

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Benjamin Netanyahu thăm một nơi bị hoả lực Iran tấn công tại Israel
- Tác giả,Wyre Davies
- Vai trò,BBC News
- Jerusalem
- 29 tháng 6 2025
Thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, do đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff, làm trung gian ngay cả trước khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, đã dẫn đến việc hàng chục con tin bị Hamas bắt giữ được trả tự do, đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine trong các nhà tù Israel.
Giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ chứng kiến thêm nhiều con tin được đưa về, cùng với việc rút dần quân đội Israel khỏi Gaza, trước khi đi đến một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.
Đã mệt mỏi vì xung đột, người Israel và người Palestine từng có lúc hình dung về hồi kết của cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử hai bên vốn đã quá thường xuyên bị bạo lực làm gián đoạn.
Nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại không muốn chiến tranh kết thúc.
Khi ra lệnh nối lại các cuộc tấn công trên khắp Dải Gaza, ông tuyên bố giao tranh sẽ tiếp tục cho đến khi Hamas bị "tiêu diệt hoàn toàn".
Việc đảm bảo an toàn cho các con tin còn lại ở Gaza dường như chỉ là mối quan tâm thứ yếu. (Hậu quả dân sự ở Gaza thì thậm chí không được nhắc tới.)
Nhiều người Israel – đặc biệt là thân nhân các con tin – đã phẫn nộ.
Họ cáo buộc ông Netanyahu đặt lợi ích chính trị cá nhân lên trên sự an toàn của người thân họ và lợi ích lớn hơn của quốc gia.
Mức độ ủng hộ "Bibi" (một tên gọi khác của ông) trong các cuộc thăm dò rơi tự do, và ông chật vật duy trì một chính phủ rời rạc, vốn chỉ còn trụ được nhờ sự hậu thuẫn của các bộ trưởng cực hữu và đảng phái tôn giáo chính thống.
Trong ba tháng nay, ông Netanyahu đang đắm chìm trong hào quang của chiến thắng quân sự ngoạn mục trước kẻ thù lâu năm – Iran.
Người ta cho rằng ông đang cân nhắc tổ chức tổng tuyển cử sớm để theo đuổi thêm một nhiệm kỳ thủ tướng nữa.
Tại một cuộc họp báo đầu tuần này, nhà lãnh đạo 75 tuổi – người đã giữ chức lâu nhất trong lịch sử Israel – tuyên bố ông vẫn còn "nhiều nhiệm vụ" cần hoàn thành và sẽ tiếp tục cống hiến chừng nào "người dân" Israel còn muốn ông làm vậy.
Vài ngày sau, khi mô tả việc phá hủy chương trình hạt nhân của Iran là một "cơ hội ngàn vàng không thể bỏ lỡ", ông Netanyahu gợi ý rằng chỉ có ông mới có thể vừa "giải cứu các con tin và đánh bại Hamas" vừa thúc đẩy các thỏa thuận khu vực rộng hơn.
Tuy nhiên, kêu gọi bầu cử sớm là một canh bạc lớn – và theo các khảo sát mới nhất, ông Netanyahu không đạt được "cú hích" dư luận lớn từ cuộc chiến kéo dài 12 ngày với Iran như ông kỳ vọng.
'Niềm tin'
Trong một hệ thống chính trị chia rẽ sâu sắc, nơi việc lập liên minh là chìa khóa để kiểm soát Quốc hội (tiếng Do Thái là Knesset) gồm 120 ghế, Đảng Likud của ông Netanyahu sẽ không thể giành được đa số nếu đi một mình, và có thể gặp khó khăn trong việc tập hợp sự ủng hộ từ các đảng cánh hữu nhỏ hơn – theo kết quả khảo sát đăng trên báo Ma'ariv của Israel.Cùng khảo sát đó cũng cho thấy một đa số rõ rệt – 59% người Israel – muốn chấm dứt giao tranh ở Gaza ngay lập tức, đổi lấy việc trả tự do cho các con tin.
Gần một nửa số người được hỏi – khoảng 49% – tin rằng lý do duy nhất khiến ông Netanyahu tiếp tục cuộc chiến là vì tính toán chính trị cá nhân.
"Ông ấy là một chính trị gia cực kỳ lão luyện," Giáo sư Tamar Hermann, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Dân chủ Israel, nhận xét.
"Không ai ở Israel có kỹ năng chính trị cao hơn ông ta."
Tuy nhiên, bà cho biết vấn đề lớn nhất của ông Netanyahu là "niềm tin".
Một nhà lãnh đạo chính trị đã nhiều lần thay đổi lập trường chỉ để bám giữ quyền lực thì nay đã không còn được đa số người Israel tin tưởng.
Theo một cuộc khảo sát mới sắp được công bố bởi Viện Dân chủ Israel của Giáo sư Hermann, ông Netanyahu "không vượt qua được mốc 50% về mức độ người dân Israel tin tưởng, dù chỉ một phần."
Ở một khía cạnh nào đó, ông Hermann nhận định, quyết định tổ chức bầu cử sớm "thậm chí còn là canh bạc lớn hơn [với ông Netanyahu] so với việc tấn công Iran, vì ở Trung Đông, bạn không bao giờ biết sáu tháng nữa mọi thứ sẽ ra sao."
Bởi lẽ, dù cuộc phiêu lưu quân sự tại Iran dường như đã đem lại kết quả, vẫn có một "con voi trong phòng khách" (ám chỉ một vấn đề rõ ràng) mà ông Benjamin Netanyahu không thể làm ngơ.
Thực ra, có thể nói là cả một “đàn voi nhỏ” đang đe dọa phá vỡ hy vọng tiếp tục cầm quyền của vị thủ tướng kỳ cựu.
Các cáo buộc tham nhũng

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bảo vệ người đồng cấp Israel
Tuần tới, ông Netanyahu sẽ phải ra làm chứng trong một vụ án hình sự được dư luận đặc biệt quan tâm, nơi ông đối mặt với các cáo buộc tham nhũng chính trị, bao gồm hối lộ và gian lận.
Nỗ lực của thủ tướng nhằm một lần nữa trì hoãn phiên điều trần tại Tòa án Tối cao – với lý do lịch trình bận rộn và tình trạng khẩn cấp đặc biệt (liên quan đến cuộc chiến với Iran) – đã bị bác bỏ vào cuối tuần trước.
Ông Netanyahu cùng những người ủng hộ ông liên tục tìm cách mô tả vụ kiện là một phần của "cuộc săn phù thủy mang động cơ chính trị".
Tuy nhiên, trong một xã hội ngày càng bị phân cực, các đối thủ của ông lại kiên quyết không để ông thoát khỏi vòng tố tụng.
Tỏ vẻ như mới chỉ vừa hay tin về rắc rối pháp lý của ông "Bibi", Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ông Netanyahu là một "người hùng vĩ đại" và một "chiến binh quả cảm", rằng phiên tòa nên "bị hủy ngay lập tức" hoặc ít nhất ông ấy phải được ân xá.
Đáng lưu ý, chỉ vài ngày trước đó, chính vị tổng thống Mỹ này đã công khai chỉ trích thủ tướng Israel bằng những lời lẽ thô lỗ, khi thỏa thuận ngừng bắn với Iran có nguy cơ chết ngay từ trong trứng nước.
Tuy nhiên, phát ngôn mới nhất của ông Trump đã bị nhiều người Israel đánh giá là thiếu khôn ngoan và không có lợi.
Lãnh đạo phe đối lập ở Israel, ông Yair Lapid, tuyên bố ông Trump không nên "can thiệp vào tiến trình pháp lý của một quốc gia độc lập".
Giáo sư Tamar Hermann nhận định rằng lập trường mâu thuẫn của ông Trump đối với Israel, cùng với nỗ lực can thiệp vào vụ án của ông Netanyahu, chẳng khác nào đang "đối xử với chúng tôi như một nước cộng hòa chuối".
Đây là một cách gọi ám chỉ một đất nước có nền chính trị hỗn loạn, được thống trị bởi một kẻ độc tài, với nền kinh tế chỉ phụ thuộc vào một món hàng.
Trên trường quốc tế, nhiều người Israel cáo buộc Netanyahu đã làm tổn hại vị thế toàn cầu của đất nước và cản trở triển vọng kinh tế chỉ vì kéo dài không cần thiết cuộc chiến tại Gaza – bất chấp việc nhiều cựu tướng lĩnh quân đội cho rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đạt được gần như toàn bộ mục tiêu quân sự tại đây.
Cũng không thể quên rằng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vẫn đang duy trì các lệnh truy nã đối với Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì các cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Gaza – nơi hơn 55.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.
Chính phủ Israel, cùng với ông Netanyahu và ông Gallant, kiên quyết bác bỏ các cáo buộc này.
Rốt cuộc, như nhiều nhà bình luận nhận định, khó có thể hình dung Israel sẽ tổ chức tổng tuyển cử mới trong khi chiến tranh ở Gaza vẫn tiếp diễn và các con tin Israel vẫn còn bị giam giữ.
Tuy vậy, nhiều đối thủ và người chỉ trích ông Netanyahu từng không ít lần vội vã xem ông là hết thời – và rồi phải thấy rằng họ không bao giờ đoán chắc được nước cờ tiếp theo của ông.