K️️️
Bò lái xe
(NLĐO) - Sự việc công nhân ở Huế phải đứng dưới nắng để nghe "phổ biến công việc" đã gây ra nhiều phản ứng tiêu cực.
Mới đây, người sử dụng mạng xã hội tại Huế lan truyền clip ghi lại cảnh khoảng 10 công nhân đa số là nữ đứng trong khu vực sân cạnh bờ rào của một công ty để nghe 4 người được cho là lãnh đạo dây chuyền sản xuất phổ biến công việc.

Hình ảnh ghi lại vụ việc.
Hình ảnh ghi lại cho thấy số công nhân nói trên phải đứng tại vị trí bị ánh nắng chiếu rọi, trong khi gần địa điểm này có bóng mát.
Clip nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Đến nay xác định sự việc xảy ra tại Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam (trụ sở đóng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, TP Huế), diễn ra trong khoảng 10 phút.
Liên quan vụ việc trên, luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, đánh giá hành động bắt đứng giữa nắng để nghe "phổ biến công việc" của công ty là không phù hợp, đặc biệt clip cho thấy vẫn còn một khoảng trống khuất nắng khá rộng không được sử dụng.
Với điều kiện thời tiết nắng gắt như phản ánh, hành vi trên đã gây áp lực đối với người lao động hơn là mục đích thuần túy là phổ biến công việc. Điều này dễ vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và quyền của người lao động.
Cụ thể theo điểm a khoản 1 điều 6 và điểm a khoản 2 điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh, không để người lao động tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, có hại cho sức khỏe tại nơi làm việc.
Việc bắt người lao động đứng dưới nắng gắt trong thời gian dài tiềm ẩn nguy cơ cao về sức khỏe như sốc nhiệt, say nắng, mất nước, ảnh hưởng đến năng suất lao động và tinh thần của người lao động.
Với lỗi này, công ty có thể bị xử phạt hành chính nặng theo điều 19 hoặc điều 21 Nghị định số 12/2022.
Trong vụ việc trên, thông tin cho thấy chính quyền địa phương đã yêu cầu công ty chấm dứt hành vi và xin lỗi người lao động là bước đi cần thiết. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tái diễn hoặc nếu người lao động có bằng chứng về việc sức khỏe bị ảnh hưởng do hành vi này (ví dụ khám bệnh, giấy tờ y tế), người lao động hoàn toàn có quyền phản ánh, khiếu nại đến các UBND cấp xã, Ban Quản lý khu kinh tế hoặc Sở Nội vụ địa phương.
Bên cạnh đó, có thể khởi kiện trong trường hợp thiệt hại về sức khỏe hoặc quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà không được giải quyết thỏa đáng.