Johnny Lê Nữu Vượng
Già làng

Mưa lớn kéo dài khiến cầu tràn khe Chon, xã Yên Hòa (Nghệ An) bị ngập sâu, chia cắt 2 bản. Chính quyền cấm đường, bố trí lực lượng túc trực đảm bảo an toàn. Hàng chục hộ dân tại Thanh Hóa phải di dời.
Trưa 22/7, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, tỉnh Thanh Hóa, cho biết do ảnh hưởng của bão Wipha, mưa lớn kéo dài khiến chiếc đò ngang tại khu vực sông Mã, đoạn qua bản Pá Húa, bị đứt dây neo, trôi dạt và chìm.Chiếc đò thuộc sở hữu của ông Cứ A Lộng, người dân địa phương, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng.
Cùng thời điểm, chính quyền xã Trung Lý đã lên phương án di tản 180 hộ dân tại 11 bản ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đến tránh trú tạm thời tại nhà văn hóa bản.
Bà Lương Thị Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung, tỉnh Thanh Hóa, cho biết trên địa bàn xã có mưa và gió từ đêm 21/7.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, đêm 21/7, chính quyền địa phương đã di dời 15 hộ dân với 94 nhân khẩu (12 hộ ở bản Suối Lóng, hộ ở bản Suối Phái) đến trường học, nhà văn hóa và nhà người thân để tránh trú.
Lực lượng công an, dân quân và đoàn thể xã đang túc trực tại các điểm xung yếu, kiểm tra tình hình và sẵn sàng hỗ trợ bà con khi cần thiết. Chính quyền xã chuẩn bị thêm lương thực, nước uống, đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho các hộ dân trong những ngày tránh bão.
“Cán bộ xã đã mang nhu yếu phẩm đến cho bà con tổ chức nấu ăn tại nơi tránh trú, đồng thời vận động họ ở lại, không trở về nhà khi tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn”, bà Tuân nói.
Ngày 22/7, ông Đỗ Tất Hùng, Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ (Thanh Hóa), cho biết trưa cùng ngày, trên địa bàn xã có mưa to đến rất to, gây ngập cục bộ ở nhiều nơi.
Tại làng Mài và làng Sao có hơn 200 hộ dân đang bị cô lập do tuyến đường tràn bị ngập sâu, các phương tiện không thể di chuyển qua lại.
Chính quyền địa phương đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tổ chức tiếp tế nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân. Ngoài ra, trong xã có 2 hộ thuộc khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn.
Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ đêm 21 đến sáng 22/7, trên địa bàn xã Yên Hòa, tỉnh Nghệ An xảy ra mưa lớn kéo dài.
Nước lũ đổ về khiến cầu tràn khe Chon bị ngập sâu hơn 1m, chia cắt hoàn toàn tuyến đường dẫn vào 2 bản Xốp Cốc và bản Tạt với hơn 200 hộ với 913 nhân khẩu sinh sống.
Phát Video
Phát
Cầu tràn khe Chon, xã Yên Hòa nước lũ dâng cao chia cắt bản làng (Video: Trần Sen).
Quảng cáo của DTads
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đậu Đức Truyền, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, chia sẻ: “Ngay sau khi phát hiện tình trạng ngập sâu tại cầu tràn Xốp Cốc, chính quyền xã đã cắm biển cấm đường, cử lực lượng công an túc trực 24/24h nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân”.
Theo ông Truyền, các hộ dân ở 2 bản Xốp Cốc và bản Tạt đang trong tình trạng bị chia cắt hoàn toàn. Người dân có công việc cần thiết buộc phải vượt qua khu vực cầu tràn, chính quyền sẽ bố trí lực lượng hỗ trợ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Khu vực cầu tràn khe Chon ngập khiến các hộ dân bị chia cắt (Ảnh: Trần Sen).
Không chỉ bị ngập cầu tràn, mưa lớn còn gây ra tình trạng sạt lở, xói lở đất tại nhiều tuyến đường và khu vực dân cư. Đặc biệt, tuyến đường từ Trung Thắng vào các bản Tạt, Xiềng Líp, Xốp Kha cũng bị sạt lở nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Chính quyền xã Yên Hòa đã chủ động rà soát, sơ tán các hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Các điểm như Yên Tân, Đình Yên, Yên Hợp, Xiềng Líp, bản Hào cũng đang được cảnh báo là vùng xung yếu, dễ ngập sâu và bị cô lập trong mùa mưa lũ.

Chính quyền xã Yên Hòa đặt biển cấm người dân qua lại khu vực ngập câu tràn khe Chon (Ảnh: Trần Sen).
“Mùa mưa, người dân hay vào rừng kiếm măng, bắt cá, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, các bản vùng sâu còn thiếu nhiều phương tiện, thiết bị phòng, chống thiên tai như áo phao, thuyền cứu hộ, pháo cứu sinh...
Trừ những trường hợp ốm đau, bệnh tật thì chúng tôi mới cho lưu thông qua khu vực nguy hiểm này”, ông Truyền chia sẻ thêm.
Để ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp, chính quyền địa phương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ công tác, tổ chức trực gác tại các khu vực đập tràn, đường ngập sâu, nước chảy xiết.
Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại các điểm nguy hiểm nếu không đảm bảo an toàn, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thanh Hóa mưa lớn đến khi nào?
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa, cho biết do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, kết hợp với hoạt động của bão số 3, từ ngày 22/7 đến 24/7, khu vực Thanh Hóa sẽ có mưa to đến rất to và dông.

Thanh Hóa mưa lớn trên diện rộng từ ngày 22 đến 24/7 (Ảnh: Thanh Tùng).
Tổng lượng mưa dự báo khu vực miền núi phía Bắc, Tây Bắc 100-200mm, có nơi trên 200mm; khu vực vùng núi phía Tây, Tây Nam và đồng bằng ven biển 150-250mm, có nơi hơn 250mm.
Theo ông Minh, lượng mưa lớn trên địa bàn sẽ làm tăng nguy cơ lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất, đặc biệt tại các khu vực có địa hình dốc.
Ngoài ra, mưa lớn có thể đi kèm các hiện tượng như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, có thể làm đổ gãy cây cối, gây hư hại nhà cửa, công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn còn gây ngập úng cây trồng, làm đất bị bão hòa nước hoặc khiến cây bị đổ, gây thiệt hại cho mùa màng; đồng thời làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ngập úng tại các khu dân cư, ách tắc giao thông và giảm tầm nhìn khi lái xe.
“Trong ngày hôm nay, lượng mưa tại vùng đồng bằng 100-200mm, miền núi 200-300mm. Mưa lớn sẽ xảy ra trên diện rộng toàn tỉnh; các khu vực miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất”, ông Minh nói.

Nhiều tuyến đường biến thành sông trong trận mưa lớn (Ảnh: Hoàng Dương).