Ông Trump tuyên bố thuế mới với Việt Nam, doanh nghiệp người mừng, kẻ lo

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói được làm việc Tổng Bí thư Tô Lâm của Đảng Cộng sản Việt Nam là một niềm vui tuyệt đối

Nguồn hình ảnh,BBC/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Donald Trump nói được làm việc Tổng Bí thư Tô Lâm của Đảng ******** Việt Nam là một niềm vui tuyệt đối
3 tháng 7 2025
Áp lực! Không thể cạnh tranh nổi! Trầy vi tróc vảy! Còn gồng được! Cần chờ thêm! Đấy là những phản ứng đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam. Chuyên gia có cái nhìn tươi sáng hơn, dù coi thỏa thuận mà ông Trump tuyên bố là một "thắng lợi" cho Tổng thống Mỹ.
Ông Lê Song Hào, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành SHDC Electronics, nói với BBC News Tiếng Việt rằng dù đã có tin từ Tổng thống Trump nhưng những doanh nghiệp xuất khẩu như ông vẫn phải đợi xem xét nhiều thứ.
Các doanh nghiệp Việt Nam vài tháng qua đứng ngồi không yên vì chờ đợi mức thuế mới mà các lãnh đạo thương thảo được.
Tối muộn giờ Việt Nam ngày 2/7, Tổng thống Trump bất ngờ thông báo trên mạng xã hội Truth Social là ông đã chốt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam.
Theo ông Trump, Việt Nam sẽ trả cho Hoa Kỳ mức thuế 20% đối với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ và 40% đối với hàng hóa trung chuyển. Đổi lại, hàng Mỹ xuất khẩu đến thị trường Việt Nam được giảm về mức thuế 0%.

Phản ứng từ phía chính quyền Việt Nam không nhắc đến các con số thuế cụ thể mà ông Trump nêu.
Truyền thông Việt Nam tập trung đưa tin Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump, và tỏ ra thận trọng nói rằng đó là mức thuế "giảm đáng kể".
Theo Politico, thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận đầu tiên mà chính quyền Trump ký kết để đình chỉ mức thuế "có đi có lại" từ 20 đến 50 phần trăm mà ông đe dọa áp dụng, dự kiến có hiệu lực vào ngày 9/7.
Trước đó, Nhà Trắng đã đạt được một thỏa thuận khuôn khổ với Vương quốc Anh, quốc gia không phải chịu mức thuế đối ứng nói trên, cũng như một thỏa thuận với Trung Quốc để tạm hoãn mức thuế lên đến ba chữ số cho đến tháng 8.
Vẫn chưa có các thông tin cụ thể về thỏa thuận thương mại song phương Việt - Mỹ, vì thế các doanh nghiệp vẫn thận trọng và tiếp tục chờ đợi.

Doanh nghiệp chờ gì?​

Trump Quote

Ông Lê Song Hào nói với BBC rằng công ty ông cần đợi hướng dẫn thuế chi tiết cho từng mã hàng.
"Nếu tất cả thuế đều là 20% thì theo tôi là khá cao, Việt Nam tạm thời chỉ còn thấp hơn Trung Quốc là 10% và khoảng cách này không quá lớn. Do đó, nó giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam", ông Hào nói.
Doanh nhân này cho rằng điều "quan trọng nhất" là phải đợi thêm mức thuế mà Mỹ chốt với Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Indonesia bởi đây là các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
"Nếu các nước này có mức thuế gần 20% giống như Việt Nam thì cũng không quá đáng ngại", ông Hào đánh giá.
Theo ông Hào, để đánh giá tác động và ảnh hưởng của mức thuế này đến Việt Nam cần phải chờ bức tranh đầy đủ hơn, tức là khi chính quyền Mỹ công bố mức thuế đối ứng cho tất cả các nước đối thủ của Việt Nam.
"Nhưng tôi tin rằng mức 20% này là mức cao nhất thôi, còn các mặt hàng thuần Việt như thuỷ sản, gỗ sẽ có mức thấp hơn nữa," nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành SHDC Electronics nói với BBC.
Ông Hào nói rằng công ty ông chuyên xuất khẩu các sản phẩm điện tử tiêu dùng, bao gồm sạc điện thoại, phụ kiện di động và chuột máy tính. Toàn bộ hàng hóa đều xuất khẩu đến thị trường Mỹ, với doanh thu hàng tháng trị giá khoảng 2 triệu USD.
Ông Hào cho biết mức thuế 20% "sẽ là khá cao", tuy nhiên, vị doanh nhân này cũng "không lo lắng gì" vì cho rằng các công ty lớn như Apple, SamSung, Foxcom, Canon sẽ thấm đòn trước hết.
"Hơn nữa, công ty của tôi là một trong số rất ít doanh nghiệp trong ngành điện tử nên giờ đơn hàng sẽ tăng thôi, vì FDI phải tăng mua hàng Việt Nam để đạt tỷ lệ nội địa hoá nên nhìn chung tôi cũng không quá lo lắng," ông nói.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng khác nói với BBC rằng những diễn biến vừa qua cho thấy bước đầu giới lãnh đạo hai nước đã chốt được thỏa thuận, "bây giờ cuộc chơi là của doanh nghiệp".
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách thương lượng với bên mua hàng và chỉ những công ty "có thực lực" thì mới trụ vững được.
Hệ thống dây chuyền sản xuất và nhân sự của nhà máy SHDC đặt tại Khu công nghiệp VSIP, Hải Dương, Việt Nam

Nguồn hình ảnh,SHDC
Chụp lại hình ảnh,Các công nhân vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất của nhà máy SHDC đặt tại Khu công nghiệp VSIP, Hải Dương, Việt Nam
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp tỏ ra lo lắng.
Một doanh nhân chuyên về xuất khẩu đồ nội thất sang Mỹ nói với BBC rằng mức thuế 20% sẽ khiến họ "trầy da tróc vảy".
"Lợi nhuận sản xuất sẽ không cao vì sẽ có rất nhiều khoản cần chi trả như vận tải, làm thủ tục hải quan, hãng tàu, thuế, đóng gói... tất cả khoản này có khi cao hơn tiền hàng của chúng tôi. Hiện Trung Quốc chịu thuế 30% và tôi nghĩ mình chỉ cách biệt 10% là không thể cạnh tranh nổi", doanh nhân này nói.
Đấy là chưa kể nguyên vật liệu của công ty phải "nhập từ Trung Quốc khá nhiều vì có những thứ Việt Nam không tự sản xuất được" và nếu được thì giá thành cũng rất cao, không có lời.
Một vấn đề đau đầu khác là để được hưởng mức thuế 20% như ông Trump tuyên bố, hàng hóa xuất đi "phải làm thủ tục cấp CO 100%", nghĩa là phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa 100% thuần Việt, điều mà chủ doanh nghiệp này cho rằng "là gánh nặng vì khâu này tốn nhiều tiền bạc và thời gian".
"Bây giờ chúng tôi phải họp với bên mua hàng để đợi quyết định của họ, họ quyết sống thì chúng tôi còn thở được, ngược lại thì phải chịu," chủ doanh nghiệp này nói với BBC.
Trên Facebook cá nhân, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ rằng mức thuế 20% mà ông Trunp tuyên bố vẫn là một gánh nặng, nhưng ít nhất Việt Nam "giữ được quyền tiếp cận thị trường Mỹ và có thời gian xoay xở".
Bà Hạnh cho rằng đó không phải thắng lợi nhưng là bước đi khôn ngoan trong lúc khó khăn nhưng quan trọng là phải chờ xem những đối thủ cạnh tranh từng ngành hàng cùng xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế bao nhiêu.
Các đối thủ mà bà Hạnh nhắc đến chẳng hạn như Bangladesh và Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may, Thái Lan về nông sản, đồ gỗ là Malaysia... và cho rằng theo cách "làm việc chớp nhoáng" của Tổng thống Donald Trump thì "tình hình biến động còn kéo dài", vì thế các doanh nghiệp muốn trụ vững thì phải lo giữ vững nội lực của mình.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh chia sẻ rằng một số doanh nghiệp trong ngành thủy sản "đang than áp lực", trong khi ngành gỗ cho rằng "vẫn gồng được".

Tổng thống Trump được lợi nhất?​

Tổng thống Trump được cho là người hưởng lợi nhiều nhất từ việc áp thuế đối ứng này khi ông có thể nói với người dân Mỹ rằng Việt Nam sẵn sàng mở toang thị trường cho hàng Mỹ

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Trump được cho là người hưởng lợi nhiều nhất từ việc áp thuế đối ứng này khi ông có thể nói với người dân Mỹ rằng Việt Nam sẵn sàng mở toang thị trường cho hàng Mỹ
Dù phía Việt Nam chưa đưa ra chi tiết nhưng người đứng đầu Nhà Trắng đã tuyên bố rộng rãi rằng để Mỹ hạ mức thuế từ 46% xuống còn 20%, Việt Nam sẽ phải thực hiện một điều mà nước này "chưa từng làm trước đây" là trao cho Mỹ "TOÀN QUYỀN TIẾP CẬN thị trường nước này.
Điều đó có nghĩa là Việt Nam mở toang cánh cửa cho hàng Mỹ, và hàng xuất khẩu từ Mỹ đến Việt Nam sẽ được miễn thuế.
Nhận định với BBC News Tiếng Việt, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, người có hơn 25 năm kinh nghiệm tư vấn kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp tại Hoa Kỳ và châu Á, nói rằng nhìn chung thỏa thuận mà Tổng thống Trump đăng tải, với việc Việt Nam đồng ý 20% thuế hàng Việt Nam xuất vào Mỹ và hạ thuế về 0% hàng Mỹ vào Việt Nam là một thỏa thuận "tốt nhất mà Việt Nam có thể đạt được".
Theo ông Chương, thỏa thuận này có giá trị tích cực vào thời điểm hiện tại "để giải quyết thứ nhất là vấn đề căng thẳng quan hệ giữa hai nước và để cho người dân, doanh nghiệp ở Việt Nam có một sự ổn định tối thiểu để tính toán nên làm gì."
"Trước mắt, nói về chuyện lợi ích thì có lợi cho cả hai bên nhưng người hưởng lợi nhất có lẽ là Tổng thống Trump vì ông có dịp được khoe với người dân của mình là ông mới áp lực thì Việt Nam đã nhanh chóng chấp thuận, giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ vào Việt Nam tới mức Zero.
"Thực tế, đây là phản ứng đầu tiên, nhanh chóng của Việt Nam ngay sau khi ông Trump dọa đánh thuế Việt Nam tới 46% cách đây khoảng 2 tháng. Tôi nghĩ phản ứng của Việt Nam có giá trị chính trị rất lớn đối với ông Trump vì ông được khoe với người dân Mỹ là Việt Nam đã 'mở toang thị trường nhập khẩu cho hàng Mỹ' mà Việt Nam vẫn phải trả cho Mỹ 20% để nhập hàng vào Mỹ" ông Chương nói.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng ít nhất trên bề mặt, ông Trump có thể tuyên bố đó là một chiến thắng cho chính sách của ông và cá nhân ông và rằng lợi ích cho Việt Nam là được giảm từ 46% xuống 20% - một động thái nằm trong chiến lược giơ cao đánh khẽ của ông Trump.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đàm phán cùng lúc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick và Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer theo hình thức trực tuyến

Nguồn hình ảnh,VGP
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đàm phán cùng lúc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick và Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer theo hình thức trực tuyến
Ông Chương đánh giá cao "sự thông minh của Việt Nam" trong việc giải tỏa căng thẳng quan hệ giữa hai bên và cho rằng việc miễn thuế hàng nhập khẩu của Mỹ "thật sự là một điểm tốt".
"Việt Nam nhập được những hàng như công nghệ cao, năng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG mà Việt Nam cần để phát triển. Nhập với 0% nghĩa là người tiêu dùng ở Việt Nam trả mức giá thấp nhất đối với hàng chất lượng cao từ Mỹ và đây cũng là một cơ hội để sản xuất trong nước vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Chương nói.
Ở mặt khác, ông Chương cho rằng đây cũng là một áp lực với một số nhà xuất khẩu ở Việt Nam vì họ phải đa dạng hóa thị trường nhanh chóng hơn, tận dụng các hiệp định thương mại tự do khác và đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành nội địa.
"Tóm lại, đây là thỏa thuận có giá trị tích cực và tôi nghĩ doanh nghiệp trong nước sẽ đón nhận đây như một tin vui. Còn đối với chính phủ Việt Nam, thỏa thuận này có giá trị lớn khác ngoài thương mại," ông Chương nói với BBC ngày 3/7.
Giáo sư khoa học chính trị Edmund Malesky tại Đại học Duke (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng mặc dù các chi tiết vẫn còn cần được hoàn thiện, thỏa thuận thương mại này "là một bước phát triển tích cực khi mức thuế áp lên hàng hóa Việt Nam được giảm từ mức khủng khiếp 46% xuống còn 20%".
Theo ông Malesky, trong khi Trung Quốc đang đối mặt với mức thuế 30% đối với hầu hết các mặt hàng, Việt Nam nhiều khả năng vẫn sẽ hưởng lợi từ việc một phần sản xuất được dịch chuyển khỏi nước láng giềng phía Bắc.
"Cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết tình trạng lách xuất xứ cũng mang lại lợi ích cho Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế 20% vẫn là rất cao và sẽ tiếp tục gây ra những thách thức lớn đối với các nhà sản xuất Việt Nam cũng như làm tăng giá cho người tiêu dùng Mỹ", ông nói.
Doanh nhân Lê Song Hào nói với BBC rằng việc truy nguồn gốc xuất xứ, cụ thể là làm thủ tục cấp CO 100% sẽ là một tín hiệu tốt đối với các công ty như của ông.
Lý do là, theo ông Hào, trong lĩnh vực hàng điện tử hiện nhiều nhà máy FDI của Trung Quốc tại Việt Nam nhập hàng bán thành phẩm từ Trung Quốc rồi lắp ráp, đóng gói và xuất khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa của các mặt hàng này "chưa tới 5% nhưng vẫn ghi là made in Vietnam".
"Ví dụ, cái củ sạc điện thoại, họ nhập toàn bộ vỏ, mạch về, chỉ tra keo và kiểm tra chức năng, in laser đóng gói là xuất đi Mỹ. Cách làm như vậy thì khác gì gian lận xuất xứ, vì thế siết chặt vấn đề xuất xứ là điều tốt, nếu không thì sẽ gay go to vì thực chất chi phí Việt Nam mình sản xuất cao hơn Trung Quốc nên nếu họ dùng chiêu bài lắp ráp bán thành phẩm như vậy mình khó cạnh tranh lại," ông Hào nói.
 

Có thể bạn quan tâm

Top