ đầu.

Theo sách “Việt Nam những sự kiện lịch sử” thì Lương Hữu Khánh thấy thi cử nhà Mạc không công bằng, dẫu có thi tiếp cũng sẽ xếp sau, vì thế mà bỏ không tham gia kỳ thi cuối cùng là thi Đình.

Triều đình nhà Mạc biết Lương Hữu Khánh là nhân tài nên muốn ông phụng sự cho nhà Mạc bèn mời ông đến Kinh thành. Thời gian này Lương Hữu Khánh hầu như bị giam lỏng ở Thăng Long. Biết nhà Lê có ý trung hưng, đóng quân ở Thanh Hóa, ông liền trốn vào nam theo nhà Lê.

Triều đình nhà Lê mừng rỡ tin dùng Hữu Khánh, ban cho chức Thị Lang, tham gia việc cơ mật của Triều đình.

Lập công cho nhà Lê
Lương Hữu Khánh đến Nam Triều phụng sự cho nhà Lê đang trung hưng, ông bày mưu nào cũng đắc cả nên được trọng dụng. Thấy ông có sức khỏe phi thường, Triều đình cho cầm riêng một đạo quân.

Theo gia phả họ Lương ở Hội Triều thì Lương Hữu Khánh lập nhiều công lao chống nhà Mạc, giúp đẩy lui nhiều cuộc tấn công của quân Mạc vào Nam triều. Năm 1557 diễn ra cuộc giao tranh lớn giữa Nam – Bắc triều, Lương Hữu Khánh lập công to cho nhà Lê.

Năm 1570, Thái Quốc công Trịnh Kiểm mất, con trưởng là Trịnh Cối lên thay nắm giữ quân đội. Tuy nhiên Trịnh Cối lại nhanh chóng sa vào tửu sắc không chú ý quản lý quân, khiến các tướng trụ cột bất mãn chạy về với em là Trịnh Tùng.

Trịnh Cối đưa quân tiến đánh Trịnh Tùng, diễn ra cuộc nội chiến lớn tại Nam triều. Mạc Kính Điển nhân cơ hội này huy động 10 vạn quân cùng 700 chiến thuyền vào nam quyết diệt nhà Lê. Trịnh Cối bị kẹp giữa hai đầu, phía nam phải đối phó với Trịnh Tùng, phía bắc thì đại quân nhà Mạc đang tiến đến, thấy không thể chống được cả hai bên cùng lúc, liền chọn cách đầu hàng nhà Mạc.

Quân Mạc càng thêm mạnh, tiếp tục tiến xuống nam. Trịnh Tùng tập hợp quân sĩ, lập lời thề rồi chia quân trấn giữ các vùng hiểm yếu. Mạc Kính Điển sau khi thu phục được Trịnh Cối, với một loạt trận thắng, thì đem quân tiến đến An Trường, quyết bắt vua Lê, tình thế quân Nam triều lâm nguy.

Bấy giờ Lương Hữu Khánh vào ban đêm huy động binh sĩ dựng thêm tầng tầng chiến lũy, lại làm thêm hầm chông kín kẽ các lối vào. Ông lại cùng Lê Cập Đệ cho quân làm thành giả nhằm đánh lừa quân Mạc, đến sáng thì làm xong.

Quân Mạc từ xa quan sát trận địa quân nhà Lê, nhưng thật có giả có khiến quân Mạc đánh giá sai thế trận, cố tiến vào nhưng đều bị Lương Hữu Khánh đốc quân chặn lại. Đến đêm ông lại chia quân thành các toán nhỏ bất ngờ tập kích vào trại quân Mạc đánh tiêu hao bớt rồi rút về. Quân Mạc không sao tiến được, đến khi hết lương thì đành rút về.

Năm 1578, quân nhà Mạc lại tiến đánh Thanh Hóa, chiếm các huyện ven sông. Quân Mạc tiến đến cửa Lạch Trào thì Lương Hữu Khánh cùng tướng Trịnh Bách cho quân đổ ra đánh tiêu diệt được thủy quân nhà Mạc.

Trong giai đoạn đầu Nam – Bắc triều, nhà Mạc ở thế mạnh hơn nên liên tục cho quân nam tiến, Lương Hữu Khánh trở thành vị tướng trụ cột nhiều lần cầm quân đánh lui quân Mạc. Triều đình phong cho ông chức Thượng thư bộ Binh, đồng thời được ban tước Đạt Quận công.

Tưởng nhớ
den-tho-luong-dac-bang.jpg

Đền thờ hai cha con Lương Đắc Bằng – Lương Hữu Khánh. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Là người văn võ song toàn, Lương Hữu Khánh còn có nhiều bài thơ để đời, ngoài bài “Nho tăng đồng chu” làm khi còn nhỏ, ông còn có bài “Quan sử” dài 400 câu, về lịch sử của dân tộc từ Kinh Dương Vương đến Lê Trung Hưng..

Đất Hội Triều (xã Hoằng Phong, huyên Hoằng Hóa) là nơi đặt mộ và đền thờ hai cha con Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Bộ binh Lương Hữu Khánh. Đền thờ hai cha con được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994.

Tại đền thờ ngoài 2 sắc phong của Triều đình còn có gia phả họ Lương, lưu giữ tư liệu về cuộc đời hai cha con làm rạng rỡ cho dòng họ Lương và người dân huyện Hoằng Hóa.
 
Top