Đạo lý Osho: Nghệ thuật sống không cần mục đích

Trong sự một mình đó mọi thứ biến mất. Người ta chỉ là mênh mông, người ta chỉ là không gian - thuần khiết, trong suốt. Trong sự thuần khiết đó người ta đắc ngộ, Thượng đế tới. Khi bạn sẵn sàng để trống rỗng, Thượng đế bước vào.
Bây giờ là chuyện ngụ ngôn hay này: Ai đó hỏi Liệt Tử: “Vì sao thầy lại coi trọng trống rỗng? Trong trống rỗng đâu có gì đáng giá”. Lẽ tự nhiên, trống rỗng thì có thể có giá trị gì? Nó bị buộc tội trên toàn thế giới. Ngoại trừ Đạo nhân và Phật tử, không ai hiểu trống rỗng là gì - nó bị kết tội. Ở phương Tây bạn nói: “Tâm trí trống rỗng là sào huyệt của quỷ dữ”.
Còn có sự buộc tội nào kinh khủng hơn thế nữa không? Sào huyệt của quỷ dữ ư? Tâm trí trống rỗng ư? Đạo nhân và Phật tử nói rằng tâm trí trống rỗng mới là mục tiêu. Khi bạn hoàn toàn trống rỗng, Thượng đế tới. Quỷ dữ chỉ có thể tồn tại với tâm trí hoạt động, không bao giờ với tâm trí bất hoạt. Quỷ dữ chỉ có thể tồn tại với tâm trí bận rộn, không khi nào với tâm trí thảnh thơi. Quỷ dữ chỉ có thể cưỡi trên những ý nghĩ, nó có thể sử dụng ý nghĩ và dục vọng. Làm sao nó có thể sử dụng sự trống rỗng được?
Và dường như họ đúng. Hitler không trống rỗng, Thành Cát Tư Hãn không trống rỗng, Tamerlane cũng không; họ là những người rất hoạt động. Quỷ dữ đã thông qua họ để đi vào thế giới. Bồ Đề Đạt Ma trống rỗng, Liệt Tử trống rỗng, Nagarjuna trống rỗng - quỷ dữ thậm chí không thèm tới gần họ. Chẳng có gì sai lầm từng phát xuất từ những người trống rỗng này, chỉ có cái tốt mà thôi; và chỉ cái tốt nở hoa. Tuyệt vời thay hương thơm của họ. Hàng thế kỉ đã trôi qua mà hương thơm của họ vẫn còn tươi mới như hôm nào.
Thường thì trống rỗng chưa bao giờ được coi là có giá trị, thế nên người hỏi ấy dường như đúng. Ông ta nói: “Vì sao thầy lại coi trọng trống rỗng? Trong trống rỗng đâu có gì đáng giá”. Loại giá trị gì? Bạn có thể làm gì với cái trống rỗng? Giá trị đi đôi với việc sử dụng. Cố hiểu điều đó: giá trị có được khi cái gì đó là hữu dụng. Làm sao bạn có thể đánh giá thứ không có? Không những nó không hữu dụng, mà nó còn không có - làm sao bạn có thể đánh giá nó được?
Song đó lại là cách tiếp cận của phủ định. Trống rỗng là vĩnh hằng, nó là của tự nhiên, của hiện hữu; nó không phải nhân tạo. Lão Tử nói: “Căn phòng có giá trị không phải vì những bức tường, mà vì cái trống rỗng bên trong”. Bạn dùng phòng chứ không dùng tường. Tất nhiên, khi xây nhà thì bạn xây tường chứ không phải cái trống rỗng; không ai có thể làm ra cái trống rỗng được.
Trống rỗng là vĩnh hằng, nó là của tự nhiên, của hiện hữu; nó không phải nhân tạo. Nhà do người làm ra, không phải cái trống rỗng. Nhưng bạn dùng cái gì? Bạn dùng tường hay bạn dùng không gian bên trong? Từ “phòng” thì tốt: “phòng” nghĩa là không gian. Bạn dùng phòng (room), không gian, “chỗ chứa” (roominess). Bạn đi qua cái gì trong bức tường, đi vào và đi ra? Khung cửa. Cửa thì trống rỗng. “Cửa” nghĩa là trống rỗng, là cái không có - vì thế bạn có thể đi vào đi ra. Bạn dùng cửa, bạn không dùng tường. Và bạn dùng phòng, bạn không dùng tường. Bạn dùng gì khi bạn dùng bình đất nung? Vỏ đất nung hay cái trống rỗng bên trong? Khi bạn tới giếng để lấy nước rồi bạn đem nước về nhà, bạn dùng gì? Cái trống rỗng của bình đất. Cái trống rỗng đó có giá trị và cái trống rỗng đó không do bạn tạo ra. Đạo nhân nói: “Cái mà không do con người tạo ra là cái có giá trị”. Cái được tạo ra có thể có giá trị tương đối, giá trị thị trường, nhưng thật sự nó không có giá trị - nó không có chút giá trị nào. Thứ con người làm ra là hàng hóa. Tất nhiên, nếu bạn vào chợ và bạn đem bán cái trống rỗng, sẽ chẳng ai mua nó. Không có giá trị gì trong đó và người ta sẽ cười ồ.
Lão Tử đi qua một khu rừng, và khu rừng đang bị đốn. Hàng ngàn thợ mộc đang chặt cây. Thế rồi ông tới gần một cây lớn - một cái cây rất lớn, cả ngàn xe bò kéo có thể nghỉ ngơi dưới bóng mát của nó - nó xanh tốt và đẹp thế. Ông phái môn đệ tới hỏi những thợ mộc vì sao cây này không bị đốn. Và họ nói: “Nó vô dụng. Ông không thể làm được gì từ nó: không thể làm đồ gỗ, không thể dùng làm chất đốt - nó quá nhiều khói. Nó vô dụng, đó là lí do vì sao chúng tôi đã không đốn nó”. Rồi Lão Tử nói với môn đệ của ông: “Hãy học cái cây này đi. Trở thành vô dụng như cây này thế thì sẽ chẳng ai đốn các anh”. Tính vô dụng có giá trị lớn. Ông nói: “Hãy nhìn và quan sát cây này. Hãy học điều gì đó từ cây này. Cây này thật tuyệt. Hãy nhìn, mọi cây khác đều bị đốn hết. Chúng hữu dụng, vì thế chúng bị đốn. Cây nọ rất thẳng, đó là lí do vì sao nó bị đốn. Nó phải rất bản ngã, rất thẳng, tự hào là ai đó - nó tiêu rồi. Cây này không thẳng, không một nhánh nào thẳng hết. Nó chẳng tự hào chút nào; vì thế nó tồn tại”. Lão Tử nói với môn đệ của ông: “Nếu các ông muốn sống lâu, hãy trở nên vô dụng”.
Nhưng nên nhớ, ngụ ý của ông ấy về từ vô dụng là: đừng trở thành hàng hóa, đừng trở thành đồ vật. Nếu bạn trở thành đồ vật bạn sẽ bị bán và mua ở chợ, và bạn sẽ trở thành nô lệ. Nếu bạn không phải là đồ vật, ai có thể mua bạn và ai có thể bán bạn? Hãy cứ là tạo vật của hiện hữu, của tự nhiên. Hãy cứ là tạo vật của hiện hữu, của tự nhiên. Đừng trở thành hàng hóa của con người thế thì không ai có thể dùng bạn được. Và nếu không ai có thể dùng bạn, bạn sẽ có cuộc sống tươi đẹp của riêng bạn - độc lập, tự do, vui vẻ.
Nếu chẳng ai có thể dùng bạn, chẳng ai có thể quy giản bạn thành phương tiện. Bạn sẽ không bao giờ bị xúc phạm, bởi trong cuộc sống này không có sự xúc phạm nào lớn hơn là trở thành phương tiện: ai khác sẽ dùng bạn - thể xác bạn, tâm trí bạn, bản thể bạn. Lão Tử nói: “Trở thành vô thực thể để cho không ai nhìn vào anh và anh có thể sống cuộc sống đúng như anh muốn sống nó. Không ai tới để can thiệp vào anh”.
Có chuyện là đệ tử của Lão Tử, Trang Tử, trở nên rất nổi tiếng và hoàng đế phái quan thượng thư đến mời ông ra làm thừa tướng. Lão Tử giận lắm. Ông nói: “Anh đã phải làm gì đó sai rồi, bằng không sao hoàng đế lại quan tâm tới anh? Anh đã phải chứng tỏ bản thân anh là có chỗ dụng. Anh đã phải bỏ lỡ lời giáo huấn của ta, bằng không làm sao có chuyện hoàng đế lại quan tâm tới anh? Từ nay anh sẽ không bao giờ được thanh thản nữa”.
Hãy là vô thực thể để thậm chí chẳng ai nghĩ rằng bạn có chỗ để lợi dụng. Có cái vô dụng mà cực kì hữu dụng. Lão Tử gọi nó là chỗ dụng của vô dụng. Nhưng chắc chắn là không có giá trị trong đó - ít nhất không phải là giá trị thị trường. Thường thì ai cũng muốn trở thành người có giá trị nào đó - bác sĩ, kĩ sư, họa sĩ, thi sĩ, mahatma - bạn mong muốn trở thành ai đó có giá trị, người không thể thiếu được cho thế gian. Bạn cảm thấy rất hạnh phúc nếu có người tới và nói: “Khi ông ra đi không bao giờ chúng tôi có thể thay thế được ông”. Bạn cảm thấy vô cùng hạnh phúc, nhưng thật ra họ đang nói gì? Họ nói rằng: “Ông là thứ mà chúng tôi đang dùng”. Bạn càng trở nên không thể thiếu được, bạn càng dễ bị quy giản thành đồ vật, bạn càng mất đi tự do. Nếu bạn có thể chết cứ như thể chẳng có gì xảy ra, nếu bạn biến mất khỏi thế gian và thậm chí không một dấu vết nào lưu lại, thế thì...
Có chuyện một Đạo nhân chết đi và Liệt Tử đến để bày tỏ lòng kính trọng. Song đã có hàng ngàn người tụ tập ở đó rồi. Ông phân vân, rồi quay về mà không bày tỏ lòng kính trọng với người chết lẫn thi hài của người này nữa. Vài người theo ông và họ nói: “Sao thế? Chẳng phải ông đã tới để bày tỏ lòng kính trọng ư - sao ông lại quay về?”. Ông đáp: “Người này không thể là người của Đạo được. Quá nhiều người đến than khóc, bằng cách nào đó ông ta phải trở thành không thể thiếu được cho cuộc sống của họ. Ông ta đã phải chứng tỏ là mình hữu dụng, bằng không sao những người ấy than khóc cứ như cha họ chết hay mẹ họ chết hay con họ chết? Sao những người ấy lại than khóc vậy? Ông ta hẳn đã không hoàn toàn vô dụng. Phải có chỗ đắc dụng nào đấy - đó là lí do vì sao ta quay về. Ông ta đã không theo lời thầy một cách đúng đắn”.
Cách tiếp cận của họ là nằm chỗ giá trị, giá trị tối thượng, trong việc không là ai hết, trong việc trống rỗng, trong việc không hữu dụng. Khi bạn không hữu dụng cho nhân loại, bạn trở nên vô cùng hữu dụng cho hiện hữu. Thế thì hiện hữu bắt đầu tuôn chảy qua bạn, thế thì bạn trở thành phương tiện - bởi lẽ bạn trống rỗng và nó có thể chảy qua bạn. Bạn trở thành ống trúc rỗng, hiện hữu có thể cất tiếng hát của nó qua bạn. Khi bạn cho phép đôi môi người cất lời ca qua bạn, hiện hữu bị từ chối.
“Trong trống rỗng đâu có gì đáng giá”, người ấy nói, “vì sao thầy lại coi trọng trống rỗng?”. Liệt Tử đáp: “Giá trị không phải là cái tên dành cho nó”. Nó giá trị tới mức bạn chỉ có thể gọi nó là vô giá. Giá trị không phải là cái tên dành cho nó. Giá trị nghĩa là hàng hóa, giá trị nghĩa là thứ có thể xác định trong điều kiện sử dụng của con người, thứ có thể trở thành phương tiện mà không phải là mục đích.
Mục đích không thể có giá trị theo nghĩa thông thường của thuật ngữ này. Chẳng hạn, nếu ai đó hỏi bạn “Bạn yêu, nhưng giá trị của tình yêu là gì?”, thì bạn sẽ nói sao?. Bạn sẽ nói “Giá trị không phải là cái tên dành cho nó”. Tình yêu không phải là giá trị theo cùng nghĩa mà chiếc xe có giá trị, ngôi nhà có giá trị. Tiền có giá trị, sức khỏe có giá trị, nhưng còn tình yêu? Tình yêu là tối thượng, là mục đích. Bạn yêu chỉ vì yêu mà thôi. Nó không phải là phương tiện cho bất cứ điều gì khác, nó là mục đích riêng của nó. Giá trị của nó là bản chất, giá trị của nó nằm trong bản thân nó; nó không hướng ngoại.
Nếu ai đó hỏi: “Giá trị của cuộc sống là gì?”. Chắc chắn bạn sẽ nói: “Giá trị không phải là cái tên dành cho nó”. “Vì sao bạn sống?”. Bạn sẽ nói: “Vì tôi tận hưởng việc sống”. Nhưng giá trị của nó là gì? “Giá trị...” làm gì có. Tất cả những thứ đó là tối thượng, là vô giá trị theo nghĩa bình thường của từ này. Song bởi điều tối thượng ấy, mọi thứ khác đều có giá trị. Thế nên giá trị không phải là cái tên dành cho nó, mặc dầu mọi giá trị đều tồn tại bởi vì nó.
Bạn tới văn phòng, bạn làm việc - điều đó có giá trị. Bạn sẽ nhận một ngàn đô la mỗi tháng. Và thế rồi bạn về và đưa một ngàn đô la cho vợ bạn vì bạn yêu người phụ nữ ấy. Bạn làm việc vì cô ấy, bạn làm việc vì con cái bạn - bạn yêu họ. Tình yêu không có giá trị. Công việc của bạn có giá trị, nhưng cuối cùng mọi thứ có giá trị đều tới dưới chân của cái vô giá trị, hay là vô giá. Nên nhớ, mục tiêu không thể có giá trị nào. Đó là lí do vì sao Đạo nhân nói rằng cuộc sống không có mục đích. Điều đó làm người ta choáng.
Một hôm một người tới chỗ tôi và hỏi: “Mục đích của cuộc sống là gì?”. Rồi tôi đáp: “Không có mục đích. Đơn giản cuộc sống là như nó vốn thế”. Ông ta không thỏa mãn. Ông ta nói: “Tôi từ rất xa tới đây”. Ông ta tới từ Nepal, và ông ta nói: “Tôi đã già rồi, một giáo sư về hưu. Đừng để tôi tay không ra về. Tôi tới chỉ để hỏi một điều: Mục đích của cuộc sống là gì?”. Rồi tôi nói: “Nếu tôi có thể để ông đi với hai bàn tay trắng thế thì cuộc hành trình của ông đã đạt được mục đích rồi, bởi tay không chính là mục tiêu”. Ông ta nói: “Đừng nói kiểu câu đố. Cứ bảo tôi, bằng ngôn ngữ rõ ràng, mục đích của cuộc sống là gì?”. Bấy giờ ông ta không thể hiểu được rằng ông ta đang hỏi một câu hỏi ngớ ngẩn. Cuộc sống không thể có bất cứ mục đích nào, bởi lẽ nếu cuộc sống có bất cứ mục đích gì thì thế nào cũng có thứ giá trị hơn cuộc sống, rồi lại nảy sinh câu hỏi: Mục đích của thứ đó là gì? Nếu ta nói: “Cuộc sống là để đạt tới chân lí”, thế thì chân lí trở thành mục đích thật sự. Nhưng thế thì mục đích của chân lí là gì? Nếu ta nói: “Cuộc sống là để tìm kiếm Thượng đế”, thế thì nảy sinh câu hỏi: “Mục đích của Thượng đế là gì, hay là của việc đạt tới Thượng đế là gì, hay là của việc nhận ra Thượng đế là gì?” Cuối cùng bạn phải vứt bỏ từ mục đích, rốt cuộc bạn phải vứt bỏ nó.
Cuộc sống không thể có bất cứ mục đích nào, bởi lẽ nếu cuộc sống có bất cứ mục đích gì thì thế nào cũng có thứ giá trị hơn cuộc sống.
 
Sửa lần cuối:
Top