Ông Trump ký 'tối hậu thư' cho 12 nước, hé lộ thuế mới có thể 70%

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nguồn hình ảnh,Reuters
5 tháng 7 2025
Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã ký các bức thư gửi đến 12 quốc gia, trong đó nêu rõ các mức thuế khác nhau mà họ sẽ phải đối mặt với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, Reuters đưa tin.
Những đề nghị theo kiểu "chấp nhận hoặc thôi" này dự kiến sẽ được gửi đi vào thứ Hai ngày 7/7 giờ Mỹ.
Khi trả lời phóng viên trên chuyên cơ Air Force One trong chuyến đi đến New Jersey, ông Trump từ chối nêu tên các quốc gia liên quan, nói rằng thông tin này sẽ được công bố vào thứ Hai.
Trước đó, vào ngày 3/7, ông Trump từng nói với phóng viên rằng ông dự kiến loạt thư đầu tiên sẽ được gửi đi vào 4/7 - ngày Quốc khánh Mỹ - nhưng giờ đây lịch trình đã thay đổi.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu đang gây chấn động thị trường tài chính và khiến các nhà hoạch định chính sách phải vội vã bảo vệ nền kinh tế của mình, ông Trump vào tháng Tư đã công bố mức thuế cơ bản 10% và các mức bổ sung cho hầu hết các quốc gia, một số lên tới 50%.

Tuy nhiên, tất cả các mức thuế ngoài mức cơ bản 10% sau đó đã bị tạm dừng trong 90 ngày để có thêm thời gian đàm phán và đạt được thỏa thuận.
Thời gian này sẽ kết thúc vào ngày 9/7. Mặc dù vậy, vào sáng 4/7, ông Trump cho biết mức thuế thậm chí có thể cao hơn – lên tới 70% – và hầu hết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Khi được hỏi về kế hoạch thuế quan của mình, ông Trump nói:
"Tôi đã ký một số bức thư và sẽ gửi đi vào thứ Hai, có lẽ là mười hai thư. Số tiền khác nhau, mức thuế khác nhau."
Ban đầu, ông Trump và các trợ lý hàng đầu của ông tuyên bố sẽ khởi động các cuộc đàm phán với hàng loạt quốc gia về mức thuế.
Nhưng Tổng thống Mỹ đã dần trở nên ngán ngẩm với quá trình này sau nhiều lần gặp trở ngại với các đối tác thương mại lớn, trong đó có Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Cuối ngày 4/7, ông Trump đã thông báo chuyện này một cách ngắn gọn với các phóng viên: "Thư từ tốt hơn... dễ gửi thư nhiều."
Ông không đề cập đến dự báo trước đó của mình về việc một số thỏa thuận thương mại lớn hơn có thể đạt được trước thời hạn 9/7.
Sự thay đổi trong chiến lược của Nhà Trắng phản ánh những thách thức trong việc hoàn thành các thỏa thuận thương mại, từ thuế quan đến các rào cản phi thuế quan như lệnh cấm nhập khẩu nông sản, đặc biệt là với một lịch trình cấp tốc.
Hầu hết các thỏa thuận thương mại trong quá khứ đều mất nhiều năm đàm phán để hoàn thành.
Cho đến nay, chỉ có hai thỏa thuận thương mại với Mỹ được ký kết:
Với Vương quốc Anh: đạt được thỏa thuận vào tháng 5 để duy trì mức thuế 10% và được ưu đãi đặc biệt cho một số lĩnh vực như ô tô và động cơ máy bay.
Với Việt Nam: cắt giảm thuế đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam xuống còn 20% so với mức 46% mà ông từng đe dọa trước đó. Nhiều sản phẩm của Mỹ cũng sẽ được phép vào Việt Nam miễn thuế.
Ông Trump viết trên mạng xã hội về điều này:
"Theo quan điểm của tôi, dòng xe SUV, hay còn gọi là phương tiện động cơ lớn, vốn rất thành công tại Hoa Kỳ, sẽ là một sự bổ sung tuyệt vời cho các dòng sản phẩm tại Việt Nam. Làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm, điều mà tôi đích thân thực hiện, là một niềm vui tuyệt đối."
Một thỏa thuận dự kiến với Ấn Độ đã không thành hiện thực.
Các nhà ngoại giao EU vào ngày 4/7 cũng cho hay họ đã không đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền Trump và có thể sẽ tìm cách kéo dài tình trạng hiện tại để tránh bị tăng thuế.
 

Có thể bạn quan tâm

Top