Thấy gì từ vụ nữ sinh suýt hư thận vì uống trà sữa thay nước?

Báo Dân trí vừa đăng bài về một nữ sinh ở Hà Nội đi cấp cứu tại bệnh viện E. Cháu gái mới 18 tuổi vì bận ôn thi tốt nghiệp PTTH nên đã ăn mì tôm chống đói, khi khát chỉ uống trà sữa thay nước là chính. Kết quả cháu bị sỏi niệu quản 4mm gây tắc nghẽn, dẫn đến viêm thận cấp. Nếu không chữa trị kịp thời, cháu gái rất trẻ này có thể hư thận. Rất thương cháu gái gặp chuyện không may trong mùa thi, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng đây là câu chuyện buồn về kỹ năng sống của một nữ sinh, và nhìn rộng ra những chuyện tương tự không thiếu trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Đơn cử như chuyện một nữ sinh học tới năm cuối của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM, vừa bị lừa mất 7 tỷ đồng. Theo trình báo từ gia đình, chỉ trong vòng 3 ngày từ ngày 26/5, vì tin vào chiêu trò phải chuyển tiền để "lọt top sao kê tài khoản" thì mới được cấp học bổng giao lưu du học ở Đức, nữ sinh tên M.T đã nhiều lần yêu cầu bố mẹ chuyển tổng cộng 7 tỷ đồng. Năm lần bố mẹ T. chuyển cho con gái số tiền lần lượt là 1,5 tỷ, 1,48 tỷ, 2,02 tỷ, 500 triệu đồng và 1,5 tỷ đồng. Và kết quả là toàn bộ số tiền đã rơi vào tay những kẻ lừa đảo.

Một sinh viên khác ở Hà Nội cũng bị lừa rằng mình là nghi can của một vụ án hình sự và kết quả là bị mất 3 tỷ đồng. Cách đây không lâu, một sinh viên quê Quảng Ninh tham gia sàn chứng khoán do "Mr Pip" đầu tư và mất hết 8 tỷ đồng. Đó là chưa kể tới những trường hợp nam sinh, nữ sinh bị lừa đưa ra nước ngoài hoạt động lừa đảo vì dính bẫy "việc nhẹ lương cao".

Thấy gì từ vụ nữ sinh suýt hư thận vì uống trà sữa thay nước? - 1

Các bác sĩ đang thực hiện nội soi tán sỏi cho bệnh nhân (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Những chuyện này xảy ra ngay tại các thành phố lớn hàng đầu của đất nước, trong thời buổi công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Nạn nhân thậm chí là các sinh viên, học sinh học giỏi, thông minh đang theo học cả những đại học cực kỳ khó vào như trường Y hay các đại học quốc tế nổi tiếng.

Tất cả cho thấy kỹ năng sống của không ít học sinh, sinh viên hiện nay đang có những lỗ hổng có thể gây rủi ro cho các cháu và gia đình bất cứ lúc nào. Các cháu có thể học hành giỏi giang, nhưng lại không biết những điều cơ bản và vô cùng cần thiết trong cuộc sống.

Ví dụ như cháu gái liên tục ăn mì tôm và uống trà sữa thay nước. Khi áp dụng cách ăn uống "cho nhanh" này trong lúc ôn thi, cháu đã không hề biết các thông tin cơ bản về chế độ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Cháu không biết tới việc cân bằng thực phẩm, tới tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành cần các thành phần như: nước, nhóm lương thực, nhóm rau củ quả, nhóm thực phẩm chứa đạm, nhóm dầu mỡ và nhóm muối, đường.

Những hiểu biết cơ bản này vốn được dạy ở trường phổ thông và rất dễ tìm kiếm trên Internet. Chỉ vì sai lầm này, nếu không được chạy chữa kịp thời mà hỏng hết thận thì tương lai của cháu sẽ ra sao? Sự tốn kém của gia đình và xã hội để chữa trị sẽ thế nào? Đó là một sự trả giá rất đắt bằng chính sức khỏe và tính mạng.

Với các cháu bị lừa vì chiêu cấp học bổng, dù nhà trường, báo chí và mạng xã hội đã liên tục cảnh báo, các cháu vẫn lao vào như thiêu thân vì đã bỏ qua mọi thông tin đó. Ngay cả khi chưa có cảnh báo, là một sinh viên đại học, thậm chí học năm thứ 6 trường Y, các cháu vẫn không có kỹ năng phản biện ở mức tối thiểu.

Ví dụ, khi bị lừa, tại sao không đặt ra các câu hỏi:

1. Tại sao lại tin ngay một chương trình du học chỉ qua một văn bản scan gửi qua mạng, mà không trực tiếp lên văn phòng nhà trường để xác minh?

2. Nếu là học bổng, tiêu chí phải là học tập. Nếu là du học tự túc, cần chứng minh tài chính, tức là chứng minh mình có tiền hợp pháp, chứ tại sao lại có trò "đua sao kê tài khoản" xem ai nhiều tiền hơn sẽ thắng?

3. Tại sao lại phải chuyển khoản số tiền lớn cho một người lạ, trong khi văn bản được cho là của trường đại học? Lẽ ra phải có tài khoản chính thức của nhà trường, nơi sinh viên vẫn định kỳ đóng học phí.

Những câu hỏi logic đơn giản này sẽ giúp các cháu dễ dàng nhận diện ra lừa đảo.

Từ các câu chuyện đáng tiếc trên, có thể thấy phần lỗi bắt nguồn từ cả người lớn. Nhiều gia đình chỉ nghe con nói đã vội đưa những khoản tiền lớn, để rồi bị lừa mất. Chính cha mẹ, người cần đưa ra lời khuyên cho con, cũng không có phản ứng đúng đắn. Nếu vậy, làm sao họ có thể dạy con kỹ năng sống để tránh những cạm bẫy trong đời?

Kỹ năng sống bao gồm những gì giúp một người trẻ có thể tự chăm sóc bản thân (ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh lành mạnh). Nó cũng bao gồm khả năng tìm hiểu, nắm bắt thông tin, có các hiểu biết xã hội. Nó giúp các cháu có thể đặt câu hỏi nghi vấn, phản biện trước mọi vấn đề để tìm ra câu trả lời chính xác. Từ đó, các cháu mới có thể ra quyết định đúng đắn.

Kỹ năng sống là nền tảng để các cháu sống tốt, còn quan trọng hơn cả năng lực học tập hay làm việc. Vì vậy, mong rằng qua các câu chuyện không vui này, các gia đình và thầy cô sẽ chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên tốt hơn. Cách học tốt nhất là thông qua hoạt động hàng ngày, qua các trải nghiệm mà cha mẹ dành thời gian cho con, thay vì khoán trắng cho nhà trường hay các lớp học kỹ năng sống vốn chỉ cung cấp được một phần rất nhỏ thông tin cần thiết.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
 

Có thể bạn quan tâm

Top