Investing.com - Theo báo cáo Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ: Tác động và định hướng ứng phó cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam công bố ngày 24/6 của PwC Việt Nam, khoảng 44% doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa đang từng bước dịch chuyển một phần hoạt động ra khỏi Việt Nam nhằm giảm thiểu tác động từ các chính sách thuế quan đáp trả của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Nghiên cứu này được thực hiện trong bối cảnh nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ và nông – thủy sản đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp dụng từ tháng 4. Mức thuế cao khiến giá thành sản phẩm đội lên, làm giảm tính cạnh tranh so với các nước như Mexico, Indonesia hay Malaysia – vốn có chi phí sản xuất tương đương nhưng ít chịu rủi ro về thương mại hơn.
PwC cảnh báo năm 2025 sẽ là giai đoạn nhiều bất định với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Không chỉ chịu áp lực về chi phí đầu vào và thay đổi chính sách, doanh nghiệp còn đối mặt với sự thiếu ổn định vĩ mô và các rào cản về pháp lý. Trong khảo sát với các nhà đầu tư sản xuất và cung ứng dịch vụ, 86% cho biết họ đặc biệt lo ngại về tác động của chính sách thuế Mỹ. Trong đó, 23% dự báo chi phí sản xuất sẽ tiếp tục tăng, 15% lo ngại nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Mỹ sẽ giảm mạnh.
Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mô hình sản xuất. Có đến 44% doanh nghiệp chọn phương án phân tán sản xuất sang các quốc gia khác thay vì tập trung tại Việt Nam. Khoảng 34% đàm phán lại hợp đồng với các nhà cung cấp để kiểm soát chi phí, trong khi 40% chuyển sang áp dụng công nghệ tự động hóa nhằm nâng cao hiệu suất vận hành. Nhờ những nỗ lực này, 32% doanh nghiệp ghi nhận cải thiện năng suất và cắt giảm lãng phí.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu dệt may và giày dép lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, cạnh tranh trực tiếp với Bangladesh. Trong năm 2024, GDP của Việt Nam đạt 47,3 tỷ USD, tăng trưởng 7,09% – mức cao trong khu vực. Tuy nhiên, mô hình phát triển phụ thuộc nhiều vào FDI và xuất khẩu khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc địa chính trị và chính sách bảo hộ từ các thị trường lớn như Mỹ.
Một trong những sức ép hiện nay từ phía Washington là yêu cầu Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu và linh kiện từ Trung Quốc. Tuy vậy, theo nhận định của PwC, khả năng đáp ứng yêu cầu này vẫn là dấu hỏi lớn khi cơ cấu chuỗi cung ứng hiện tại của Việt Nam vẫn gắn chặt với Trung Quốc ở nhiều mắt xích quan trọng.