

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
3 tháng 7 2025
Trong lúc có những phản ứng trái chiều trước mức thuế quan ông Trump công bố, mức thuế "mới" này được đánh giá là sẽ tác động tới cách các quốc gia châu Á khác tiếp cận đàm phán thuế quan với Mỹ.
"Việt Nam sẽ trả cho Hoa Kỳ mức thuế 20% đối với tất cả hàng hóa được đưa vào Lãnh thổ của chúng tôi, và 40% đối với mọi hàng hóa trung chuyển," Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 2/7.
Đổi lại, ông Trump nói Việt Nam sẽ giảm thuế về 0% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Mức thuế này được Bộ trưởng Thương Mại Howard Lutnick xác nhận trong một bài viết đăng mạng xã hội X sau đó, nhấn mạnh rằng thỏa thuận thương mại đó là "một chiến thắng vang dội cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất và nông dân Mỹ!"
"LẦN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho Hoa Kỳ. Họ sẽ phải trả 20% thuế để bán hàng vào thị trường chúng ta, và 40% nếu là hàng trung chuyển – tức là nếu một nước khác đưa sản phẩm của họ vào Mỹ thông qua hàng xuất khẩu từ Việt Nam – thì sẽ bị áp thuế 40%."
"Điều này là MỘT BƯỚC TIẾN LỚN đối với nông dân Mỹ," ông viết trên X.
Tuy nhiên, Washington vẫn chưa chính thức công bố các chi tiết của thỏa thuận, trong khi Hà Nội tỏ ra thận trọng, tránh không nhắc đến các con số mà ông Trump đã nêu.
Điều này đã đặt ra những suy đoán về chi tiết kỹ thuật của thỏa thuận.
Tờ Politico đưa tin họ tiếp cận được bản dự thảo thỏa thuận thương mại Việt-Mỹ, tuy nhiên không nêu chi tiết mức thuế cuối cùng sẽ là bao nhiêu.
Bản dự thảo này cũng nêu hai bên sẽ tiếp tục làm việc để hoàn tất một thỏa thuận cuối cùng "trong vài tuần tới," qua đó sẽ dẫn đến việc "giảm đáng kể" các mức thuế mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Politico cho biết.
Tờ báo này nhấn mạnh rằng thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận đầu tiên mà chính quyền Trump ký kết nhằm đình chỉ các mức thuế "đối ứng".
Tuy nhiên, tờ báo này không nêu cụ thể ngày đề trên bản dự thảo nói trên hoặc liệu đó có phải bản cập nhật mới nhất hay không.
Truyền thông ở Việt Nam cũng đồng loạt đăng các bài nói rằng chính quyền Mỹ nhất trí "cắt giảm đáng kể" mức thuế đối ứng 46% trước đó, và không đề cập cụ thể con số bao nhiêu.
Tuyên bố áp chốt được thỏa thuận và áp mức thuế mới với Việt Nam được cộng đồng mạng xã hội đón nhận với nhiều sắc thái khác nhau.
Theo ghi nhận của BBC News Tiếng Việt, khá nhiều người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam dường như đang "ăn mừng" với mức thuế ông Trump công bố.
Trong khi đó, Reuters nói rằng một thỏa thuận giữa hai nước sẽ là cú hích chính trị cho ông Trump, trong lúc tổng thống Mỹ cùng đội ngũ đang chật vật tìm cách hoàn tất các thỏa thuận với các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trước thời hạn chót.
"Giả sử ông Trump vẫn giữ mức thuế 46% – cao hơn nhiều so với mức thuế hiện tại áp lên Trung Quốc – thì Việt Nam lo ngại rằng nước này sẽ bị thua thiệt so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á," Reuters dẫn lời ông Murray Hiebert, cố vấn cấp cao thuộc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn chính sách, nhận định.
"Điều đó rất có thể đã làm xói mòn lòng tin của Việt Nam vào Hoa Kỳ và khiến Hà Nội giảm bớt một phần hợp tác an ninh với Washington."

Nguồn hình ảnh,VGP
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đàm phán cùng lúc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick và Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer theo hình thức trực tuyến
Sự chú ý đang đổ dồn vào Trung Quốc, đợi chờ phản ứng của cường quốc châu Á.
"Câu hỏi lớn hiện nay là Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào," Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Rana Sajedi trong một bài viết đăng ngày 3/7.
"Bắc Kinh đã tuyên bố rõ rằng họ sẽ đáp trả những thỏa thuận gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, và việc đồng ý áp mức thuế cao hơn đối với các mặt hàng bị coi là 'trung chuyển' qua Việt Nam có thể bị xếp vào loại đó", bà Sajedi nói.
Bà cũng nói thêm rằng với vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn cung ứng chính các đầu vào cho quy trình sản xuất trong nước, bất kỳ biện pháp trả đũa nào từ phía Trung Quốc cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Theo ước tính của bà Sajedi, thỏa thuận này có thể khiến Việt Nam mất 25% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong trung hạn, đe dọa tới hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của quốc gia Đông Nam Á này.
Một số nhà sản xuất Trung Quốc tại Việt Nam đã thở phào nhẹ nhõm vào hôm 2/7 sau thông tin về mức thuế được đưa ra, đánh giá rằng thỏa thuận đạt được "tốt hơn mong đợi", và chấm dứt ba tháng bất ổn, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Hầu hết các nhà xuất khẩu Trung Quốc khả năng cao là sẽ tiếp tục vận hành tại Việt Nam sau thỏa thuận thương mại Việt-Mỹ, khi các doanh nghiệp và giới phân tích tại Việt Nam cho rằng mức thuế mà ông Trump công bố là "có thể chấp nhận được", SCMP đưa tin.
Mức thuế 'mới' là cao hay thấp?
Trong khi tổng thống Mỹ công bố mức thuế với hàng Việt trên mạng xã hội, vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về chuyện các mặt hàng nào sẽ được áp mức thuế đối ứng 20%, hay định nghĩa như thế nào là hàng trung chuyển né thuế phải chịu thuế 40%.Trong khi đó, tờ Politico, dẫn bản dự thảo nói trên, cho biết việc cắt giảm thuế sẽ áp dụng cho nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có sản phẩm công nghệ, giày dép, hàng nông sản và các mặt hàng tiêu dùng như đồ chơi.
"Đó sẽ là một chiếc phao cứu sinh cho ngành xuất khẩu của Việt Nam, vốn phụ thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ và sẽ gần như sẽ bị loại khỏi cuộc chơi nếu phải chịu mức thuế 46%," Politico viết.
Một doanh nhân từ TP HCM nhận định với BBC News Tiếng Việt vào ngày 2/7 rằng mức thuế 20% là "có thể chấp nhận được".
Lý do, theo ông, với thực trạng nước Mỹ thì "hàng Việt Nam mình vẫn cạnh tranh tốt với lại các cái mặt hàng khác".
"Bởi vì hiện người dân của mình có nhiều cái sáng tạo, đổi mới công nghệ, thành ra mình không có ngại vấn đề cạnh tranh đâu," ông nói.
Trong khi đó, giáo sư khoa học chính trị Edmund Malesky tại Đại học Duke (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 2/7 rằng mặc dù các chi tiết vẫn còn cần được hoàn thiện, thỏa thuận thương mại này "là một bước tiến tích cực khi mức thuế áp lên hàng hóa Việt Nam được giảm từ mức khủng khiếp 46% xuống còn 20%".
Theo ông, trong khi Trung Quốc đang đối mặt với mức thuế đối ứng 30% đối với hầu hết các mặt hàng, Việt Nam nhiều khả năng vẫn sẽ hưởng lợi từ việc một phần sản xuất được dịch chuyển khỏi nước láng giềng phía Bắc.
"Cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết tình trạng lách xuất xứ cũng mang lại lợi ích cho Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế 20% vẫn là rất cao và sẽ tiếp tục gây ra những thách thức lớn đối với các nhà sản xuất Việt Nam cũng như làm tăng giá cho người tiêu dùng Mỹ," ông Malesky nói.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Mức thuế "hàng trung chuyển" 40%, theo tuyên bố của ông Trump, phần nào cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc ngăn chặn Trung Quốc lách thuế vào Mỹ thông qua Việt Nam mà quan chức Washington nhiều lần tuyên bố
Trong bài viết đăng ngày 2/7 trên tờ New York Times, phản ứng ban đầu đối với thỏa thuận là tiêu cực, khi các hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ lo ngại rằng mức thuế ít nhất 20% vẫn sẽ được duy trì.
"Thuế suất hiện vẫn còn khá cao so với kỳ vọng của chúng tôi, và nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến quy tắc xuất xứ cho các mức thuế khác nhau vẫn chưa rõ ràng," bài viết dẫn lời trả lời phỏng vấn của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam.
Ông Matt Priest, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ, cho biết việc áp thuế lên hàng hóa từ Việt Nam sẽ khiến giá giày tăng đối với người tiêu dùng Mỹ.
"Việt Nam là mắt xích thiết yếu trong chuỗi cung ứng giày dép của Mỹ, đặc biệt là giày thể thao," ông nói.
"Nhiều mẫu giày thể thao đang rất được ưa chuộng đã phải chịu thuế suất 20%. Việc áp thêm thuế mới không chỉ là điều không cần thiết - mà còn là một chính sách kinh tế tồi. Chính quyền nên nhìn nhận rằng các loại thuế giày dép hiện đã ở mức cao và tránh gây thêm gánh nặng cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ."
Tuy nhiên, phản ứng từ thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy tín hiệu tươi sáng hơn.
Cổ phiếu của các công ty trong ngành nội thất và may mặc đã tăng sau bài đăng của ông Trump, với cổ phiếu của ON Holding, Nike và Lululemon lần lượt đạt mức cao trong phiên, tăng tới 7,2%, 3,9% và 2,9%.
Trước đó, vào tháng Năm, ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital có trụ sở TP HCM, dự báo Việt Nam nếu đối mặt với mức thuế đối ứng 20% thì tăng trưởng GDP có thể bị ảnh hưởng từ 0,8% đến 1,3%, tùy thuộc vào việc có miễn trừ xuất khẩu công nghệ hay không.
Việc tiên phong trở thành quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ của Việt Nam đã thu hút nhiều sự chú ý.
Tờ Politico cho rằng điều khoản thỏa thuận giữa Việt Nam và Mỹ sẽ có "ảnh hưởng sâu rộng" lên cách các quốc gia khác ở châu Á tiếp cận các cuộc đàm phán với Mỹ.
"Một nhà ngoại giao đang dẫn đầu đàm phán cho một quốc gia châu Á khác cho biết các nước trong khu vực khó có khả năng chấp nhận bất kỳ điều kiện nào mà họ cho là kém hơn so với những gì Việt Nam đạt được," bài viết nêu.
Mức thuế "trung chuyển" 40%, theo tuyên bố của ông Trump, phần nào cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc ngăn chặn Trung Quốc lách thuế vào Mỹ thông qua Việt Nam mà quan chức Washington nhiều lần tuyên bố.
Politico dẫn bộ khung dự thảo thỏa thuận cho biết Mỹ và Việt Nam sẽ "thiết lập các quy tắc xuất xứ thuận lợi" đối với hàng nhập khẩu của nhau nhằm giảm thiểu việc trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng không có chi tiết cụ thể.
"Dự thảo cũng nêu Việt Nam sẽ giải quyết các rào cản phi thuế quan như việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ," bài viết ghi.
Một trong những câu hỏi được đặt ra là việc xác định như thế nào là hàng "trung chuyển", đối tượng chịu thuế tới 40%.
Ông Dan Martin, chuyên gia tư vấn tại công ty Dezan Shira & Associates, viết trên LinkedIn rằng "trung chuyển" là một thuật ngữ mơ hồ và thường mang tính chính trị trong thực thi thương mại.
"Việc định nghĩa và áp dụng khái niệm này trên thực tế sẽ định hình tương lai của quan hệ thương mại Mỹ-Việt," ông nhận định.
Trong khi đó, một doanh nhân ở TP HCM nói với BBC rằng để được hưởng mức thuế 20%, doanh nghiệp phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa 100% thuần Việt - một "gánh nặng vì khâu này tốn nhiều tiền bạc và thời gian".