MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh sân bay Long Thành ở Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến
Toàn cảnh sân bay Long Thành ở Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến
Xã hội
Sân bay Long Thành khó phát huy hiệu quả nếu hạ tầng kết nối còn ì ạch
MINH QUÂN
LDO | 27/06/2025 20:49
TPHCM - Nếu hạ tầng kết nối chậm trễ, thiếu đồng bộ, sân bay Long Thành sẽ khó phát huy hiệu quả và khó trở thành động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Vấn đề này được nhiều chuyên gia và lãnh đạo địa phương nhấn mạnh tại hội thảo “Thúc đẩy kết nối Long Thành - TPHCM”, do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 27.6.
Hiện kết nối giữa TPHCM và sân bay Long Thành vẫn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào cao tốc TPHCM – Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 51 và Quốc lộ 1.
Trong khi đó, các dự án hạ tầng chiến lược như đường Vành đai 3, 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu đang trong quá trình triển khai.
Theo các chuyên gia, nếu hạ tầng chậm trễ, manh mún, sân bay Long Thành sẽ không thể phát huy hiệu quả và khó trở thành trung tâm phát triển vùng như kỳ vọng.
PGS.TS Trần Quang Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM - dẫn ví dụ, sân bay Incheon (Hàn Quốc), cách Seoul 36 km, được kết nối bằng cao tốc riêng, tàu cao tốc Airport Express (AREX), tuyến metro, xe buýt nhanh BRT và hệ thống ITS hiện đại.
Toàn bộ mạng lưới này hoạt động đồng bộ, giúp hành khách di chuyển thuận tiện và nhanh chóng. Nhờ đó, sân bay Incheon không chỉ là điểm trung chuyển hàng không mà còn là động lực phát triển kinh tế - đô thị.
Do đó, để Long Thành có thể cạnh tranh với các sân bay lớn trong khu vực, cần phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kết nối gồm: đường cao tốc, vành đai, metro và đường sắt liên tỉnh nối TPHCM với Long Thành, Biên Hòa, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cầu Nhơn Trạch thuộc dự án Vành đai 3 TPHCM cơ bản hoàn thành, sẵn sàng thông xe. Ảnh: Anh Tú
Ông Nguyễn Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - cho biết, sân bay Long Thành có 4 dự án thành phần, trong đó quan trọng nhất là nhà ga hành khách (dự án thành phần 3).
Hiện có khoảng 3.000 kỹ sư, công nhân đang thi công ngày đêm, phấn đấu hoàn thành cơ bản và bay thử nghiệm vào tháng 12 năm nay, vận hành thương mại trong nửa đầu năm 2026.
“Tuy nhiên, nếu không có kết nối đồng bộ với TPHCM, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất, thì hiệu quả khai thác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - ông Cường cảnh báo.
Nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành và Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: Anh Tú
Ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai - cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhằm kết nối hiệu quả với sân bay Long Thành.
Trong đó, hai tuyến huyết mạch là đường Vành đai 3 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn Đồng Nai dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong năm nay, góp phần tăng cường liên kết vùng và giảm áp lực giao thông hiện hữu.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng định hướng phát triển tuyến metro kéo dài từ Suối Tiên (TP Thủ Đức), qua Biên Hòa và kết nối trực tiếp đến sân bay Long Thành.
Trên hành lang tuyến metro này, tỉnh sẽ quy hoạch và phát triển các khu đô thị TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), nhằm tạo sự đồng bộ, tối ưu hiệu quả đầu tư giữa hạ tầng giao thông và phát triển đô thị.
Ông Lộc cũng lưu ý, hiện nay hạ tầng kết nối sân bay Long Thành từ TPHCM chủ yếu phục vụ người có ôtô. Người dân di chuyển bằng xe máy đang bị hạn chế do các tuyến cao tốc không cho phép xe hai bánh lưu thông.
Trong bối cảnh đó, một hướng đi quan trọng là cầu Cát Lái, kết nối từ Thủ Đức qua Nhơn Trạch đến tỉnh lộ 25B, dẫn thẳng vào sân bay Long Thành. Tuyến này cho phép xe máy lưu thông, phục vụ lực lượng lao động hai bên và đa dạng hóa lựa chọn di chuyển.
Tuy nhiên, dự án hiện vẫn chưa được triển khai và tỉnh Đồng Nai đang tích cực thúc đẩy sớm thực hiện.
#
THƯƠNG CÓ ĐƯỜNG MỚI CÓ HẠ TẦNG. ĐÂY CỨ THÍCH LÀ ĐỘP PHÁT HẠ CÁI NHÀ XUỐNG XONG CON ĐƯỜNG TÍNH SAU
Ngược!!!