Don Jong Un
Xamer mới lớn


Photo : YONHAP News
Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung ngày 10/6 đã hoàn tất cuộc “chào hỏi đầu tiên” với lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chỉ 6 ngày sau lễ nhậm chức.
Chính phủ mới của Seoul đã chính thức khởi động đường lối "ngoại giao thực dụng", nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia giữa các cường quốc lớn xung quanh có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh và kinh tế Hàn Quốc.
Vào lúc 11 giờ 30 sáng ngày 10/6, Tổng thống Lee đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng 30 phút với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, ông Lee đã lần lượt điện đàm khoảng 20 phút với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 6/6, và điện đàm trong 25 phút với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru vào ngày 9/6.
Giới phân tích cho rằng các cuộc điện đàm này phản ánh triết lý ngoại giao của ông Lee, đó là củng cố hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật trên nền tảng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vững chắc, đồng thời ưu tiên lợi ích quốc gia và quản lý ổn định quan hệ với Trung Quốc.
Trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày trở nên khốc liệt hơn, việc giữ thế cân bằng một cách tinh tế để vừa đảm bảo an ninh, ổn định trên bán đảo Hàn Quốc, vừa thúc đẩy lợi ích quốc gia đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Cũng trong ngày 10/6, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa tin trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu rằng hai nước Hàn-Trung cần mang lại sự chắc chắn hơn cho tình hình khu vực và quốc tế hiện đang rơi vào hỗn loạn.
Ông Tập Cận Bình còn nhắc tới việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, đảm bảo chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu và khu vực được ổn định và thông suốt. Những phát biểu này được phân tích là mang hàm ý đề xuất Hàn Quốc hợp tác hoặc đối phó chung trước chiến tranh thương mại mà chính quyền Tổng thống Trump đang tiến hành với Trung Quốc.
Mặt khác, Mỹ đang dõi theo Hàn Quốc trong tâm thế lo ngại. Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần phát đi thông điệp cảnh báo về việc các nước đồng minh đang đi theo đường lối lựa chọn hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, hợp tác an ninh với Washington.
Ngoài ra, các vấn đề như đàm phán thuế quan, chia sẻ chi phí quốc phòng, tái cơ cấu lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc cũng là những vấn đề khó khăn đặt ra với tân Tổng thống Lee Jae-myung. Với tính cách không ngần ngại gây sức ép của Tổng thống Trump, rất khó đoán được lãnh đạo Nhà Trắng sẽ dùng các vấn đề này làm quân bài gây sức ép vào lúc nào.
Nếu tình hình Mỹ-Trung chuyển biến xấu hoặc Bắc Triều Tiên có hành động khiêu khích, các yếu tố này sẽ khiến Chính phủ mới của Hàn Quốc khó tìm được điểm cân bằng hơn. Quan hệ với Nhật Bản cũng tiềm ẩn những yếu tố bất ổn do vấn đề lịch sử. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Lee đang nỗ lực tìm hướng đi thông qua các hội nghị thượng đỉnh đa phương.
Lãnh đạo Hàn Quốc đã quyết định sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Canada từ ngày 15-17/6, chỉ hơn 10 ngày sau khi nhậm chức. Quyết định này được phân tích là nhằm sớm xây dựng lòng tin với lãnh đạo của các nước lớn trên thế giới thông qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp, từ đó tìm kiếm điểm cân bằng tối ưu cho ngoại giao.
Tổng thống Lee cũng đã mời Chủ tịch nước Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Gyeongju (tỉnh Bắc Gyeongsang) vào tháng 11 năm nay. Nếu lãnh đạo Trung Quốc nhận lời mời, đây sẽ là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên sau 11 năm của ông Tập Cận Bình.
Cuộc gặp với Tổng thống Trump và Thủ tướng Ishiba tại G7, cùng với phản ứng của ông Tập Cận Bình, sẽ là những thước đo quan trọng cho tương lai của nền ngoại giao thực dụng dưới thời Chính phủ Tổng thống Lee Jae-myung.