Ông Trump hoãn thuế bổ sung 10% với BRICS, chỉ ra đòn với nước 'chống Mỹ'

Tổng thống Donald Trump hôm 7/7 đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp mức thuế bổ sung 10% đối với bất kì quốc gia liên kết với những gì ông gọi là chính sách chống Mỹ của BRICS

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
8 tháng 7 2025
Mỹ sẽ không lập tức áp thuế mới thêm 10% đối với các thành viên của khối BRICS, nhưng sẽ thực hiện nếu các quốc gia đó có các chính sách được cho là "chống Mỹ", hãng tin Reuters trích dẫn một nguồn tin am hiểu vấn đề.
Tổng thống Donald Trump hôm 7/7 đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp mức thuế bổ sung 10% đối với bất kì quốc gia đứng về phía mà ông gọi là "chính sách chống Mỹ" của BRICS, khiến các thành viên của khối này mạnh mẽ phủ nhận rằng họ không có lập trường chống lại Washington.
"Một ranh giới đang được vạch ra. Nếu các quyết định chính sách được đưa ra theo hướng chống Mỹ, thì mức thuế quan trên sẽ được áp dụng", nguồn tin yêu cầu giấu tên nói với Reuters.
Trong khi đó, Nhà Trắng chưa ban hành bất kỳ sắc lệnh hành pháp nào liên quan đến vấn đề này.
Thông báo của ông Trump đưa ra trên mạng xã hội Truth Social hôm 7/7, trong bối cảnh Ấn Độ, Indonesia và các quốc gia khác trong nhóm BRICS đang đàm phán các thỏa thuận thương mại vào phút chót với chính phủ Mỹ trước thời hạn ngày 9/7, thời điểm mà ông Trump từng cho biết là sẽ áp đặt lại các mức thuế đối ứng cao "ngất ngưởng".

Indonesia mới đây đã nhận được thông báo áp thuế 32% từ Mỹ, còn với các quốc gia khác, thuế quan đã được hoãn lại đến 1/8.
Các chuyên gia thương mại cho biết lời đe dọa mới này nhằm mục đích duy trì và tăng áp lực lên các quốc gia tìm cách tránh mức thuế quan cao mà ông Trump đề xuất vào tháng Tư.
Nhiều thành viên BRICS và các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam, phụ thuộc rất nhiều vào thương mại với Mỹ.
Thông điệp của ông Trump xuất hiện chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi các nhà lãnh đạo BRICS đưa ra một tuyên bố chung dài 31 trang, trong đó lên án các cuộc tấn công vào Gaza và Iran, kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu và cảnh báo rằng thuế quan đơn phương đe dọa đến thương mại toàn cầu.
Ra đời vào năm 2006, BRIC có bốn thành viên sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. 5 năm sau, họ kết nạp thêm Nam Phi, bổ sung chữ "S" cuối cùng vào từ viết tắt ban đầu, thành BRICS.
Sau đó, Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và UAE đã được kết nạp trong vòng hai năm 2024 và 2025. Riêng Ả Rập Xê Út, mặc dù được chấp nhận là thành viên, nhưng đang tham gia với tư cách là quốc gia đối tác.
Việt Nam chính thức trở thành quốc gia đối tác của BRICS hôm 14/6, bên cạnh 9 nước khá là Belarus, Bolivia, Cuba, Kazakhstan, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan.
Ông Trump cho biết đã chốt được một thỏa thuận với Việt Nam khi kéo mức thuế đối ứng từ 46% xuống còn 20% với hàng sản xuất trong quốc gia Đông Nam Á này xuất sang Mỹ, và 40% với hàng trung chuyển.
Nhà lãnh đạo Mỹ có quan hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo của một số quốc gia trong thành viên và đối tác của BRICS, chẳng hạn như Ả Rập Xê Út và UAE, và đã lên tiếng về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại với Ấn Độ trong nhiều tuần.
Hiện chưa rõ lời đe dọa mới nhất của ông Trump có làm chệch hướng các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Ấn Độ và các quốc gia BRICS khác hay không.
Nam Phi khẳng định rằng họ không "chống Mỹ" và cho biết các cuộc đàm phán của nước này với chính phủ Hoa Kỳ vẫn mang tính xây dựng.
Các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS chụp ảnh tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Rio de Janeiro, Brazil ngày 7/7/2025

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS chụp ảnh tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Rio de Janeiro, Brazil ngày 7/7/2025

'Thế giới không cần hoàng đế'​

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS hôm 7/7, các quốc gia mới nổi đã bác bỏ lời cáo buộc của ông Trump rằng họ "chống Mỹ", với việc Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva nói rằng thế giới không cần một hoàng đế sau khi nhà lãnh đạo Mỹ đe dọa áp thêm thuế đối với khối này.
"Thế giới đã thay đổi. Chúng tôi không cần một hoàng đế", ông Lula đã thể hiện sự cứng rắn khi được hỏi về lời đe dọa của ông Trump.
Nói về khối BRICS, ông tuyên bố: "Đây là nhóm các quốc gia muốn tìm ra một cách khác để tổ chức thế giới từ góc độ kinh tế. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao BRICS khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái."
Trước đó, vào tháng 2/2025, ông Trump đã cảnh báo BRICS sẽ phải đối mặt với mức thuế 100% nếu cố gắng làm suy yếu vai trò của đồng đô la Mỹ trong thương mại toàn cầu.
Brazil, nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên của BRICS năm nay, đã tạm lùi bước trong nỗ lực thúc đẩy một đồng tiền chung cho nhóm, ý tưởng mà một số thành viên đã đề xuất vào năm 2024.
Tuy nhiên, ông Lula hôm 7/7 vẫn lặp lại quan điểm rằng thương mại toàn cầu cần có những lựa chọn thay thế cho đồng đô la Mỹ.
"Thế giới cần tìm cách để các mối quan hệ thương mại không nhất thiết phải thông qua đồng đô la," nhà lãnh đạo Brazil nói tại Rio de Janeiro.
"Rõ ràng là chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện điều đó một cách cẩn thận. Các ngân hàng trung ương của chúng ta phải thảo luận về vấn đề này với các ngân hàng trung ương của các quốc gia khác. Đó là quá trình diễn ra từ từ cho đến khi ổn định", ông nói thêm.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu trước truyền thông tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 7/7/2025

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu trước truyền thông tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 7/7/2025
Các thành viên khác của BRICS phản ứng với lời đe dọa của Trump một cách kín đáo hơn.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói với báo giới rằng khối BRICS không tìm cách cạnh tranh với bất kỳ cường quốc nào và bày tỏ sự lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Còn về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh phát biểu: "Thuế quan không nên được sử dụng như một công cụ để ép buộc và gây sức ép".
Bà Mao Ninh nói thêm rằng BRICS ủng hộ "hợp tác đôi bên cùng có lợi" và "không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào."
Đối với Nga, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết hợp tác của Nga với BRICS dựa trên "tầm nhìn chung về thế giới" và "sẽ không bao giờ nhằm vào các quốc gia thứ ba."
Ấn Độ hiện chưa đưa ra phản ứng chính thức nào trước lời đe dọa của ông Trump.
Indonesia, thành viên mới nhất của BRICS, đã cử Bộ trưởng Kinh tế cấp cao Airlangga Hartarto đến Mỹ vào hôm 7/7 để giám sát các cuộc đàm phán thuế quan.
Trong bối cảnh các diễn đàn như G7 và G20 gặp khó khăn vì chia rẽ nội bộ và cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" gây rối loạn của ông Trump, nhóm BRICS đã tự định vị mình là điểm đến cho ngoại giao đa phương trong lúc thế giới hỗn loạn vì xung đột và chiến tranh thương mại.
 

Có thể bạn quan tâm

Top