

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ông Trump đã đe dọa sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt trừ khi Nga đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh trong vòng 50 ngày
- Tác giả,Steve Rosenberg
- Vai trò,Biên tập viên về Nga
- 16 tháng 7 2025
Nhưng, quay trở lại Moscow, thị trường chứng khoán đã phản ứng thế nào? Tăng 2,7%.
Đó là bởi vì Nga đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt thậm chí còn cứng rắn hơn từ Tổng thống Trump.
"Nga và Mỹ đang tiến tới một vòng đối đầu mới về vấn đề Ukraine," tờ báo lá cải Moskovsky Komsomolets số ra hôm 14/7 đã cảnh báo.
"Điều bất ngờ hôm thứ Hai của Trump sẽ không dễ chịu cho đất nước chúng ta."
Điều đó quả thật không hề "dễ chịu". Nhưng Nga sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, chẳng hạn, khi các mức thuế quan thứ cấp đối với các đối tác thương mại của Nga sẽ chỉ có hiệu lực sau 50 ngày nữa.
Điều đó cho Moscow nhiều thời gian để đưa ra các đề xuất đối phó và trì hoãn việc thực hiện các lệnh trừng phạt thêm nữa.
Tuy nhiên, thông báo của ông Donald Trump thực sự thể hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Nga.
Thông báo cũng phản ánh sự thất vọng của ông đối với việc ông Vladimir Putin miễn cưỡng, không chịu ký một thỏa thuận hòa bình.
Khi trở lại Nhà Trắng vào tháng Một, ông Trump đã đặt việc chấm dứt chiến tranh của Nga tại Ukraine là một trong những ưu tiên đối ngoại của mình.
Trong nhiều tháng, phản ứng của Moscow là: "Vâng, nhưng…"
Vâng, Nga đã nói vào tháng Ba, khi họ hoan nghênh đề xuất ngừng bắn toàn diện của Tổng thống Trump. Nhưng trước tiên, họ nói rằng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo của phương Tây với Kiev nên chấm dứt, cùng với việc huy động quân sự của Ukraine.
Vâng, Moscow đã nhấn mạnh, họ muốn hòa bình. Nhưng "nguyên nhân gốc rễ" của chiến tranh phải được giải quyết trước. Điện Kremlin nhìn nhận những điều này rất khác so với cách Ukraine và phương Tây nhìn nhận. Họ lập luận rằng cuộc chiến là kết quả của các mối đe dọa bên ngoài đối với an ninh của Nga: từ Kyiv, NATO, "toàn bộ phương Tây".
Tuy nhiên, vào tháng 2/2022, không phải Ukraine, NATO hay phương Tây đã xâm lược Nga. Chính Moscow đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, châm ngòi cho cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Nga đã phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hơn ba năm trước
Trong một thời gian khá dài, cách tiếp cận "Vâng, nhưng..." đã giúp Moscow tránh được các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục chiến tranh.
Với mong muốn cải thiện quan hệ song phương với Nga và đàm phán một thỏa thuận hòa bình về Ukraine, chính quyền Trump đã ưu tiên cách tiếp cận "củ cà rốt và cây gậy" (thưởng và phạt) trong các cuộc đối thoại với các quan chức Nga.
Những người chỉ trích Điện Kremlin cảnh báo rằng với cách tiếp cận "Vâng, nhưng"... Nga đang câu giờ. Nhưng Tổng thống Trump hy vọng ông có thể tìm ra cách thuyết phục người đồng cấp Vladimir Putin ký một thỏa thuận.
Tổng thống Nga dường như không vội vàng làm như vậy. Điện Kremlin tin rằng họ nắm quyền chủ động trên chiến trường. Họ khẳng định họ muốn hòa bình, nhưng phải theo các điều kiện của họ.
Những điều kiện đó gồm cả việc chấm dứt các chuyến hàng vũ khí của phương Tây đến Ukraine. Từ tuyên bố của ông Donald Trump, rõ ràng điều đó sẽ không xảy ra.
Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông "không hài lòng" với ông Vladimir Putin.
Nhưng sự vỡ mộng không chỉ đến từ một phía. Nga cũng đang dần mất đi sự hài lòng cho vị tổng thống Mỹ. Hôm 14/7, tờ Moskovsky Komsomolets viết:
"[Trump] rõ ràng đang ảo tưởng về sự vĩ đại. Đã thế lại còn lắm mồm."