
Đồng loạt 102 phường, xã tại TPHCM tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền cấp phường, xã trong sáng 12/6.

Sáng 12/6, đồng loạt 102 phường, xã ở TPHCM tiến hành vận hành thử mô hình chính quyền 2 cấp.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM kiểm tra công tác vận hành thử nghiệm tại phường Bình Thới, quận 11 (Ảnh: Bảo Quyên).

Có 10 tổ công tác do Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng, trực tiếp giám sát, theo dõi, chỉ đạo việc vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (Ảnh: Nam Anh).

Tại phường Sài Gòn, các cán bộ, công chức đã có mặt từ sớm để bắt đầu công tác vận hành. Bà Ngô Hải Yến, Trưởng phòng Nội vụ quận 1, cho biết phường Sài Gòn có lợi thế là được đặt tại trụ sở UBND quận 1, đội ngũ cán bộ làm việc tại phường đều là những người từng công tác tại bộ phận một cửa của quận hoặc phường nên đã quen thuộc với hệ thống vận hành (Ảnh: Nam Anh).

Các cán bộ và một Phó chủ tịch UBND phường Sài Gòn được sắp xếp vị trí làm việc trong hội trường A của trụ sở UBND quận 1 trên đường Lê Duẩn, bắt đầu ngày vận hành thử nghiệm đầu tiên của chính quyền hai cấp phường và thành phố.
Tại trụ sở làm việc của phường, 4 cán bộ ngồi hàng ngang chia thành nhiều quầy để giải quyết các thủ tục hành chính, chứng thực chữ ký, sao y bản chính, đăng ký hộ tịch, đô thị, môi trường, an toàn thực phẩm và văn hóa - xã hội (Ảnh: Nam Anh).

Theo quy trình vận hành, UBND thành phố, người dân sẽ gửi hồ sơ thủ tục qua Cổng dịch vụ hoặc Cổng 1022 để tiếp nhận, giải đáp thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp.
Một công chức UBND phường sẽ được tạo một tài khoản để kiểm tra thông tin, tiếp nhận hồ sơ, chuyển phòng chuyên môn thụ lý, xử lý hồ sơ, chuyển trả bộ phận trả kết quả; sau đó sẽ lưu kho và trả kết quả cho người dân.
Cán bộ sau khi tiếp nhận hồ sơ sẽ phân loại về cơ quan chuyên môn để xem xét chuyển lãnh đạo UBND phường phê duyệt, rồi đưa hồ sơ đến văn thư đóng dấu và trả kết quả cho người dân (Ảnh: Nam Anh).

Ông Dương Anh Đức, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy quận 1, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại UBND phường Sài Gòn (Ảnh: Nam Anh).

Tại phường Bình Thới (quận 11), tổ công tác số 1 do ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, làm tổ trưởng cùng với ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, và một số lãnh đạo đã đến dự và giám sát buổi vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương cấp xã tại trụ sở UBND phường Bình Thới sau khi thành lập mới (Ảnh: Bảo Quyên).

Vận hành việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin 1022; vận hành hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối thành phố với cơ sở. Vận hành tiếp nhận, giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính tại Trung tâm Hành chính công cấp xã các loại hồ sơ sao y, chứng thực, khai sinh, khai tử... (Ảnh: Bảo Quyên).

Vận hành việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính (hộ tịch, đất đai, xây dựng…) đối với các trường hợp người dân đã nộp hồ sơ tại quận/huyện cũ nhưng chưa được giải quyết và thực hiện bàn giao về đơn vị hành chính mới để tiếp tục giải quyết (Ảnh: Bảo Quyên).

Người dân đến phường Bình Thới để làm các thủ tục khai sinh, đất đai, xác nhận nơi cư trú. "Tôi đợi khoảng 10 phút là tới lượt làm hồ sơ giấy đất, mọi việc được nhân viên hướng dẫn chu đáo, nhanh gọn", chị Huỳnh Thị Xuân chia sẻ (Ảnh: Bảo Quyên).

Sau buổi vận hành thử nghiệm, cũng qua hệ thống này, các điểm phường, xã sẽ báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm và họp rút kinh nghiệm với các cấp lãnh đạo thành phố (Ảnh: Bảo Quyên).

Sáng 12/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Trong đó, số lượng tỉnh, thành phố giảm từ 63 còn 34.
Các tỉnh, thành phố sau sáp nhập sẽ vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp tỉnh/thành - xã/phường. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, tinh gọn bộ máy, hỗ trợ người dân rút ngắn thời gian trong xử lý các thủ tục hành chính (Ảnh: Bảo Quyên).