Thỏ Trắng Ác Tâm
Súng hết đạn
Theo phiên bản mới nhất của Dự thảo sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các giao dịch từ 2 chỉ vàng trở lên trong một ngày sẽ phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng, quản lý số sê-ri của vàng miếng...

Một điểm nổi bật của Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 là bắt buộc thanh toán qua tài khoản ngân hàng nếu giao dịch vàng có giá trị từ 20 triệu đồng/ngày trở lên.
Đây là lần đầu tiên hoạt động mua bán vàng trong nước được đặt dưới kiểm soát trực tiếp về dòng tiền, cho phép cơ quan quản lý dễ dàng giám sát các giao dịch quy mô lớn, đồng thời ngăn chặn rửa tiền và giao dịch không kê khai thuế.
Tại phiên bản Dự thảo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp thu đề xuất từ Bộ Công an, bổ sung quy định về quản lý số sê-ri vàng miếng tại các chứng từ giao dịch.
Theo Bộ Công an, việc ghi nhận bắt buộc số sê-ri tại các chứng từ giao dịch là cần thiết để hạn chế rủi ro, tăng tính minh bạch, đồng thời xác minh được nguồn gốc và tính hợp pháp của vàng trong lưu thông. Điều này giúp cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng chặt chẽ hơn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phòng ngừa hành vi hợp thức hóa vàng không rõ nguồn gốc.
Theo đó, cơ quan quản lý sẽ theo dõi, ghi nhận và xác minh số sê-ri vàng miếng, bao gồm: (1) số sê-ri của vàng miếng mới sản xuất; (2) vàng miếng móp méo được gia công lại; (3) vàng miếng tham gia giao dịch mua bán hoặc đã được nấu lại thành nguyên liệu.
Theo Dự thảo, chỉ các doanh nghiệp có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng và ngân hàng thương mại có vốn từ 50.000 tỷ đồng trở lên mới được xem xét cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng.
Ngoài yêu cầu về vốn, các điều kiện kèm theo bao gồm: (1) đã có Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; (2) không có vi phạm hành chính chưa khắc phục liên quan đến kinh doanh vàng; (3) phải xây dựng quy trình nội bộ rõ ràng cho hoạt động sản xuất; (4) phải công bố và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn hàm lượng, trọng lượng sản phẩm; (5) có trách nhiệm bảo hành vàng miếng đã bán và lưu trữ dữ liệu sản xuất.
Việc nâng cao điều kiện cấp phép này được Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ tái định hình thị trường vàng miếng, hướng đến các doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính, công nghệ và quản trị minh bạch.
Liên quan đến nhập khẩu vàng, Dự thảo quy định Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan duy nhất cấp Hạn mức hàng năm và Giấy phép từng lần cho các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng và vàng nguyên liệu.
Chỉ những doanh nghiệp và ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 11a (chủ yếu là các đơn vị có vốn lớn, hồ sơ pháp lý đầy đủ và hệ thống quản trị minh bạch) mới được xem xét cấp phép nhập khẩu vàng. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng phải phục vụ mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo cân đối cung – cầu vàng trong nước và không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối quốc gia.
Ngoài ra, các đơn vị được cấp phép nhập khẩu vàng phải: công bố rõ hàm lượng, tiêu chuẩn và mục đích sử dụng vàng nhập khẩu; cây dựng quy trình nội bộ và biện pháp bảo đảm an toàn cho hoạt động xuất, nhập khẩu; lưu trữ và kết nối dữ liệu giao dịch với Ngân hàng Nhà nước; chỉ được nhập khẩu vàng có hàm lượng từ 99,5% trở lên và sử dụng đúng mục đích đã đăng ký như sản xuất vàng miếng hoặc vàng trang sức, mỹ nghệ.
Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vàng có trách nhiệm lưu trữ đầy đủ dữ liệu giao dịch.
Chỉ Ngân hàng Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu, khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.Các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhập khẩu vàng tuân thủ chính sách thuế do Bộ Tài chính ban hành trong từng thời kỳ.

Siết định danh khi mua, bán vàng để chặn rửa tiền và trốn thuế
Theo phiên bản mới nhất của Dự thảo sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các giao dịch từ 2 chỉ vàng trở lên trong một ngày sẽ phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng, quản lý số sê-ri của vàng miếng...