Don Jong Un
Xamer mới lớn


Áp lực trước hết bắt đầu từ rào cản người trẻ không thể mua nổi nhà. Ảnh: Quý Hòa.
Tiết kiệm cũng không đủ tiền mua nhà, nhiều bạn trẻ chọn sống hết mình cho hiện tại, thay vì tích lũy cho tương lai.
Tại Hàn Quốc, cụm từ “Sampo Generation” (chỉ thế hệ những người từ bỏ nhiều thứ ở Hàn Quốc) đã tồn tại từ lâu. Trung Quốc cũng đang trải qua làn sóng “nằm yên” như một hình thức phản kháng thụ động trước áp lực sở hữu tài sản. Một thế hệ trẻ “3 không” trỗi dậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn và đầy biến động.
Không chỉ tại khu vực châu Á, nhìn về Việt Nam, thị trường cũng bắt đầu cảm nhận rõ sự xuất hiện của thế hệ 3 không: không nhà cửa, không kết hôn và không sinh con. Họ cho rằng không có cơ hội tăng thu nhập trong tương lai và dần chấp nhận cuộc sống hiện tại.
Áp lực trước hết bắt đầu từ rào cản người trẻ không thể mua nổi nhà. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), với mức thu nhập trung bình của người trẻ dao động từ 15-25 triệu đồng/tháng, việc mua một căn hộ 60 m² có giá 3-5 tỉ đồng là điều không tưởng nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các gói vay hay gia đình.
Khi giá nhà ngày càng tăng cao, giấc mơ có nhà ngày càng xa vời với người trẻ. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, vào thời điểm năm 2024, với GDP bình quân đầu người khoảng 9,5 triệu đồng/tháng, một bạn trẻ 9X cần làm việc, tích cóp 25,8 năm để mua căn hộ khoảng 60 m2, giá xấp xỉ 3 tỉ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động 4,5%.
Người Việt thường có tâm lý an cư lạc nghiệp, nhưng khi căn nhà quá xa tầm tay, thì cả chuyện lập thân cũng trở nên bấp bênh. Hồng Đăng (28 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Giá nhà cứ tăng, sinh con ra không có chỗ để ở, không lẽ kết hôn để rồi cùng trả nợ à?”.
Cùng với đó, tỉ lệ sinh tại Việt Nam đã tiến về mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Theo Tổng cục Thống kê, 2 năm qua mức sinh có dấu hiệu giảm nhanh từ 1,96 con mỗi phụ nữ năm 2023 xuống còn 1,91 con vào năm 2024. “Việc ngại cưới, lười sinh con có thể gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, tạo gánh nặng an sinh xã hội”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Xã hội đứng trước bài toán lớn khi ngày càng nhiều người trẻ không mua nổi nhà và có xu hướng chỉ đầu tư vào trải nghiệm sống như ăn uống, du lịch, mua sắm. Tuy nhiên, cũng có những người trẻ không chọn ngồi im chờ đợi sự hỗ trợ của các gói vay mua nhà, mà chủ động đầu tư, tích sản khi còn trẻ. Họ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu rồi mới hướng tới tài sản lớn hơn trong tương lai.