
Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh qua đêm rồi hâm nóng và sử dụng lại nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ hình thành các chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe.

Bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Ảnh: Freepik.
Tiến sĩ Liêu Kỷ Định, khoa Huyết học - Ung bướu, Bệnh viện Linkou Chang Gung (Trung Quốc), cho biết nhiều thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong chuyện ăn uống, có thể âm thầm đẩy con người đến gần hơn với bệnh ung thư.
Một trong những sai lầm phổ biến là ăn thức ăn thừa để qua đêm. Nhiều gia đình có thói quen cất giữ thức ăn đã nấu vào tủ lạnh và sử dụng lại vào các bữa sau. Mặc dù việc bảo quản lạnh có thể làm chậm quá trình phân hủy, nó không thể ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển của vi khuẩn và các hợp chất độc hại.
Đặc biệt, các món rau xanh sau khi nấu chín mà để qua đêm hoặc bảo quản lâu trong tủ lạnh rất dễ sản sinh nitrit - hợp chất có thể hình thành khi nitrat tự nhiên trong rau bị phân hủy do vi khuẩn.
Khi cơ thể hấp thụ nitrit với lượng lớn hoặc tích tụ trong thời gian dài, nó có thể chuyển hóa thành nitrosamine, chất này đã được chứng minh có khả năng gây ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, ruột. Nguy cơ này càng gia tăng nếu thực phẩm được hâm nóng đi hâm nóng lại nhiều lần, khiến quá trình biến đổi hóa học diễn ra mạnh hơn.
Ngoài ra, nhiều người có tâm lý “tiếc của” nên khi trái cây hay thực phẩm đã hỏng chỉ cắt bỏ phần bị mốc rồi sử dụng phần còn lại. Tiến sĩ Liêu cảnh báo rằng nấm mốc có thể tạo ra aflatoxin - chất gây ung thư nhóm 1 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Loại độc tố này không chỉ tập trung ở phần hư mà còn có thể lan rộng đến những vùng không nhìn thấy được.
“Đừng nghĩ rằng chỉ cần rửa sạch hay cắt bỏ đi phần bị hỏng là an toàn. Đó là quan niệm rất nguy hiểm. Chúng ta đang đánh đổi sức khỏe chỉ vì tiết kiệm vài đồng. Điều đó có thực sự đáng không?”, ông nói.
Bên cạnh chuyện ăn uống, một sai lầm khác thường bị xem nhẹ là cách sử dụng máy hút mùi trong bếp.
Nhiều người có thói quen tắt máy ngay sau khi nấu để tiết kiệm điện. Thế nhưng, theo TS Liêu, khói bếp chứa nhiều hợp chất bay hơi độc hại, nếu không được hút hết sẽ tồn tại trong không khí và xâm nhập vào phổi. Về lâu dài, điều này làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Vị chuyên gia khuyến nghị nên bật máy hút mùi ngay từ lúc bắt đầu nấu và duy trì hoạt động thêm 3-5 phút sau khi nấu xong để loại bỏ hoàn toàn khí độc.